Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông năm 2019 và triển khai nhiệm vụ năm 2020

Thứ năm, 02/01/2020 Đã xem: 468 | Nhận xét: 0
  • Đánh giá cho bài viết:
  • 0 điểm ( 0 đánh giá )

        Ngày 28/12/2019, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia tổ chức hội nghị trực tuyến tổng kết công tác đảm bảo trật tự, an toàn giao thông năm 2019 và triển khai nhiệm vụ năm 2020. Đồng chí Trương Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia chủ trì hội nghị. Tại điểm cầu Ninh Bình, dự hội nghị có đồng chí Nguyễn Ngọc Thạch, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng ban Thường trực Ban An toàn giao thông tỉnh; đồng chí Lê Trọng Thành, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Giao thông vận tải, Phó Trưởng ban An toàn giao thông tỉnh; đồng chí Đại tá Vũ Anh Thiều, Phó Giám đốc Công an tỉnh, Phó Trưởng ban An toàn giao thông tỉnh cùng các đồng chí Ủy viên Ban An toàn giao thông tỉnh, các cơ quan truyền thông.

 

 

(Đồng chí Nguyễn Ngọc Thạch, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng ban Thường trực  Ban An toàn giao thông tỉnh dự và chỉ đạo hội nghị)

 

        Hội nghị đã nghe đồng chí Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia trình bày báo cáo công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông năm 2019. Theo đó, công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông năm 2019 tiếp tục được Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia quan tâm, chỉ đạo quyết liệt, đặc biệt là đồng chí Thủ tướng Chính phủ đã trực tiếp chủ trì Hội nghị trực tuyến sơ kết thực hiện nhiệm vụ bảo đảm trật tự an toàn giao thông 6 tháng đầu năm, nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2019; điều này thể hiện sự quan tâm rất lớn của Thủ tướng đối với công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông; đồng thời, các bộ, ngành, đoàn thể chính trị xã hội và địa phương tích cực vào cuộc, triển khai thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Mặc dù những tháng đầu năm 2019 là thời gian tập trung nhiều đợt cao điểm về trật tự an toàn giao thông, đặc biệt, dịp cao điểm Tết Nguyên đán 2019, nghỉ lễ 30/4, 1/5, quốc khánh 2/9, ngoài ra còn có nhiều sự kiện chính trị quan trọng, đặc biệt là Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên lần thứ 2, chuyến thăm hữu nghị chính thức của Chủ tịch Đảng Lao động Triều Tiên đến Việt Nam và và sự kiện 02 đội tuyển bóng đá nam và nữ của Việt Nam đoạt huy chương vàng Seagames 30… song tình hình trật tự an toàn giao thông tiếp tục có những chuyển biến rất tích cực, tai nạn giao thông tiếp tục giảm cả 3 tiêu chí, số người chết do tai nạn giao thông giảm sâu nhất trong nhiều năm, lần đầu tiên kể từ năm 2014 số người chết do TNGT giảm trên 5%; dịch vụ vận tải cơ bản đã đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân trong các dịp cao điểm. Đặc biệt, để triển khai, thực hiện chủ đề Năm An toàn giao thông 2019 “An toàn giao thông cho hành khách và người đi mô tô, xe máy”, Bộ Giao thông vận tải và các Sở Giao thông vận tải đã triển khai thực hiện siết chặt quản lý an toàn giao thông trong hoạt động kinh doanh vận tải, nâng cao an toàn kết cấu hạ tầng, xử lý điểm đen tai nạn giao thông; Lực lượng Công an các đơn vị, địa phương liên tục tuần tra, kiểm soát xử lý vi phạm về ma tuý, nồng độ cồn đối với lái xe kinh doanh vận tải, vi phạm về mũ bảo hiểm đối với người đi mô tô, xe máy… góp phần quan trọng kéo giảm tai nạn giao thông của xe ô tô khách và mô tô, xe máy, thực hiện có hiệu quả chủ đề năm An toàn giao thông 2019. Các Bộ, ngành, địa phương đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện quy định pháp luật, xây dựng văn hoá giao thông an toàn. Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo và Công ty Honda Việt Nam tổ chức Trao tặng mũ bảo hiểm cho học sinh lớp 1 với gần 2 triệu mũ bảo hiểm; tổ chức cuộc đi bộ kêu gọi vận động “Toàn dân 'đội mũ bảo hiểm cho trẻ em”; tổ chức cuộc đi bộ kêu gọi hành động “Đã uống rượu bia, không lái xe” với sự tham gia của hơn 10.000 người và tham gia truyền thông mạnh mẽ của các cơ quan báo chí cả nước đã tạo sức lan toả rất lớn, được dư luận xã hội đồng tình, ủng hộ, tạo sự đồng thuận cao để Quốc hội thông qua Luật Phòng chống tác hại của rượu bia tại kỳ họp thứ 7, khoá XIV.

