Hội nghị trực tuyến sơ kết công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2020

Thứ tư, 01/07/2020 Đã xem: 425 | Nhận xét: 0
  • Đánh giá cho bài viết:
  • 0 điểm ( 0 đánh giá )

            Ngày 01/7/2020, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia tổ chức hội nghị trực tuyến sơ kết công tác đảm bảo trật tự, an toàn giao thông 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2020. Đồng chí Trương Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia chủ trì hội nghị. Tham dự Hội nghị có đồng chí Nguyễn Văn Thể, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, lãnh đạo các bộ, ngành và 63 tỉnh, thành phố tại các đầu cầu truyền hình trực tuyến. Tại điểm cầu Ninh Bình, dự hội nghị có đồng chí Nguyễn Ngọc Thạch, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng ban Thường trực Ban An toàn giao thông tỉnh; đồng chí Lê Trọng Thành, TUV, Giám đốc Sở Giao thông vận tải, Phó Trưởng ban An toàn giao thông tỉnh; đồng chí Vũ Anh Thiều, Phó Giám đốc Công an tỉnh, Phó Trưởng ban An toàn giao thông tỉnh cùng các đồng chí Ủy viên Ban An toàn giao thông tỉnh.

 

(Các đại biểu dự hội nghị tại Ninh Bình)

 

            Hội nghị đã nghe đồng chí Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia trình bày báo cáo công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông 6 tháng đầu năm 2020. Theo đó, 06 tháng đầu năm 2020, mặc dù trong tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, các lực lượng phải dàn trải tham gia chống dịch, nhưng với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, cùng sự vào cuộc tích cực của các Bộ, ngành địa phương triển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ của Năm An toàn giao thông 2020 với chủ đề “Đã uống rượu bia, không lái xe”, nhất là ngay từ ngày đầu tiên của năm, với nòng cốt là lực lượng công an, cả nước ra quân quyết liệt thực hiện Nghị định số 100 của Chính phủ quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, tạo nên sự chuyển biến tích cực về ý thức và hành vi của người tham gia giao thông từ thành thị, đến nông thôn, từ miền núi đến hải đảo, là động lực quan trọng kéo giảm tai nạn giao thông và thực sự đưa Luật phòng chống tác hại của rượu bia đi vào đời sống. Bên cạnh đó, Ngành Giao thông vận tải phối hợp với ngành Y tế và các ngành liên quan từ trung ương đến địa phương đã triển khai thực hiện các giải pháp cụ thể vừa phòng chống hiệu quả dịch Covid-19, đồng thời bảo đảm trật tự toàn giao thông trong hoạt động vận tải; tiếp tục tập trung xử lý các điểm đen, điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông, lối đi tự mở trái phép qua đường sắt theo kế hoạch. Do đó, tình hình trật tự toàn giao thông trên toàn quốc đã có nhiều chuyển biến tích cực, tai nạn giao thông trong 06 tháng đầu năm 2020 đã giảm sâu nhất trong nhiều năm qua cả về số vụ, số người chết và số người bị thương so với cùng kỳ (đặc biệt số người chết do tai nạn giao thông giảm 14,91%, mức giảm sâu nhất trong 10 năm trở lại đây). Năng lực và chất lượng dịch vụ vận tải đường bộ, đường sắt và hàng không cơ bản đã đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân trong dịp cao điểm Lễ, Tết.

            Tình hình tai nạn giao thông 6 tháng đầu năm 2020 (tính từ ngày 15/12/2019 đến 14/6/2020): toàn quốc xảy ra 6.790 vụ tai nạn giao thông, làm chết 3.242 người, bị thương 4.939 người. So với 6 tháng đầu năm 2019, số vụ TNGT giảm 1.595 vụ (giảm 19,02%), số người chết giảm 568 người (giảm 14,91%), số người bị thương giảm 1.419 người (giảm 22,32%). Trên toàn quốc có 47 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có số người chết do tai nạn giao thông giảm so với cùng kỳ năm 2019, trong đó 07 địa phương giảm trên 40% số người chết là: Cà Mau, Lâm Đồng, Hậu Giang, Điện Biên, Khánh Hòa, Cần Thơ, Hải Phòng. Tuy nhiên, vẫn còn 14 địa phương có số người chết do tai nạn giao thông tăng so với cùng kỳ 2019, trong đó 08 tỉnh tăng trên 15% là: Đăk Nông, Ninh Thuận, Hòa Bình, Bạc Liêu, Kon Tum, Bến Tre, Phú Yên, An Giang.

