Một số kết quả trọng tâm công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông năm 2020 và những nhiệm vụ trọng tâm năm 2021

Thứ năm, 10/12/2020 Đã xem: 360 | Nhận xét: 0
  • Đánh giá cho bài viết:
  • 0 điểm ( 0 đánh giá )

Bên lề Hội nghị hội nghị trực tuyến tổng kết công tác đảm bảo trật tự, an toàn giao thông năm 2020 và triển khai nhiệm vụ năm 2021, Bộ phận thường trực biên tập Cổng thông tin điện tử Ban An toàn giao thông tỉnh Ninh Bình đã có cuộc phỏng vấn đồng chí Phạm Đức Tuân, Ủy viên thường trực, Chánh Văn phòng Ban An toàn giao thông tỉnh về kết quả công tác đảm bảo trật tự, an toàn giao thông trong năm 2020 và các giải pháp đảm bảo trật tự an toàn giao thông trong thời gian tới trên địa bàn tỉnh.

BBT: Xin đồng chí đánh giá những kết quả chủ yếu đã đạt được trong công tác đảm bảo trật tự ATGT trên địa bàn tỉnh trong năm 2020?

Đồng chí Phạm Đức Tuân: Năm 2020 là năm đầu tiên Chính phủ thực hiện Luật phòng chống tác hại của rượu, bia, cũng như thực hiện Nghị định số 100/2019/NĐ-CP và xác định chủ đề của năm là “Đã uống rượu, bia không lái xe” với mục tiêu – Tính mạng con người là trên hết, ngoài ra, năm 2020 trước bối cảnh cả nước tập trung ưu tiên thực hiện các giải pháp phòng, chống đại dịch Covid 19,  nhiều hoạt động kinh tế, xã hội cũng như các loại hình hoạt động vận tải bị ảnh hưởng rất lớn. Bên cạnh việc lãnh đạo chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội và phòng chống dịch thì cấp ủy, chính quyền các cấp cũng luôn tăng cường quan tâm thực hiện các nhiệm vụ bảo đảm TTATGT trên cả 3 lĩnh vực đường bộ, đường sắt và đường thủy nội địa, đặc biệt là việc chỉ đạo tổ chức các đợt hoạt động cao điểm bảo đảm TTATGT tiếp tục được duy trì hiệu quả.

Công tác tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao thông tiếp tục được thực hiện với nhiều hình thức đa dạng phong phú, việc huy động được các lực lượng, các tổ chức đoàn thể chính trị, các tổ chức xã hội tham gia thực hiện nhiệm vụ bảo đảm TTATGT đã góp phần nâng cao nhận thức của người tham gia giao thông và cộng đồng; công tác quản lý duy trì hoạt động vận tải khách tiếp tục được quan tâm chỉ đạo đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân; công tác quản lý và xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông tiếp tục được cải thiện tích cực, đảm bảo tiến độ, chất lượng phục vụ hoạt động vận tải, đáp ứng công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; công tác cưỡng chế thi hành pháp luật của lực lượng chức năng được tăng cường, các lực lượng chức năng bên cạnh việc bố trí tham gia chống dịch vẫn duy trì triển khai quyết liệt các giải pháp bảo đảm TTATGT, thực hiện tốt các biện pháp bảo đảm an toàn phòng chống dịch theo đúng khuyến cáo của Bộ Y tế, nhất là trong hoạt động kiểm soát, xử lý vi phạm đối với vi phạm nồng độ cồn, hoạt động tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm được thực hiện liên tục bằng các đợt hoạt động cao điểm liên tục, áp dụng hiệu quả thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ, huy động được nhiều lực lượng cùng tham gia, tập trung nhiều biện pháp mạnh để giải quyết từng chuyên đề cụ thể thích hợp với từng giai đoạn, thời điểm đặt ra như dịp lễ, tết, mùa du lịch, dịp nghỉ dài ngày và các hoạt động xã hội khác có ảnh hưởng lớn đến tình hình TTATGT. Bên cạnh đó Sở GTVT và Công an tỉnh đã phối hợp với ngành Y tế thực hiện tốt đợt cao điểm lập các chốt kiểm tra các phương tiện vận tải khách trong thời kỳ cách ly xã hội phòng chống dịch bệnh đảm bảo yêu cầu và hiệu quả theo đúng chỉ đạo của UBND tỉnh. 

  Với sự nỗ lực cố gắng của các cấp các ngành nên tình hình tai nạn giao thông trên địa bàn tỉnh trong năm 2020 tiếp tục được kiềm chế và giảm so với cùng kỳ năm trước, cụ thể là so với cùng kỳ năm 2019 giảm 21 vụ (giảm 13,04%), giảm 02 người chết (giảm 4,88%), giảm 04 người bị thương (giảm 3,28%), không có tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng xảy ra trên địa bàn; không xảy ra ùn tắc giao thông kéo dài; không xảy ra tình trạng đua xe trái phép.

