HỘI NGHỊ TRỰC TUYẾN TỔNG KẾT CÔNG TÁC BẢO ĐẢM TRẬT TỰ AN TOÀN GIAO THÔNG NĂM 2018 VÀ TRIỂN KHAI NHIỆM VỤ NĂM 2019

Thứ ba, 08/01/2019 Đã xem: 412 | Nhận xét: 0
  • Đánh giá cho bài viết:
  • 0 điểm ( 0 đánh giá )

 

         Ngày 04/01/2018, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia tổ chức hội nghị trực tuyến tổng kết công tác đảm bảo trật tự, an toàn giao thông năm 2018 và triển khai nhiệm vụ năm 2019. Đồng chí Trương Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia chủ trì hội nghị. Tại điểm cầu Ninh Bình, dự hội nghị có đồng chí Nguyễn Ngọc Thạch, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng ban Thường trực  Ban An toàn giao thông tỉnh; đồng chí Nguyễn Thanh Sơn, Phó Giám đốc Công an tỉnh, Phó Trưởng ban An toàn giao thông tỉnh cùng các đồng chí Ủy viên Ban An toàn giao thông tỉnh, các cơ quan truyền thông.

(Đồng chí Nguyễn Ngọc Thạch, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng ban Thường trực  Ban An toàn giao thông tỉnh dự và chỉ đạo hội nghị)

