Thường xuyên, tại ngã tư chốt đèn giao thông Bà Triệu - Lê Văn Duyệt (phường 3, TP. Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu), dù đang đèn đỏ nhưng không ít người điều khiển phương tiện giao thông cứ vô tư vượt qua. Đơn giản bởi vì, ngã tư nhỏ, lại không bao giờ xuất hiện bóng dáng của cảnh sát giao thông, không ai bị phạt vạ gì ngay cả khi vượt đèn đỏ. Với ý thức tham gia giao thông kiểu đối phó và liều mạng như vậy, con đường để làm giảm, dừng tai nạn giao thông (TNGT) xem ra vẫn còn khá nan giải. Còn ra đường quốc lộ, tỉnh lộ thì nơm nớp lo sợ những hung thần ô tô khách, ô tô tải.
Yếu do thiếu sự chuẩn bị
Sự chuẩn bị ở đây đến từ những điều nhỏ nhặt nhất. Từ những bài giảng về ý thức tuân thủ pháp luật trong các trường học, trong đó có việc học Luật Giao thông vẫn còn rất hạn chế, mang tính hình thức nhiều. Đầu mỗi năm học, Ban an toàn giao thông các địa phương đều có đến các trường học để nói chuyện về Luật Giao thông, chủ yếu tranh thủ ở các buổi sinh hoạt dưới cờ. Với sự hiếu động của các em học sinh, thử hỏi có bao nhiêu phần trăm các em nghe hết, tiếp thu hết những luật lệ ấy. Mà mỗi năm học, chỉ đến nói chuyện một vài lần thì làm sao mong các em xây dựng được ý thức tốt?!
Không có gì cướp đi sinh mạng một con người nhanh và đau đớn như TNGT. Thông tin đau buồn nhất trong tuần vừa qua là thông tin về hai em học sinh Trường THPT Lê Văn Đẩu (huyện Vĩnh Lợi) bị TNGT qua đời vào ngày 12/10/2017 và một em bị thương nặng. Các em bị TNGT do va chạm với ô tô tải khi đang điều khiển xe máy trên đường đi học. Chưa biết lỗi đến từ bên nào, nhưng cái chết đau xót của các em chẳng lẽ không phải là hồi chuông cảnh tỉnh tất cả chúng ta? Nếu không trang bị tốt các kiến thức về Luật Giao thông, không trao cho các em những kỹ năng tốt khi di chuyển trên đường an toàn, thì chỉ trong tích tắc, bao nhiêu công lao nuôi dưỡng, bao nhiêu kiến thức học hành chữ nghĩa cũng có còn lại gì?
Lập biên bản một trường hợp vi phạm Luật Giao thông.
Cần đầu tư đồng bộ
Trong những năm qua, công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông (ATGT) đã được Đảng, Quốc hội và Chính phủ tăng cường chỉ đạo các bộ, ngành thực hiện với nhiều biện pháp quyết liệt. Trong đó, công tác tuyên truyền được đặt lên hàng đầu và được coi là một trong những biện pháp quan trọng để góp phần kiềm chế gia tăng TNGT. Tuy nhiên, công tác này hiện vẫn thiếu chiều sâu, mang tính hình thức, chưa phù hợp với đặc điểm của từng đối tượng, từng vùng nên chất lượng, hiệu quả hạn chế.
Người tham gia giao thông, ngoài việc chưa nghiêm chỉnh chấp hành luật lệ giao thông, còn chưa có thói quen tự bảo vệ mình và bảo vệ người khác trong quá trình tham gia giao thông, chưa có thói quen sử dụng các thiết bị an toàn. Việc học thi lấy giấy phép lái xe mới đang chỉ dừng lại ở mức độ học thủ thuật để vượt qua các phần thi lý thuyết và thực hành, chứ chưa chú trọng đến kỹ năng xử lý trên đường, nhất là vấn đề đạo đức của người lái xe.
Cuối cùng, việc đồng bộ hệ thống pháp luật về ATGT có ý nghĩa hết sức quan trọng, nó giúp cho người dân tiếp nhận pháp luật một cách hệ thống, dễ hiểu, dễ thực hiện, góp phần nâng cao hiệu quả tuyên truyền pháp luật về giao thông đường bộ, nâng cao ý thức pháp luật về ATGT của người dân, vẫn đang trong quá trình hoàn thiện.
Nguồn: Báo Bạc Liêu