Ra mắt điểm sơ cấp cứu nạn nhân tai nạn giao thông tại huyện Kim Sơn

Thứ sáu, 20/11/2020 Đã xem: 344 | Nhận xét: 0
  • Đánh giá cho bài viết:
  • 0 điểm ( 0 đánh giá )

          Sáng ngày 20/11/2020, Hội Chữ thập đỏ tỉnh phối hợp với Sở Y tế và huyện Kim Sơn tổ chức ra mắt Điểm sơ cấp cứu Chữ thập đỏ trên địa bàn huyện Kim Sơn. Tham dự buổi Lễ có các đồng chí Trần Thị Lan - Phó Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh, đồng chí Đinh Thị Bảy - Phó Giám đốc Sở Y tế, đại diện lãnh đạo Văn phòng Ban An toàn giao thông tỉnh, UBND huyện Kim Sơn và các tình nguyện điểm sơ cấp cứu.

          Trong thời gian qua, Ban An toàn giao thông tỉnh thường xuyên phối hợp với Hội Chữ thập đỏ tỉnh tổ chức tập huấn, truyền thông về trật tự an toàn giao thông, kỹ năng sơ cấp cứu cho người dân các địa phương trên địa bàn tỉnh để từ đó góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng về nguy cơ thương tích và tử vong trong tai nạn giao thông đường bộ, tầm quan trọng của “Sơ cấp cứu ban đầu” trong các tình huống tai nạn. Có thể nói sơ cấp cứu ban đầu tai nạn giao thông có vai trò rất quan trọng, đây là một việc làm không những mang ý nghĩa nhân đạo, thể hiện tính cộng đồng mà còn góp phần giảm thiểu rủi ro, thương vong trong va chạm giao thông.

          Nhận thấy khu vực xóm 7A – xã Kim Chính và xóm 4 – xã Cồn Thoi huyện Kim Sơn là các điểm có phương tiện tham gia giao thông đông, thường xảy ra các vụ tai nạn giao thông. Vì vậy Hội Chữ thập đỏ tỉnh phối hợp với Ban An toàn giao thông tỉnh, UBND huyện Kim sơn và các đơn vị có liên quan lựa chọn 02 điểm để làm “Điểm sơ cấp cứu ban đầu”. Địa điểm 1: Tại nhà anh Vũ Tiền Tiến xóm 7A trên đường 10 đi Ninh Bình – Thanh Hóa, đây là địa điểm thuộc xã Kim Chính. Địa điểm 2: Tại nhà anh Trần Văn Hùng thuộc xóm 4 xã Cồn Thoi, đây là điểm giao giữa xã Cồn Thoi với xã Kim Tân trên tuyến đường qua đò sang Nam Định. Sau một thời gian chuẩn bị, điểm sơ cấp cứu đã được trang bị đầy đủ các trang thiết bị cần thiết để phục vụ cho việc sơ cấp cứu như giường nằm cho người bị nạn, túi cứu thương, cáng cứu thương, bông băng, ga rô, cồn sát trùng, nẹp cố định gãy sương, một phòng sơ cấp cứu có diện tích  trên 10m2 đảm bảo theo quy định Thông tư 17 của Bộ Y tế. Tất cả những điều kiện cần thiết này do gia đình các tình nguyện viên, các tổ chức, cá nhân tự nguyện ủng hộ. Đây là mô hình hoạt động có tính nhân văn cao cả, thể hiện tính tương trợ trong cộng đồng nhằm giúp đỡ những người không may bị tai nạn giao thông. Các tình nguyện viên được trang bị kiến thức, kỹ năng sơ cấp cứu cơ bản như: kỹ thuật di chuyển nạn nhân khẩn cấp; sơ cứu dị vật, tắc đường thở; sơ cứu ngừng thở, ngừng tim; sơ cứu chảy máu – sốc; sơ cứu các vết thương phần mềm, băng bó vết thương; sơ cứu gãy xương; kỹ thuật vận chuyển nạn nhân an toàn; sơ cứu bỏng; sơ cứu điện giật; sơ cứu đuối nước.

 

 

(Ra mắt 2 điểm sơ cấp cứu tại huyện Kim Sơn)

 

          Tính đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn tỉnh Ninh Bình đã thành lập được 5 điểm sơ cấp cứu Chữ thập đỏ gồm điểm sơ cấp cứu ga Ghềnh thuộc thành phố Tam Điệp; điểm sơ cấp cứu tại ngã Ba Chạ, xã Gia Tường, huyện Nho Quan; điểm sơ cấp cứu khu vực cầu Yên được đặt tại gia đình ông Đào Anh Lai, thôn Bộ Đầu, xã Ninh An và 02 điểm tại huyện Kim Sơn. Đây là một trong những hoạt động có ý nghĩa rất lớn góp phần hạn chế thấp nhất tình trạng gia tăng tổn thương và tử vong cho nạn nhân trong các trường hợp tai nạn giao thông, tai nạn thương tích do Hội Chữ thập đỏ tỉnh, Ban An toàn giao thông tỉnh phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức thực hiện.

                                                                                                                                         Đại Nghĩa

Ý kiến bạn đọc