        Tình hình tai nạn giao thông trong năm 2019, tính từ ngày 15/12/2018 đến 14/12/2019 toàn quốc xảy ra 17.626 vụ tai nạn giao thông, làm chết 7.624 người, bị thương 13.624 người. So với năm 2018, số vụ TNGT giảm 939 vụ (giảm 5,06%), số người chết giảm 587 người (giảm 7,15%), số người bị thương giảm 934 người (giảm 6,42%). Đáng chú ý, năm 2019 xảy ra một số vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng nguyên nhân do lái xe sử dụng ma túy, rượu bia như: Vụ TNGT tại Long An, lái xe conatiner sử dụng ma túy gây tai nạn, làm chết 04 người; vụ TNGT tại hầm Kim Liên, Hà Nội, lái xe say rượu gây tai nạn làm chết 02 người... và một số vụ TNGT do phụ nữ lái xe ô tô gây ra như: Vụ TNGT tại gầm cầu vượt Lê Văn Lương, Hà Nội, lái xe đạp nhầm chân ga gây tai nạn liên hoàn làm chết 01 người; vụ TNGT tại phố Khương Trung, Hà Nội, lái xe đạp nhầm chân ga khi lùi xe làm 01 người chết; vụ lái xe container dương tính với ma tuý đâm vào 21 xe máy đang dừng chờ đèn đỏ ở Long An ngày 02/01/2019 làm chết 4 người, bị thương 19 người, vụ lái xe tải có ma tuý đâm vào đoàn người đi viếng nghĩa trang ở Hải Dương làm chết 8 người, bị thương 7 người ngày 21/1/2019 rồi vụ lái xe say rượu gây tai nạn giao thông trong Hầm Kim Liên cướp đi sinh mạng của 2 người phụ nữ ngày 01/5/2019; vụ tai nạn giao thông tại Thái Nguyên ngày 25/8  khiến 4 người chết, 1 người bị thương, nguyên nhân do xe mô tô chở 5 người đã tự đâm va vào dải phân cách giữa đường, cả 5 nạn nhân đều đang học trường cao đẳng thương mại Thái Nguyên, thời điểm trước khi xảy ra tai nạn, nhóm sinh viên này đi dự sinh nhật bạn và có uống rượu bia...

        Có 55 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có số người chết vì tai nạn giao thông giảm so với năm 2018, trong đó 22 địa phương giảm trên 10% số người chết là: Lai Châu, Kiên Giang, Bến Tre, Lào Cai, Cà Mau, An Giang, Hà Giang, Trà Vinh, Bắc Giang, Bạc Liêu, Yên Bái, Tây Ninh, Ninh Thuận, Cao Bằng, Sơn La, Đăk Nông, Bình Định, Sóc Trăng, Quảng Bình, Tuyên Quang, Hà Tĩnh, tp Hồ Chí Minh. Đặc biệt, Lai Châu, Kiên Giang, Bến Tre, Lào Cai giảm trên 30% số người chết do tai nạn giao thông. Tuy nhiên, vẫn còn 05 địa phương có số người chết do tai nạn giao thông tăng so với cùng kỳ 2018 là: Thừa - Thiên Huế, Tiền Giang, Hải Dương, Lạng Sơn, Khánh Hòa

        Tại tỉnh Ninh Bình, dưới sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông tiếp tục đạt được những kết quả tốt. Năm 2019 tình hình tai nạn giao thông trên địa bàn tỉnh tiếp tục được kéo giảm trên 3 tiêu chí số vụ, số người chết và số người bị thương, đây là năm thứ 17 liên tiếp trên địa bàn tỉnh tai nạn giao thông  năm sau giảm hơn năm trước. Trong năm 2019  toàn tỉnh xảy ra 160 vụ tai nạn giao thông, làm chết 40 người, bị thương 122 người. So với cùng kỳ năm 2018, giảm 10 vụ (giảm 17,5%), giảm 04 người chết (giảm 8,88%), giảm 08 người bị thương (giảm 5,97%).Trên địa bàn tỉnh không xảy ra tình trạng ùn tắc kéo dài trên các tuyến giao thông, đặc biệt là trong những ngày nghỉ Tết Nguyên đán Kỷ Hợi và dịp Lễ hội Xuân 2019. 

           Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Trương Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia nhấn mạnh để tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 18 của Ban Bí thư Trung ương Đảng; Nghị quyết số 12 của Chính phủ về tăng cường bảo đảm trật tự an toàn giao thông và chống ùn tắc giao thông giai đoạn 2019-2021, nhằm bảo đảm trật tự an toàn giao thông phục vụ các sự kiện chính trị quan trọng của đất nước, trọng tâm là Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; các bộ, ngành, các tổ chức chính trị - xã hội và Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện quyết liệt một số nhiệm vụ trọng tâm bảo đảm trật tự, an toàn giao thông như sau:

           Thứ nhất, về mục tiêu chung: thực hiện Năm An toàn giao thông 2020 với chủ đề “Đã uống rượu, bia không lái xe” mới mục tiêu giảm tai nạn giao thông từ 5-10% số vụ, số người chết, bị thương so với năm 2019, giảm tai nạn giao thông do nguyên nhân uống rượu bia; tiếp tục kéo giảm tình trạng ùn tắc giao thông.

           Thứ hai, về các nhiệm vụ trọng tâm

        Một là, hoàn thiện hệ thống pháp luật và chính sách về bảo đảm trật tự an toàn giao thông chống ùn tắc giao thông; lồng ghép mục tiêu an toàn giao thông, tránh ùn tắc giao thông trong các đề án chiến lược, quy hoạch cấp quốc gia, cấp tỉnh, thành phố, các dự án đầu tư tạo ra nhu cầu giao thông, vận tải lớn.

        Hai là, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao, trật tự đô thị; kiên trì xây dựng văn hóa giao thông an toàn và thân thiện môi trường cho mọi tầng lớp nhân dân.

        Ba là, nâng cao chất lượng, hiệu quả quản lý nhà nước về giao thông vận tải, xây dựng, đất đai và du lịch có liên quan đến nhiệm vụ bảo đảm an toàn và chống ùn tắc giao thông; nâng cao năng lực, hiệu lực của lực lượng tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm về trật tự an toàn giao thông.

        Bốn là, đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng công tác đầu tư xây dựng, nâng cấp hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông gắn với duy tu, bảo đảm an toàn giao thông và khai thác có hiệu quả các công trình hạ tầng hiện hữu; nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ hành lang an toàn giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa.

        Năm là, đẩy mạnh tái cơ cấu hệ thống dịch vụ vận tải, nâng cao năng lực, chất lượng và giảm giá để thu hút hành khách, hàng hóa sử dụng vận tải đường sắt, đường thủy nội địa, hàng hải, hàng không; đẩy nhanh tiến độ đầu tư, phát triển hệ thống vận tải công cộng trong đô thị, vùng tỉnh và liên tỉnh.

        Sáu là, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, các thành tựu của cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đối với công tác quản lý, điều hành, tổ chức giao thông, hướng dẫn người tham gia giao thông cũng như hỗ trợ công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm pháp luật về trật tự an toàn giao thông.

        Bảy là, thực hiện đồng bộ các giải pháp hạn chế sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân, kiểm soát chặt điều kiện về an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của các phương tiện cơ giới, đặc biệt là trong các khu vực trung tâm đô thị.

        Tám là, quản lý chặt chẽ hoạt động xây dựng bảo đảm việc đầu tư, xây dựng mới hoặc điều chỉnh, sắp xếp các khu công nghiệp, đô thị, các trung tâm thương mại, trường học, bệnh viện... trong các đô thị phù hợp với năng lực kết cấu hạ tầng giao thông và vận tải công cộng.