Mặc dù đạt được những kết quả nổi bật, nhưng tình hình trật tự an toàn giao thông vẫn còn một số tồn tại, hạn chế: Tai nạn giao thông tuy có giảm nhưng thiệt hại do tai nạn giao thông gây ra vẫn còn cao, tai nạn giao thông do xe đầu kéo và xe chở container gây ra, tai nạn giao thông liên quan đến phương tiện dân sinh, phương tiện đánh bắt thuỷ, hải sản trên các tuyến đường thuỷ nội địa và hàng hải tăng cao đột biến. Bên cạnh đó, tình trạng thanh thiếu niên tụ tập chạy xe mô tô tốc độ cao lạng lách, đánh võng và có dấu hiệu đua xe và chống người thi hành công vụ liên tiếp xảy ra. Tình trạng vi phạm pháp luật về trật tự toàn giao thông, vi phạm hành lang an toàn giao thông đường bộ, đường sắt và các đô thị còn diễn ra phổ biến ở nhiều nơi. Mặc dù đã có chuyển biến, nhưng  số vụ vi phạm quy định về nồng độ cồn vẫn ở mức cao với 86.114 trường hợp vi phạm bị phát hiện (chiếm 4,4% tổng số vi phạm), xử phạt, trong đó nhiều trường hợp bị xử phạt ở mức cao nhất; vẫn xảy ra một số vụ tai nạn giao thông do nguyên nhân uống rượu bia gây ra. Tình hình vi phạm tải trọng xe ô tô trên đường bộ tái diễn tại nhiều địa phương, nhất là nơi có mỏ vật liệu, khoáng sản, công trình xây dựng, nhà máy xi măng, cảng và tái diễn xe quá tải đường dài; tái diễn tình trạng cơi nới thành thùng xe để chở hàng quá tải… Vấn đề xử lý, khắc phục tình trạng lấn chiếm lòng, lề đường, vi phạm quy  định về bảo vệ hành lang an toàn giao thông dọc theo các tuyến Quốc lộ chưa có chuyển biến đáng kể. Ùn tắc giao thông có xu hướng tăng so với cùng kỳ.

            Tại Ninh Bình, 6 tháng đầu năm 2020 công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông được các cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm và có chuyển biến tích cực trên cả 3 lĩnh vực đường bộ, đường sắt và đường thủy. Công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao thông được thực hiện dưới nhiều hình thức đa dạng, phong phú, góp phần nâng cao nhận thức của người tham gia giao thông. Trong 6 tháng đầu năm 2020 toàn tỉnh xảy ra 67 vụ tai nạn giao thông, làm chết 14 người, bị thương 58 người. So với cùng kỳ năm 2019, giảm 6 vụ; giảm 01 người chết; số người bị thương không tăng, không giảm. Trên địa bàn tỉnh không xảy ra tình trạng ùn tắc kéo dài trên các tuyến giao thông, đặc biệt là trong những ngày nghỉ Tết Nguyên đán Canh Tý và dịp Lễ hội Xuân 2020.

            Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Trương Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia đã biểu dương, nghi nhận những nỗ lực cố gắng của các bộ, ngành và các địa phương trong công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông trong 6 tháng đầu năm 2019. Đồng chí nhấn mạnh từ nay đến cuối năm 2020 sẽ diễn ra nhiều sự kiện chính trị quan trọng, như kỷ niệm 75 năm thành lập nước, Đại hội Đảng bộ cấp Huyện, cấp tỉnh để tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 13. Với công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông, phát huy kết quả đã đạt được trong 6 tháng đầu năm, với tinh thần của Nghị định 100, phấn đấu mục tiêu kéo giảm 10% số vụ tai nạn giao thông, số người chết, bị thương do tai nạn giao thông so với năm 2019; góp phần tạo dựng điều kiện trật tự, an toàn phục vụ các nhiệm vụ chính trị, kinh tế, xã hội quan trọng của mỗi địa phương và cả nước, các Bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục thực hiện quyết liệt một số nhiệm vụ trọng tâm sau:

            Một là, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia: Tiếp tục đôn đốc các Bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện Năm an toàn giao thông 2020 với chủ đề “Đã uống rượu, bia không lái xe”. Chủ động tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương thực hiện các giải pháp bảo đảm trật tự an toàn giao thông trong các dịp cao điểm về trật tự an toàn giao thông và các vấn đề nóng, nổi cộm, phòng ngừa tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng, tai nạn xe mô tô, xe máy, trong điều kiện thực hiện mục tiêu kép là phòng, chống dịch COVID 19 và phát triển kinh tế. Đôn đốc, kiểm tra công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông tại các địa phương có tình hình trật tự an toàn giao thông phức tạp, tai nạn giao thông tăng cao; phối hợp với các bộ, ngành, địa phương chuẩn bị xây dựng kế hoạch Năm an toàn giao thông 2021; Xây dựng Hệ thống thông tin báo cáo công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông của Ủy ban an toàn giao thông Quốc gia và các bộ, ngành, địa phương (Theo Nghị định 09 của Chính phủ và Quyết định 293 của Thủ tướng Chính phủ); Tổng kết 5 năm thực hiện phong trào thi đua bảo đảm trật tự an toàn giao thông giai đoạn 2016-2020, phát động phong trào thi đua bảo đảm trật tự an toàn giao thông giai đoạn 2021-2025.

            Hai là, Bộ Giao thông vận tải: Tiếp tục hiện Kế hoạch xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, đề án chính sách về bảo đảm trật tự an toàn giao thông, trong đó tập trung xây dựng Dự thảo Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) để Chính phủ trình Quốc hội khoá 14 cho ý kiến vào ký họp thứ 10, thông qua trong kỳ họp thứ 11. Đẩy nhanh tiến độ, quản lý nghiêm chất lượng, bảo an toàn giao thông các công trình dự án trọng điểm của ngành Giao thông vận tải, đặc biệt đảm bảo tuyệt đối an ninh, an toàn đối với dự án nâng cấp đường cất hạ cánh và đường lăn Cảng hàng không Quốc tế Tân Sơn Nhất và Nội Bài thực hiện trong điều kiện hoạt động khai thác vẫn diễn ra bình thường; khẩn trương đưa tuyến đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông vào khai thác. Tiếp tục triển khai xử lý điểm đen, điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông trong lĩnh vực đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa. Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc Bộ, phối hợp với các địa phương và Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam thực hiện nghiêm Quyết định số 358 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án đảm bảo trật tự hành lang an toàn giao thông và xử lý dứt điểm lối đi tự mở qua đường sắt. Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch và đột xuất, phát hiện xử lý vi phạm đồng thời đấu tranh phòng chống tiêu cực, siết chặt quản lý, trong đó tập trung vào công tác quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông; kiểm soát tải trọng phương tiện giao thông; kinh doanh vận tải bằng xe ô tô; đào tạo, sát hạch cấp GPLX; Đăng kiểm phương tiện giao thông. Bộ Giao thông vận tải thực hiện thanh tra, kiểm tra về việc thực hiện quy định pháp luật đối với đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe hạng FC và hạng E tại các địa phương.