         Hội nghị đã nghe đồng chí Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia trình bày báo cáo công tác đảm bảo TTATGT năm 2018. Theo đó, trong năm 2018 với sự quan tâm chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, các ngành, các cấp, đặc biệt là sự vào cuộc quyết liệt của Bộ Công an, Bộ Giao thông vận tải,... tình hình TTATGT trên địa bàn cả nước tiếp tục có chuyển biến tích cực, giao thông trong các đô thị lớn và trên các quốc lộ trọng điểm tiếp tục được duy trì ổn định; TNGT được kiềm chế, giảm cả số vụ, số người chết và số người bị thương. Điều đó thể hiện quyết tâm và nỗ lực rất lớn của cả hệ thống chính trị trong việc thực hiện quyết liệt các giải pháp trong kế hoạch năm ATGT 2018 với chủ đề “An toàn giao thông cho trẻ em” với mục tiêu “Tính mạng con người là trên hết”.
 Cụ thể, trong năm 2018, tính từ ngày 16/11/2017 đến 15/11/2018, toàn quốc xảy ra 18.736 vụ tai nạn giao thông, làm chết 8.248 người, bị thương 14.802 người. So với cùng kỳ năm 2017, số vụ TNGT giảm 1.348 vụ (-6.71%), số người chết giảm 33 người (-0.40%), số người bị thương giảm 2.238 người (-13.13%). Số nạn nhân trẻ em dưới 18 tuổi bị thương vong do TNGT là 1.442 người (chiếm 6,6%), giảm 194 người (-11,85%) so với năm 2017 (1.636 người). Có 44 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có số người chết vì TNGT giảm và 18 địa phương có số người chết vì TNGT tăng so với cùng kỳ 2017. Trong 44 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có số người chết vì TNGT giảm so với cùng kỳ năm 2017, có 17 địa phương giảm trên 10% số người chết là: Tuyên Quang, Bạc Liêu, Hà Giang, Phú Yên, Đà Nẵng, Tiền Giang, Thái Nguyên, Nam Định, Lạng Sơn, Cà Mau, Ninh Bình, Lào Cai, Long An, Hà Tĩnh, Bình Định, Điện Biên, Thái Bình. Đặc biệt, Tuyên Quang, Bạc Liêu, Hà Giang, Phú Yên giảm trên 20% số người chết do TNGT. Tuy nhiên, vẫn còn 18 địa phương có số người chết vì TNGT tăng so với cùng kỳ 2017, trong đó 06 tỉnh tăng trên 10% là: Thừa, Thiên - Huế, Hải Dương, Cao Bằng, Kiên Giang, Hậu Giang, Bắc Giang trong đó, có 03 tỉnh có số người chết tăng trên 20% là: Kiên Giang, Hậu Giang và Bắc Giang.
Tại tỉnh Ninh Bình, dưới sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, công tác bảo đảm trật tự ATGT tiếp tục đạt được những kết quả tốt. Năm 2018 tình hình tai nạn giao thông trên địa bàn tỉnh tiếp tục được kéo giảm trên 3 tiêu chí số vụ, số người chết và số người bị thương, đây là năm thứ 16 liên tiếp trên địa bàn tỉnh tai nạn giao thông  năm sau giảm hơn năm trước. Trong năm 2018, toàn tỉnh xảy ra 172 vụ TNGT đường bộ và đường sắt, làm chết 45 người, bị thương 131 người; so với năm 2017 giảm 20 vụ (giảm 10,4%), giảm 06 người chết (giảm 11,7%), và giảm 17 người bị thương (giảm 11,4%).
          Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Trương Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia yêu cầu Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, các Bộ, ngành, đoàn thể và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quán triệt và tổ chức triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ bảo đảm TTATGT năm 2019 với chủ đề “An toàn giao thông cho hành khách và người đi mô tô, xe máy” trong đó tập trung vào 8 nhiệm vụ trọng tâm:
          Một là, hoàn thiện hệ thống pháp luật và chính sách về bảo đảm trật tự an toàn giao thông, chống ùn tắc giao thông; lồng ghép mục tiêu an toàn giao thông, tránh ùn tắc giao thông trong các đề án chiến lược, quy hoạch cấp quốc gia, cấp tỉnh, thành phố, các dự án đầu tư tạo ra nhu cầu giao thông, vận tải lớn 
          Hai là, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao thông, trật tự đô thị; kiên trì xây dựng văn hoá giao thông an toàn và thân thiện môi trường cho mọi tầng lớp nhân dân. 
          Ba là, nâng cao chất lượng, hiệu quả quản lý nhà nước về giao thông vận tải, xây dựng, đất đai và du lịch có liên quan đến nhiệm vụ bảo đảm an toàn và chống ùn tắc giao thông; nâng cao năng lực, hiệu lực của lực lượng tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm về trật tự an toàn giao thông.
          Bốn là, đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng công tác đầu tư xây dựng, nâng cấp hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông gắn với duy tu, bảo đảm an toàn giao thông và khai thác có hiệu quả các công trình hạ tầng hiện hữu; nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ hành lang an toàn giao thông đường bộ, đường sắt, đường thuỷ nội địa.
          Năm là, đẩy mạnh tái cơ cấu hệ thống dịch vụ vận tải, nâng cao năng lực, chất lượng và giảm giá thu hút hành khách, hàng hoá sử dụng vận tải đường sắt, đường thuỷ nội địa, hàng hải, hàng không; đẩy nhanh tiến độ đầu tư, phát triển hệ thống vận tải công cộng trong đô thị, vùng tỉnh và liên tỉnh.
          Sáu là, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, các thành tựu của cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đối với công tác quản lý, điều hành, tổ chức giao thông, hướng dẫn người tham gia giao thông cũng như hỗ trợ công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm pháp luật về trật tự an toàn giao thông.
          Bảy là, thực hiện đồng bộ các giải pháp hạn chế mức sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân, kiểm soát chặt điều kiện về an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của các phương tiện cơ giới, đặc biệt là trong các khu vực trung tâm đô thị.
          Tám là, quản lý chặt chẽ hoạt động xây dựng bảo đảm việc đầu tư, xây dựng mới hoặc điều chỉnh, sắp xếp các khu công nghiệp, đô thị, các trung tâm thương mại, trường học, bệnh viện... trong các đô thị phù hợp với năng lực kết cấu hạ tầng giao thông và vận tải công cộng./.
                                                                                                                                                                             Đại Nghĩa

 

Ý kiến bạn đọc