Hội nghị sơ kết công tác bảo đảm an toàn giao thông đường sắt

Thứ tư, 18/12/2019 Đã xem: 429 | Nhận xét: 0
  • Đánh giá cho bài viết:
  • 0 điểm ( 0 đánh giá )

        Ngày 18/12/2019, tại Trường Cao đẳng nghề đường sắt (Hà Nội), Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia phối hợp với Cục Đường sắt Việt Nam và Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam đã tổ chức Hội nghị sơ kết công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường sắt theo Nghị định 65/2018/NĐ-CP và Quy chế phối hợp giữa Bộ Giao thông vận tải với UBND các tỉnh, thành phố khu vực miền Bắc; tổng kết công tác bảo đảm trật tự ATGT đường sắt năm 2019.

        Tới dự và chỉ đạo Hội nghị có các đồng chí: Nguyễn Ngọc Đông, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải; Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia; Vũ Quang Khôi, Cục trưởng Cục Đường sắt; Đặng Sỹ Mạnh, Phó Tổng Giám đốc phụ trách Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam; lãnh đạo một số Vụ, Cục của Bộ Giao thông vận tải, Bộ Công an, Tổng cục Đường bộ Việt Nam cùng đại diện Ban An toàn giao thông, Sở Giao thông vận tải của 17 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương khu vực phía bắc.

        Tại Hội nghị, Ông Phạm Nguyễn Chiến - Trưởng Ban An ninh An toàn giao thông, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã trình bày báo cáo kết quả thực hiện công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường sắt  theo Nghị định 65/2018/NĐ-CP ngày 12/5/2018 của Chính phủ, Quy chế phối hợp giữa Bộ Giao thông vận tải với UBND các tỉnh/thành phố khu vực phía Bắc năm 2019, trong đó nêu bật các kết quả sau khi triển khai thực hiện Nghị định 65/2018/NĐ-CP nói chung và kết quả của 17 tỉnh có đường sắt đi qua tại khu vực phía Bắc nói riêng, cho thấy UBND các tỉnh đã có những phối hợp cụ thể như: ban hành văn bản chỉ đạo công tác đảm bảo an toàn giao thông đường sắt; tổ chức tuyên truyền an toàn giao thông đến giáo viên, học sinh, người dân sinh sống dọc đường sắt; chỉ đạo đơn vị quản lý đường bộ bổ sung biển báo hiệu, vạch dừng, tại các đường ngang trên địa bàn; bổ sung đại diện lãnh đạo các Chi nhánh Khai thác đường sắt vào Tiểu ban an toàn giao thông của tỉnh.... Tuy vậy, kết quả trên chưa bền vững, còn diễn biến phức tạp. Cụ thể, hiện trên toàn mạng lưới đường sắt quốc gia còn 4.038 lối đi tự mở chiếm 72,67% tổng số giao cắt cùng mức; giảm 53 vị trí so với thời điểm 31/12/2018. Trong đó, tại 17 tỉnh khu vực miền Bắc có 2751 lối đi tự mở, chiếm 80,02% tổng số giao cắt cùng mức. Việc xây dựng gồ giảm tốc tại các vị trí giao cắt đường sắt với đường bộ mới đạt 40,6%, trong đó miền Bắc đạt 49,5%. Công tác rào thu hẹp lối đi tự mở đã thực hiện được tại 1.486/2.017 vị trí (đạt 73,67%) và bàn giao địa phương tiếp nhận hồ sơ quản lý. Đối với 17 tỉnh khu vực miền Bắc, đã thực hiện được 783/1.248 lối đi, đạt 62,74%.Những nỗ lực trong công tác đảm bảo an toàn giao thông đường sắt thời gian qua góp phần kéo giảm số vụ tai nạn đường sắt. Trong đó, 11 tháng năm 2019 xảy ra 234 vụ, giảm 16 vụ so với cùng kỳ năm 2018; Số người chết 105 người, giảm 12 người. Bên cạnh đó, công tác phối hợp vẫn còn một số tồn tại các bên chưa thực hiện như: một số địa phương vào cuộc chưa mạnh mẽ nhất là trong chỉ đạo cấp xã, phương thực hiện Nghị định 65/2018/NĐ-CP, việc xây gồ giảm tốc, cắm biển báo hạn chế phương tiện còn chưa đạt 100%; một số địa phương còn để xảy ra hiện tượng người dân khu vực ngăn cản, phá dỡ công trình hàng rào thu hẹp lối đi tự mở nguy hiểm, việc làm êm thuận lối đi tự mở; chưa xử lý, giải quyết dứt điểm các vi phạm hành lang an toàn giao thông đường sắt trên địa bàn…

 

(Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị)

 

        Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cho rằng, năm 2019 các địa phương đã vào cuộc tích cực, phối hợp chặt chẽ, cụ thể hơn với Bộ Giao thông vận tải, ngành Đường sắt trong công tác đảm bảo an toàn giao thông đường sắt. Trong năm 2019 xóa bỏ được 53 lối đi tự mở, không để phát sinh lối đi tự mở mới. Các biện pháp triển khai đồng bộ hơn, từ nâng cấp đường ngang, làm gờ, gồ giảm tốc phía đường bộ trước khi vào giao cắt đường bộ - đường sắt, kết nối tín hiệu giao thông đường bộ - đường sắt… Trong đó có địa phương đã chủ động kinh phí để giải tỏa hành lang, làm đường gom, cầu vượt. Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông, kết quả trên chưa bền vững, vẫn còn diễn biến phức tạp. Vì vậy, Thứ trưởng đề nghị các cơ quan chức năng, ngành Đường sắt và địa phương cần phối hợp chặt chẽ hơn, nhất là ở cấp cơ sở như doanh nghiệp, đơn vị quản lý kết cấu hạ tầng đường sắt, cấp xã, huyện… “Năm 2020, các địa phương phải khẩn trương hoàn thành kế hoạch xóa lối đi tự mở và chương trình hành động đảm bảo an toàn giao thông đường sắt. Bám sát kế hoạch, chương trình của Ủy ban ATGT quốc gia, nhất là đề án xử lý lối đi tự mở để có lộ trình, danh mục ưu tiên thực hiện. Cùng với nguồn vốn của trung ương, địa phương cũng phải có kế hoạch vốn và chủ động nguồn lực để thực hiện để xóa bỏ hoàn toàn lối đi tự mở trước năm 2025, theo mục tiêu Nghị định 65”, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông yêu cầu.

        Đặc biệt, tại Hội nghị lần này đã tổ chức lễ ký kết bàn giao Hồ sơ các lối đi tự mở, điểm đen, điểm tiền ẩn nguy hiểm giữa Tổng công ty Đường sắt Việt Nam và 17 tỉnh khu vực phía Bắc. Thời gian tới, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam sẽ khẩn trương hoàn thành việc bàn giao toàn bộ Hồ sơ này với các tỉnh còn lại, để làm cơ sở tăng cường cho công tác quản lý tại địa phương và sự phối kết hợp giữa các bên trong đảm bảo an toàn giao thông đường sắt.

                                                                                                                                      Đại Nghĩa

Ý kiến bạn đọc