            Ba là, Bộ Công an: Xây dựng và hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật về trật tự an toàn giao thông, trong đó tập trung hoàn thiện Đề nghị xây dựng Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, theo đúng tinh thần Nghị quyết 70 của Chính phủ về phạm vi điều chỉnh và tiến độ thực hiện; khẩn trương ban hành Thông tư sửa đổi thông tư 58 về thống kê tai nạn giao thông phù hợp thông lệ quốc tế; Tăng cường công tác nắm tình hình, xây dựng và triển khai các phương án, kế hoạch tổ chức tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông, tập trung vào các hành vi vi phạm quy định về nồng độ cồn, ma túy; lái xe chạy quá tốc độ, vượt đèn đỏ, đi sai  phần đường, làn đường; cương quyết trấn áp, trừng trị những  đối tượng manh động, chống người thi hành công vụ; người đi mô tô, xe máy vi phạm quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm; Có kế hoạch chuyên đề kiểm soát xử lý vi phạm về trật tự an toàn giao thông và tải trọng đối với lái xe, chủ xe của xe ô tải, xe đầu kéo, xe container; Tập trung xây dựng cơ sở dữ liệu an toàn giao thông kết nối, chia sẻ với các đơn vị trong và ngoài ngành Công an phục vụ công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông; đẩy nhanh tiến độ lắp đặt hệ thống giám sát, xử lý vi phạm về trật tự an toàn giao thông trên các tuyến cao tốc và các quốc lộ, địa bàn trọng điểm. Phối hợp với ngành Giao thông vận tải rà soát, đánh giá xây dựng phương án tổ chức giao thông trên các tuyến giao thông phức tạp, giải quyết các “điểm đen”, điểm tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn giao thông.

            Bốn là: Bộ Tư pháp tiếp tục hoàn thiện Dự thảo Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật xử lý vi phạm hành  chính để trình Quốc hội khoá 14 thông qua tại kỳ họp thứ 10, đảm bảo các chế tài và hình thức xử phạt hành chính đủ sức răn đe, cảnh báo, ngăn ngừa vi phạm đồng thời đơn giản hoá các thủ tục hành chính trong quá tình thực hiện; Thực hiện thẩm định để tham mưu cho Chính phủ trình Dự án Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) đúng thời hạn; phối hợp với Bộ Công an và các Bộ ngành hoàn thiện Đề nghị Xây dưng Luật bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ theo đúng Nghị quyết 70 của Chính phủ.

            Năm là, Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục nghiên cứu đề xuất góp ý các quy  định nhằm nâng cao an toàn giao thông cho học sinh trong Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) và các văn bản quy phạm pháp luật về trật tự an toàn giao thông; ban hành văn bản chỉ đạo các cơ sở giáo dục tăng cường triển khai thực hiện công tác giáo dục an toàn giao thông cho HSSV trong dịp đầu năm học mới 2020-2021; Phối hợp với Ủy ban an toàn giao thông Quốc gia xây dựng kế hoạch phát động “Tháng cao điểm an toàn giao thông cho học sinh tới trường- tháng 9/2020 gắn Kế hoạch tặng mũ bảo hiểm “Giữ trọn ước mơ” cho học sinh lớp 1 năm học 2020-2021.

            Sáu là, Bộ Y tế tiếp tục chỉ đạo các đơn vị trực thuộc Bộ và Sở Y tế các địa phương hướng dẫn và phối hợp thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trong hoạt động bảo đảm trật tự an toàn giao thông; khẩn trương tổ chức kiểm tra công tác khám và cấp giấy khám sức khoẻ cho người lái xe và người học lái xe trên toàn quốc; tổng hợp số liệu báo cáo về thương vong do tai nạn giao thông tại các cơ sở khám chữa bệnh năm 2019 và 2020 báo cáo tại kỳ họp trực tuyến toàn quốc về ATGT cuối năm 2020; báo cáo số liệu người chết do TNGT năm 2019, 2020 theo khai tử tại trạm y tế cấp xã tại kỳ họp trực tuyến toàn quốc về an toàn giao thông quý II năm 2021.

            Bảy là, Bộ Xây dựng: Tổ chức đoàn kiểm tra các địa phương về kết quả thực hiện Chỉ thị số 05 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường chấn chỉnh công tác quy hoạch xây dựng, quản lý phát triển đô thị theo quy hoạch được duyệt, báo cáo trong phiên họp trực tuyến an toàn giao thông quý III/2020. Chủ trì phối hợp với Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, Bộ Giao thông vận tải và Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố tổ chức kiểm tra, đánh giá tình hình vi phạm quy định pháp luật về xây dựng trên hành lang an toàn giao thông tại quốc lộ 1, 5, 18.

