Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tai nạn giao thông như: hệ thống hạ tầng yếu kém, xuống cấp; sử dụng phương tiện giao thô ng không bảo đảm an toàn kỹ thuật; thời tiết xấu, thiên tai, lũ lụt, đường trơn trượt... Nhưng nguyên nhân chủ yếu, cơ bản nhất vẫn là do sự thiếu ý thức của người tham gia giao thông.
Cảnh sát giao thông tỉnh Bắc Giang tuần tra trên quốc lộ 17, đoạn qua TP Bắc Giang.
Trên thực tế, nhiều vụ tai nạn thương tâm bắt nguồn từ lỗi chủ quan của người tham gia giao thông. Đơn cử như vụ tai nạn xảy ra ở Bắc Giang hồi đầu tháng 5 vừa qua là một thí dụ cụ thể. Xe tải do anh Đào Mạnh Hà (SN 1977) ở phường Ngô Quyền (TP Bắc Giang) điều khiển lưu thông trên quốc lộ 1, khi đi đến địa phận xã Hương Lạc (huyện Lạng Giang) đã lấn làn, va chạm với xe ô-tô năm chỗ chạy ngược chiều. Sau đó, xe tải tiếp tục đâm vào một xe máy khiến hai anh em ruột tuổi đời mới ngoài 20 chết tại chỗ. Nguyên nhân vụ tai nạn được xác định do anh Đào Mạnh Hà điều khiển xe tải với tốc độ rất cao đi sai làn đường. Đêm 24-8 vừa qua, tại quốc lộ 17, đoạn qua xã Song Mai (TP Bắc Giang), vụ tai nạn xảy ra giữa hai xe máy khiến ba thanh niên trẻ chết và một người bị thương nặng. Bốn thanh niên này được xác định đều không đội mũ bảo hiểm, một xe chở ba người và lưu thông với tốc độ cao. Đường sắt là đường ưu tiên song tình hình tai nạn tại đường sắt đoạn qua Bắc Giang luôn là nỗi lo thường trực. Chỉ riêng trong tháng 8-2017, tại địa phận thị trấn Vôi (Lạng Giang) đã xảy ra hai vụ tai nạn làm chết hai người. Sáng 9-8, xe ô-tô năm chỗ do ông Vũ Minh Hoàn (63 tuổi) điều khiển do thiếu quan sát, đã rẽ trái qua đường ngang dân sinh và bị tàu hỏa đâm trực diện dẫn đến tử vong. Ngày 29-8, ông Nguyễn Văn Lâm (SN 1969), trú tại thôn Tuấn Thịnh, xã Tân Thanh (Lạng Giang) điều khiển xe máy đi ngang qua đường sắt cũng thiếu chú ý quan sát, va chạm với tàu hỏa và tử vong tại chỗ.
Hiện nay, một bộ phận không nhỏ người tham gia giao thông chỉ có ý thức chấp hành khi thấy cảnh sát giao thông. Còn không, họ sẵn sàng phóng nhanh vượt đèn đỏ, treo mũ bảo hiểm, dàn hàng ngang trên đường, uống rượu bia say xỉn vẫn tham gia giao thông. Đáng chú ý, khi xảy ra va chạm, tai nạn giao thông, thay vì ứng xử với nhau có văn hóa thì một số người lại giải quyết đúng sai theo kiểu “luật rừng”. Nhiều khi xảy ra thương tích, chết người không phải do tai nạn mà bắt nguồn từ những hành vi cãi vã, đánh nhau chỉ vì va quệt nhỏ. Chiều 28-3-2017, Nguyễn Văn Dương (SN 1993) ở xã Xuân Hương (Lạng Giang) điều khiển xe máy, va chạm với xe của Nguyễn Quang Huy (SN 2000) ở phường Thọ Xương (TP Bắc Giang). Thay vì thông báo cho lực lượng chức năng đến giải quyết, hai thanh niên hùng hổ lời qua tiếng lại, Huy cầm gạch tiến công liền bị Dương rút dao thủ sẵn trong người ra chống trả và đâm khiến Huy tử vong. Ngày 28-8, tại khu vực ngã tư Thân, thị trấn Đồi Ngô (Lục Nam), anh Vũ Văn Thông (SN 1984), trú tại thôn Phương Lạn 4, xã Phương Sơn (Lục Nam) đang điều khiển ô-tô thì xảy ra va chạm với một nam thanh niên điều khiển xe máy đi cùng chiều. Khi anh Thông xuống xe để xem xét, giải quyết, bất ngờ bị đối tượng Phùng Văn Cuộc (không rõ địa chỉ) dùng mũ cối và dây thắt lưng đánh khiến anh Thông bị hỏng một mắt.
Điểm lại một số vụ tai nạn giao thông chết người và thương tích xảy ra trên địa bàn tỉnh Bắc Giang thời gian gần đây, có thể thấy, một bộ phận không nhỏ người tham gia giao thông rất thiếu ý thức, dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng.
Để từng bước nâng cao ý thức giao thông an toàn, mỗi người cần có trách nhiệm với sức khỏe, tính mạng của mình và của những người tham gia giao thông khác, trong đó công tác tuyên truyền, giáo dục rất quan trọng. Trường học là nơi tốt nhất để tuyên truyền về an toàn giao thông (ATGT), nhất là bậc mầm non và tiểu học, coi ATGT là môn học chính thức trong các trường phổ thông. Mới đây, Chính phủ đã yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo khẩn trương hoàn thiện bộ tài liệu về “Văn hóa giao thông” đưa vào giáo dục tại các nhà trường trong toàn quốc, bắt đầu từ năm học 2017-2018. Bên cạnh đó, tăng cường giáo dục ý thức tham gia giao thông từ mỗi gia đình, người lớn phải gương mẫu để con em học tập, làm theo. Công tác tuyên truyền về bảo đảm trật tự ATGT đã được triển khai rộng rãi đến tận cơ sở, được lồng ghép trong các buổi sinh hoạt câu lạc bộ dân số, câu lạc bộ gia đình nông dân hạnh phúc,... các buổi sinh hoạt thôn, cụm, hội diễn, liên hoan văn nghệ; hội thảo, tư vấn pháp luật; đăng ký cam kết đối với các làng, bản, khu phố văn hóa, gia đình văn hóa. Thông qua các buổi hội thảo, các hội nghị chuyên đề tại các xã, phường, đã thu hút đông đảo thanh niên tham gia và được cấp ủy, chính quyền địa phương đánh giá cao.
Cùng với tuyên truyền, giáo dục, lực lượng chức năng tiếp tục duy trì, xử lý nghiêm những hành vi vi phạm để răn đe và công bằng với tất cả mọi người, tránh hiện tượng “nhờn luật”. Qua đó, dần tạo nên ý thức tự giác trong chấp hành pháp luật khi tham gia giao thông của mỗi người.
Nguồn: Báo Nhân dân