        Thứ ba, về nhiệm vụ của các Bộ, ngành, địa phương

        Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia: Xây dựng và phối hợp với các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện kế hoạch Năm An toàn giao thông 2020 với chủ đề “Đã uống rượu, bia không lái xe”; Phối hợp với các Bộ, ngành tổng hợp những bất cập về mặt quy định pháp luật, chính sách trong bảo đảm trật tự an toàn giao thông để kiến nghị đưa vào chương trình sửa đổi, bổ sung văn bản quy phạm pháp luật trong thời gian sớm nhất. Tiếp tục đôn đốc các Bộ, ngành, địa phương thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong công tác bảo đảm đảm trật tự an toàn giao thông; Đôn đốc, kiểm tra công tác bảo đảm đảm trật tự an toàn giao thông tại các địa phương có tình hình đảm trật tự an toàn giao thông phức tạp, tai nạn giao thông tăng cao; Xây dựng và phối hợp với các bộ, ngành, địa phương thực hiện kế hoạch tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về đảm trật tự an toàn giao thông năm 2020 và triển khai các chương trình, kế hoạch truyền thông theo kế hoạch.

        Bộ Giao thông vận tải: Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, đề án chính sách về bảo đảm đảm trật tự an toàn giao thông; Chỉ đạo các đơn vị chức năng triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp để được nêu tại 04 Đề án an toàn giao thông đã được phê duyệt. Triển khai các hoạt động tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật về bảo đảm đảm trật tự an toàn giao thông gắn với chủ đề “Đã uống rượu, bia không lái xe”. Tiếp tục triển khai huy động các nguồn vốn xã hội hóa vào đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông, đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án của ngành giao thông vận tải, đặc biệt là các công trình trọng điểm; Tiếp tục lập lại trật tự hành lang an toàn đường bộ, đường sắt, ưu tiên thực hiện xây dựng đường gom, hàng rào cách ly nhằm xóa bỏ các lối đi tự mở theo lộ trình; khẩn trương sửa chữa đường cất hạ cánh, đường lăn CHK TSN, Nội Bài và đưa đường cất hạ cánh số 2 CHK Cam Ranh vào khai thác. Triển khai công tác thanh tra, kiểm tra chuyên ngành giao thông vận tải theo kế hoạch và đột xuất về: kiểm soát tải trọng phương tiện; đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ; kinh doanh vận tải bằng xe ô tô; bến khách ngang sông, phương tiện, thuyền viên, người lái phương tiện chở khách trên đường thủy nội địa. Kiện toàn tổ chức và nâng cao chất lượng hoạt động hệ thống giám sát viên an toàn hoạt động bay và lực lượng kiểm soát an ninh hàng không; tổ chức kiểm tra xác minh các sự cố an toàn hoạt động bay và các biện pháp xử lý, ngăn ngừa.

        Bộ Công an: Tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các chủ trương của Đảng, Chính phủ về công tác bảo đảm đảm trật tự an toàn giao thông. Tập trung xây dựng và hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật về đảm trật tự an toàn giao thông. Đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm về đảm trật tự an toàn giao thông, tập trung phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm là nguyên nhân trực tiếp gây tai nạn giao thông, đặc biệt là hành vi vi phạm nồng độ cồn của người điều khiển phương tiện giao thông. Đầu tư mới và nâng cấp hệ thống giám sát, xử lý vi phạm trên một số tuyến cao tốc, quốc lộ trọng điểm. Bảo đảm đảm trật tự an toàn giao thông phục vụ các hội nghị, sự kiện chính trị lớn, quan trọng của đất nước, trọng tâm là Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Tăng cường khảo sát, kiến nghị ngành Giao thông vận tải và chính quyền địa phương khắc phục các bất cập trong tổ chức giao thông. Tiếp tục đổi mới, bổ sung các quy định liên quan đến công tác đăng ký xe theo hướng hiện đại, triển khai thực hiện Đề án thí điểm cấp biển số xe thông qua đấu giá tại một số tỉnh, thành phố khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác bảo đảm đảm trật tự an toàn giao thông. Mở các cao điểm bảo đảm đảm trật tự an toàn giao thông vào các thời gian phức tạp về an toàn giao thông.

        Bộ Giáo dục và Đào tạo, chỉ đạo Sở Giáo dục và Đào tạo, các cơ sở giáo dục tăng cường thực hiện biện pháp tuyên truyền, giáo dục kiến thức an toàn giao thông năm học 2019-2020; xây dựng chương trình giáo dục an toàn giao thông chính khoá cho các cấp học theo yêu cầu và lộ trình tại Nghị quyết 12 của Chính phủ; xây dựng kế hoạch triển khai năm an toàn giao thông 2020 trong hệ thống giáo dục và chỉ đạo các cơ sở giáo dục phát động “Tháng cao điểm an toàn giao thông cho học sinh tới trường- tháng 9/2020.

