Giáo dục ý thức chấp hành Luật Giao thông cho học sinh: Cần sự vào cuộc của nhà trường và phụ huynh

Thứ năm, 13/09/2018 Đã xem: 526 | Nhận xét: 0
  • Đánh giá cho bài viết:
  • 1 điểm ( 1 đánh giá )

Thời gian gần đây, Ban An toàn giao thông tỉnh Bạc Liêu và các địa phương đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền Luật An toàn giao thông đến các trường học, nhất là việc thực hiện đội mũ bảo hiểm (MBH) cho học sinh từ 7 tuổi trở lên. Tuy nhiên, thực tế vẫn còn nhiều học sinh, phụ huynh chưa thực hiện nghiêm quy định này.

 

Nhiều phụ huynh không trang bị MBH cho con em khi tham gia giao thông
(ảnh chụp trên đường Cao Văn Lầu, TP. Bạc Liêu).

Cả phụ huynh và học sinh đều không đội MBH khi tham gia giao thông
(ảnh chụp trên tuyến đường Hộ Phòng - Chủ Chí, đoạn qua xã Tân Phong, thị xã Giá Rai).

Mỗi ngày có hàng ngàn học sinh được phụ huynh đưa, đón bằng phương tiện xe gắn máy. Có nhiều trường hợp phải di chuyển trên 10km từ nhà đến trường. Tuy nhiên, theo quan sát, tại một số điểm trường từ cấp tiểu học đến cấp THCS, THPT trên địa bàn tỉnh, có rất nhiều học sinh không đội MBH khi được phụ huynh chở trên xe gắn máy. Cá biệt, có trường hợp cả phụ huynh và học sinh đều không đội MBH khi tham gia giao thông. Hành vi này không chỉ làm xấu đi hình ảnh của bản thân khi tham gia giao thông, ảnh hưởng đến văn hóa giao thông mà còn trực tiếp đe dọa đến sức khỏe, tính mạng của các em học sinh, phụ huynh nếu chẳng may gặp sự cố xảy ra.

Ai cũng biết đội MBH ngoài việc bắt buộc phải đội theo Luật Giao thông đường bộ thì tác dụng chính của MBH là giảm những chấn thương nghiêm trọng, đặc biệt là chấn thương sọ não khi xảy ra tai nạn giao thông. Tuy nhiên, vì những lý do khác nhau, nhiều phụ huynh lại không trang bị MBH cho con em mình khi tham gia giao thông. Điều này cũng có nghĩa là các bậc phụ huynh quá thờ ơ với những mối hiểm nguy đang rình rập xung quanh cho con em mình. Nếu chẳng may sự cố xảy ra, đứa con mà các bậc phụ huynh đã dành tất cả những gì tốt đẹp nhất trên đời ấy lại bị chấn thương nghiêm trọng do không đội MBH thì các bậc phụ huynh sẽ lại tự trách mình!?

Vì thế, việc tuyên truyền thực hiện Luật Giao thông nói chung, đội MBH nói riêng cần được sự chung tay của cả xã hội, nhà trường và sự cộng tác, tuân thủ của các bậc phụ huynh. Vì nếu không có sự tự nguyện chấp hành, ý thức được tác hại của việc không đội MBH cho con em mình của các phụ huynh thì công tác tuyên truyền, nhắc nhở của các trường cũng không mang lại hiệu quả cao.

Bên cạnh đó, các giáo viên chủ nhiệm lớp cũng cần có các biện pháp nhắc nhở “khéo léo”, lấy trung tâm là học sinh để tác động đến các bậc phụ huynh trong việc thực hiện nghiêm Luật Giao thông, mà cụ thể là việc bắt buộc đội MBH khi tham gia giao thông. Đơn cử như trường hợp của lớp 5/3, Trường tiểu học Phùng Ngọc Liêm (TP. Bạc Liêu). Giáo viên chủ nhiệm lớp quy định các học sinh đến lớp phải đội MBH. “Quy chế” để kiểm tra là việc các học sinh phải mang theo MBH, xếp gọn gàng trong lớp đúng nơi quy định. Quy chế này hạn chế được việc phụ huynh khi đưa con đi học thì có MBH nhưng đến khi rước thì lại “quên” mang MBH cho con em mình. Việc làm này đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của các bậc phụ huynh. Vì nếu học sinh nào không thực hiện sẽ bị “trừ điểm thi đua”.

Từ một quy định tưởng như “đơn giản” ấy của một lớp học nhưng nếu “quy định” này được nhân rộng ra toàn trường, toàn ngành Giáo dục… thì chắc rằng tất cả học sinh, phụ huynh sẽ ý thức được việc đội MBH sẽ mang lại nhiều lợi ích thiết thực. Ngoài các lợi ích về sức khỏe, đảm bảo an toàn… thì các em học sinh sẽ “chăm đội MBH” nếu có các phong trào thi đua như: được cộng điểm thi đua nếu đội MBH đủ trong những ngày đến lớp trong tuần, trong tháng, trong năm học…

Đội MBH đã trở thành quy định bắt buộc khi tham gia giao thông đường bộ. Vì thế, việc trang bị MBH đúng tiêu chuẩn cho con em mình khi tham gia giao thông không chỉ thể hiện sự chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật mà còn thể hiện văn hóa giao thông. Đây cũng là hành động quan tâm chu đáo nhất, thiết thực nhất cho con em mình từ những việc làm… đúng luật.

Nguồn: Báo Bạc Liêu

Ý kiến bạn đọc