BBT: Trong năm 2021, xin đồng chí cho biết Ban An toàn giao thông tỉnh có những chỉ đạo và triển khai giải pháp thực hiện như thế nào để tiếp tục thực hiện mục tiêu kiềm chế và giảm tai nạn giao thông trên địa bàn tỉnh?

Đồng chí Phạm Đức Tuân: Trong năm 2021, Ban An toàn giao thông tỉnh tiếp tục tham mưu cho UBND tỉnh có những chỉ đạo quyết liệt đối với các ngành chức năng của tỉnh và các địa phương nhằm thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ bảo đảm TTATGT trên địa bàn tỉnh với các yêu cầu là: Chỉ đạo và tổ chức triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp từ tỉnh đến các huyện, thành phố và cấp cơ sở ngay từ tháng đầu, quý đầu và cả năm 2021; các cơ quan thành viên Ban ATGT tỉnh, Ban ATGT các huyện, thành phố xây dựng kế hoạch triển khai cụ thể từng nhiệm vụ, từng hoạt động, phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương, cơ quan, đơn vị; đảm bảo tiết kiệm, tránh hình thức; phổ biến, quán triệt nhiệm vụ đến từng cán bộ, công chức, viên chức và người lao động; gắn trách nhiệm của cá nhân người đứng đầu với kết quả thực hiện nhiệm vụ bảo đảm trật tự an toàn giao thông (TTATGT) trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền của các cơ quan, đơn vị thực thi công vụ; tăng cường ứng dụng khoa học và công nghệ trong công tác bảo đảm TTATGT, trước hết là chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành vận tải; điều khiển giao thông; giám sát, phát hiện và xử lý vi phạm về TTATGT.

 Các nhiệm vụ trọng tâm là tiếp tục tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 18-CT/TW ngày 04/9/2012 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm TTATGT đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa; Nghị quyết số 12/NQ-CP ngày 19/02/2019 của Chính phủ về tăng cường thực hiện các giải pháp trọng tâm bảo đảm TTATGT giai đoạn 2019-2021; Chỉ thị số 12/CT- TTg ngày 02/6/2015 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường các giải pháp cấp bách bảo đảm TTATGT trong hoạt động kinh doanh vận tải hành khách bằng ô tô và công tác bảo đảm TTATGT đường sắt; Chỉ thị số 23/CT- TTg ngày 05/7/2016 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường các giải pháp cấp bách bảo đảm TTATGT đường thuỷ nội địa trong tình hình mới; Chỉ thị số 29/CT- TTg ngày 05/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ về xử lý phương tiện giao thông đường bộ hết niên hạn sử dụng, quá hạn kiểm định; Chỉ thị số 32/CT- TTg ngày 25/11/2016 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác kiểm soát tải trọng phương tiện giao thông; Chỉ thị số 33/CT-TTg ngày 21/7/2017 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác quản lý, lập lại trật tự hành lang an toàn đường bộ, đường sắt; Chỉ thị số 04/CT-TTg ngày 19/01/2018 về việc đẩy mạnh triển khai các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả thực hiện quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm đối với người đi mô tô, xe gắn máy, xe đạp điện; Chỉ thị số 24/CT- TTg ngày 23/8/2018 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường thực hiện các giải pháp cấp bách bảo đảm trật tự ATGT trong hoạt động vận tải đường bộ. Nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về TTATGT, trật tự đô thị; kiên trì xây dựng văn hóa giao thông an toàn và thân thiện môi trường cho mọi tầng lớp nhân dân. Nâng cao chất lượng, hiệu quả quản lý nhà nước về giao thông vận tải, xây dựng, đất đai và du lịch có liên quan đến nhiệm vụ đảm bảo an toàn và chống ùn tắc giao thông; nâng cao năng lực, hiệu quả của lực lượng tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm về TTATGT. Đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng công tác đầu tư xây dựng, nâng cấp hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông gắn với duy tu, bảo đảm ATGT và khai thác có hiệu quả các công trình hiện hữu; nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ hành lang ATGT đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa. Đẩy mạnh tái cơ cấu hệ thống dịch vụ vận tải nâng cao năng lực, chất lượng và giảm giá thu hút hành khách, hàng hóa sử dụng vận tải đường sắt, đường thủy nội địa, hàng hải; đẩy nhanh tiến độ phát triển hệ thống vận tải hành khách liên tỉnh; đẩy nhanh tiến độ phát triển vận tải hành khách công cộng kết nối trung tâm tỉnh với trung tâm huyện, các khu công nghiệp, cụm dân cư nông thôn. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, các thành tựu của cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đối với công tác quản lý, điều hành, tổ chức giao thông, hướng dẫn người tham gia giao thông cũng như hỗ trợ công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm pháp luật về TTATGT. Thực hiện đồng bộ các giải pháp hạn chế mức sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân, kiểm soát chặt điều kiện về an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của các phương tiện cơ giới, đặc biệt là trong các khu vực trung tâm đô thị. Quản lý chặt chẽ hoạt động xây dựng bảo đảm việc đầu tư, xây dựng mới hoặc điều chỉnh, sắp xếp các khu công nghiệp, đô thị, các trung tâm thương mại, trường học, bệnh viện,...trong các đô thị phù hợp với năng lực kết cấu hạ tầng giao thông và vận tải công cộng. Tăng cường thực hiện các giải pháp đồng bộ phòng, chống ùn tắc giao thông tại các đô thị trung tâm, các tuyến đường có lưu lượng tham gia giao thông lớn, đặc biệt là trong mùa Lễ hội Xuân 2020.