        Bộ Y tế, Tổ chức kiểm tra công tác khám và cấp giấy khám sức khoẻ cho người lái xe và người học lái xe trên toàn quốc; chỉ đạo các Sở Y tế và cơ sở khám chữa, bệnh phối hợp với ngành Giao thông vận tải tổ chức thực hiện nghiêm công tác khám sức khoẻ định kỳ đối với lái xe kinh doanh vận tải trên địa bàn tỉnh, xét nghiệm ma tuý đối với toàn bộ lái xe được khám sức khoẻ. Tiếp tục thực hiện kiểm tra chất ma tuý và nồng độ cồn đối với nạn nhân là người điều khiển phương tiện vào cấp cứu do tai nạn giao thông.

        Bộ Xây dựng tiếp tục tổ chức triển khai thực hiện Chỉ thị số 05 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường chấn chỉnh công tác quy hoạch xây dựng, quản lý phát triển đô thị theo quy hoạch được duyệt; thực hiện thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm về xây dựng và quản lý xây dựng dọc hành lang các tuyến quốc lộ trọng điểm: Quốc lộ 1A, Quốc lộ 5, Quốc lộ 51.

        Bộ Thông tin và Truyền thông, Xây dựng Đề án tuyên truyền vận động nhân dân phòng, chống tác hại của rượu, bia, thực hiện đã uống rượu, bia không lái xe giai đoạn 2019-2021 và tiếp tục triển khai Đề án tuyên truyền an toàn giao thông trên các phương tiện thông tin đại chúng giai đoạn 2016-2020. Chỉ đạo các cơ quan thông tấn, báo chí ở Trung ương và địa phương tăng cường thời lượng tuyên truyền, phổ biến Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia và chủ đề “Đã uống rượu, bia không lái xe”.

        Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, các bộ, ngành thành viên của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, các cơ quan thông tin đại chúng ở Trung ương và địa phương, đẩy mạnh công tác tuyên truyền pháp luật đảm trật tự an toàn giao thông để nâng cao ý thức tự giác của người tham gia giao thông. Tập trung tuyên truyền, vận động thực hiện chủ đề “Đã uống rượu, bia không lái xe”, hướng vào các đối tượng có nguy cơ gây tai nạn giao thông cao như lái xe khách, người điều khiển xe mô tô.

        UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương căn cứ điều kiện thực tế của địa phương, xây dựng kế hoạch bảo đảm trật tự, an toàn giao thông năm 2020 theo chủ đề năm với một số nhiệm vụ trọng tâm: Xây dựng kế hoạch chuyên đề tuyên truyền, vận động gắn với giám sát thực hiện nhiệm vụ bảo đảm đảm trật tự an toàn giao thông, bám sát chủ đề “Đã uống rượu, bia không lái xe”; kết hợp chặt chẽ tuyên truyền với xử lý nghiêm vi phạm về nồng độ cồn để thay đổi hành vi. Tiếp tục thực hiện các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, ngành trung ương về: bảo đảm an toàn giao thông trong kinh doanh vận tải; đào tạo sát hạch, cấp giấp phép lái xe; đăng kiểm phương tiện cơ giới đường bộ, phương tiện thuỷ nội địa. Chỉ đạo Công an tỉnh, thành phố tiếp tục tăng cường tuần tra, kiểm soát xử lý vi phạm về trật tự an toàn giao thông. Chỉ đạo Uỷ ban nhân dân cấp huyện, xã tăng cường biện pháp cảnh giới, bảo đảm an toàn giao thông điểm giao cắt đường bộ với đường sắt không có rào chắn; làm gờ giảm tốc và cắm biển cảnh báo nguy hiểm từ đường phụ ra đường chính; xử lý dứt điểm và không để phát sinh lối đi dân sinh trái phép qua đường sắt. Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và các đô thị trực thuộc Trung ương tăng cường thực hiện các giải pháp đột phá về chống ùn tắc giao thông; thực hiện quyết liệt việc lập lại trật tự, kỷ cương đối với giao thông đô thị, kịp thời phát hiện và kiên quyết xử lý theo đúng quy định đối với mọi trường hợp vi phạm trật tự đô thị, đảm trật tự an toàn giao thông, trông giữ xe trái phép, lập lại trật tự trong quản lý lòng đường, vỉa hè; xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch hành động đường thông - hè thoáng đến cấp phường, thị trấn./.

                                                                                                                                                                                      Đại Nghĩa

Ý kiến bạn đọc