            Tám là, Bộ Tài chính phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức tuyên truyền về Nghị định về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới thay thế Nghị định số 103 và Nghị định số 214 ngay khi Chính phủ ban hành; triển khai thực hiện có hiệu quả, đảm bảo cho được tính chất nhân văn của bảo hiểm trách nhiệm dân sự, tạo thuận lợi nhất cho người dân khi làm các thủ tục liên quan.

            Chín là, các bộ, ngành, đoàn thể, các cơ quan thành viên của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, các tổ chức chính trị - xã hội, các cơ quan thông tin đại chúng ở Trung ương và địa phương, đẩy mạnh công tác tuyên truyền pháp luật trật tự an toàn giao thông để nâng cao ý thức tự giác của người tham gia giao thông, tập trung tuyên truyền, vận động thực hiện chủ đề “Đã uống rượu, bia không lái xe”; không phóng nhanh, vượt ẩu; không vượt đèn đỏ; đi đúng phần đường, làn đường; đội mũ bảo hiểm khi đi mô tô, xe máy… tham gia giao thông an toàn trong điều kiện thực hiện nghiêm quy định về phòng chống dịch bệnh Covid19….Ưu tiên tuyên truyền các đối tượng có nguy cơ gây tai nạn giao thông cao như lái xe khách, người điều khiển xe mô tô, thanh thiếu niên trên địa bàn nông thôn; phát huy hiệu quả hệ thống đài truyền thanh tại các xã, phường, thị trấn.

            Mười là, Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục thực hiện chỉ thị số 03 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường thực hiện Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia và Nghị định số 100 của Chính phủ quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt; Chỉ thị số 32 về tăng cường công tác kiểm soát tải trọng phương tiện giao thông; Tiếp tục chỉ đạo các ngành chức năng thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, ngành trung ương về: tuần tra, kiểm soát xử lý vi phạm quy định pháp luật về trật tự an toàn giao thông; chống xe dù, bến cóc; đào tạo sát hạch, cấp giấp phép lái xe; đăng kiểm phương tiện cơ giới; bảo đảm an toàn giao thông trong kinh doanh vận tải; xử lý điểm đen, điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông; Chỉ đạo Uỷ ban nhân dân cấp huyện, xã phát huy vai trò các đoàn thể chính trị, xã hội vận động nhân dân tự giác chấp hành quy định về bảo vệ hành lang an toàn giao thông; không lấn chiếm, sử dụng trái phép lòng, lề đường, vỉa hè đồng thời thực hiện tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các đối tượng cố tình vi phạm, cương quyết cưỡng chế, trấn áp những đối tượng chống người thi hành công vụ.

            Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và các đô thị trực thuộc Trung ương tăng cường thực hiện các giải pháp đột phá về chống ùn tắc giao thông, đặc biệt là tiến độ các công trình kết cấu hạ tầng trọng điểm như dự án Đường sắt đô thị Nhổn-Ga Hà Nội; Bến Thành-Suối Tiên, tiếp tục nâng cao năng lực và chất lượng dịch vụ xe buýt; đi đầu thực hiện lập lại trật tự, kỷ cương đối với giao thông đô thị; có phương án sắp xếp hợp lý các hoạt động dân sinh trên vỉa hè, lòng đường, đảm bảo trật tự, vệ sinh, đúng quy định; đồng thời cương quyết xử lý mọi trường hợp vi phạm trật tự đô thị, trật tự an toàn giao thông, sử dụng trái phép vỉa hè, lòng đường, hành lang an toàn giao thông; xây dựng và thực hiện kế hoạch hành động đường thông - hè thoáng đến cấp phường, thị trấn.

 

                                                                                                                                                     Đại Nghĩa

Ý kiến bạn đọc