Theo các nhà nghiên cứu, văn hóa giao thông là một tập hợp những giá trị vật chất và tinh thần do con người sáng tạo ra theo lý tưởng chân - thiện - mỹ trong lĩnh vực giao thông. Nói đến văn hóa giao thông là nói đến cái phải, cái đẹp, cái thiện của con người trong các vấn đề có liên quan đến giao thông.
Nữ cảnh sát giao thông hướng dẫn học sinh qua đường
Văn hóa giao thông gồm hai mặt: Văn hóa vật chất và văn hóa tinh thần. Văn hóa vật chất là kết cấu hạ tầng giao thông, phương tiện giao thông và hệ thống trang thiết bị điều hành giao thông. Văn hóa tinh thần là hệ thống pháp luật về giao thông, việc thực thi pháp luật về giao thông, hành vi ứng xử của người tham gia và người thực thi công vụ điều hành giao thông.
Trên thực tế hiện nay, ở nước ta tình trạng rối loạn, ùn tắc giao thông tại các đô thị lớn, tai nạn giao thông gia tăng gây thiệt hại lớn cho xã hội, làm ảnh hưởng nặng nề tới sự nghiệp đổi mới, phát triển đất nước. Việc xây dựng văn hóa giao thông sẽ có tác dụng góp phần hạn chế ùn tắc, tai nạn giao thông. Việc xây dựng văn hóa giao thông sẽ tạo nên cơ sở vững chắc cho một nền giao thông hiện đại, văn minh, một môi trường giao thông an toàn, nhân ái, thân thiện cho con người, vì con người.
Để xây dựng văn hóa giao thông, ngoài trách nhiệm của các cơ quan quản lý, trách nhiệm của người thực thi công vụ về giao thông thì việc chấp hành pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông và hành vi ứng xử có văn hóa khi tham gia giao thông là một trong các nội dung quan trọng nhất, có tính quyết định trong việc giảm thiểu ùn tắc giao thông và tai nạn giao thông.
Xây dựng văn hóa giao thông ở nước ta đã và đang trở thành định hướng và mục tiêu quan trọng của Đảng và Nhà nước, được dư luận xã hội đặc biệt quan tâm. Chung tay xây dựng văn hóa giao thông chính là phải chấp hành đúng, gương mẫu và tự giác Luật Giao thông đường bộ, Luật Giao thông đường thủy.
Theo đó, các hành vi ứng xử trước hết phải đặt ý thức tự giác lên hàng đầu. Để làm được điều này, cần phải loại bỏ các hành động như vượt đèn đỏ, dừng đỗ không đúng quy định, chen lấn làn, bóp còi inh ỏi, bật pha trong phố, đi ngược chiều, sử dựng rượu, bia khi điều khiển phương tiện giao thông… Những hành vi trên không chỉ gây phiền toái mà còn tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ gây tai nạn cho chính người vi phạm và những người xung quanh.
Bên cạnh việc tuân thủ nghiêm túc luật giao thông, người tham gia giao thông có văn hóa còn cần có tính cộng đồng, xử sự mối quan hệ giữa con người với con người khi tham gia giao thông có văn hóa. Điều này thể hiện qua việc không chen lấn, sẵn sàng cứu giúp người khác bị rủi ro khi tham gia giao thông, cấp cứu người bị nạn, chủ động đưa người già, yếu, trẻ nhỏ qua đường, phê bình, ngăn chặn hành vi sai phạm của người khác.
Tuy nhiên, nhìn vào thực trạng hiện nay chúng ta có thể thấy vẫn còn nhiều người điều khiển xe mô tô phóng nhanh, vượt ẩu, chở quá số người quy định, đi vào đường cấm, đường ngược chiều; đi xe không có đăng ký, biển số. Đi mô tô, xe máy không đội mũ bảo hiểm, dùng ô khi điều khiển xe… Khi tan trường, sinh viên vẫn “tụm năm, tụm ba”, dừng đỗ xe dưới lòng đường; đi xe đạp dàn hàng ba, hàng bốn.
Đi xe chở ba, bốn người, lạng lách, đánh võng trên đường, vừa điều khiển phương tiện giao thông vừa nghe điện thoại, tham gia giao thông trong tình trạng có nồng độ cồn… Thậm chí khi có sự va quệt thì thoái thác trách nhiệm, chưa cần biết người va quệt có bị sao không đã văng những câu chửi thề…
Để thực hiện văn hóa giao thông, trước hết hãy bắt đầu từ việc nhỏ như thực hiện những thói quen đội mũ bảo hiểm khi ngồi trên xe mô tô, xe gắn máy, dừng, đỗ đúng phần đường quy định, nghiêm chỉnh chấp hành tín hiệu giao thông; chung tay “Xây dựng xã hội giao thông văn minh, đầy tình người và không tai nạn”.
Nguồn: Báo Ninh Bình