Căn cứ vào tình hình thực tế và nhiệm vụ, trước hết là tập trung chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ bảo đảm TTATGT trong dịp Tết dương lịch, Tết Nguyên đán Tân Sửu và mùa Lễ hội năm 2021, đặc biệt chú trọng đến các sự kiện tổ chức năm du lịch quốc gia 2021; tăng cường công tác truyền thông trong đó chú trọng thực hiện Đề án “Tuyên truyền về an toàn giao thông trên các phương tiện thông tin đại chúng và hệ thống thông tin cơ sở giai đoạn 2020-2025” theo Quyết định 1317/QĐ-TTg ngày 28/8/2020 của Thủ tướng Chính phủ; duy trì hoạt động phối hợp liên ngành bảo đảm TTATGT đường thủy nội địa theo chương trình phối hợp giữa Cục Cảnh sát giao thông - Cục đường thủy nội địa Việt Nam- Cục đăng kiểm Việt Nam; Thường xuyên tổ chức kiểm tra kết hợp với tuyên truyền lưu động bằng xe ô tô gắn loa về bảo đảm TTATGT trên các địa bàn và tuyến giao thông trọng điểm nhằm phát hiện và khắc phục kịp thời những vấn đề bất hợp lý trong bảo đảm an toàn giao thông; phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức các hoạt động tuyên truyền ATGT, chú trọng duy trì các pa nô tuyên truyền về ATGT đã xây dựng, tổ chức in ấn, cấp phát, tuyên truyền các sản phẩm truyền thông về ATGT (thông điệp, băng rôn, áp phích, pano, tờ rơi…), nghiên cứu xây dựng nội dung hình ảnh tuyên truyền ATGT để căng treo lắp đặt tại các nút giao thông trọng điểm, khu vực đông dân cư, bến đò ngang, bến đò du lịch và các đơn vị trường học để tuyên truyền trên địa bàn tỉnh; phối hợp thường xuyên theo dõi, kiểm tra, xử lý các thông tin từ phản ánh của các cơ quan truyền thông về tình hình TTATGT trên địa bàn tỉnh.

BBT: Được biết tại Hội nghị tổng kết công tác bảo đảm TTATGT năm 2020, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia đã xây dựng kế hoạch bảo đảm TTATGT giai đoạn 2021-2025, xin đồng chí có thể chia sẻ thêm về các nhiệm vụ trọng tâm trọng tâm ATGT giai đoạn 2021-2025

Đồng chí Phạm Đức Tuân: Nhằm bảo đảm an toàn giao thông trong giai đoạn 2021-2025, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia đã xây dựng mục tiêu chung và 5 nhóm nhiệm vụ trọng tâm, đồng thời xác định ứng dụng khoa học công nghệ là giải pháp đột phá quan trọng nhất, là chìa khoá, để triển khai 5 trụ cột chính sách về TTATGT, tiếp tục thực hiện mục tiêu hàng năm kéo giảm từ 5-10% về số vụ TNGT và thương vong do TNGT gây ra.

Mục tiêu chung là Nâng cao ý thức trách nhiệm, tính chuyên nghiệp, đạo đức nghề nghiệp của người thực thi công vụ trong lĩnh vực bảo đảm TTATGT và ý thức tự giác chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông. Tiếp tục kéo giảm giảm từ 5%-10% số vụ, số người chết, số người bị thương do TNGT hàng năm; giảm TNGT đặc biệt nghiêm trọng; từng bước giải quyết ùn tắc giao thông tại các thành phố lớn, đặc biệt là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.

Các nhóm nhiệm vụ trọng tâm giai đoạn 2021 – 2025, gồm: Một là, xây dựng, hoàn thiện thể chế và chính sách pháp luật về an toàn giao thông; hoàn thiện mô hình, tổ chức, nâng cao năng lực cơ quan quản lý nhà nước và thực thi pháp luật về TTATGT. Hai là, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông và tổ chức giao thông hiện đại, an toàn, thông suốt. Ba là, Xây dựng lộ trình cụ thể để áp dụng các tiêu chuẩn cao nhất về an toàn và bảo vệ môi trường trong sản xuất, lắp ráp, kiểm định phương tiện. Bốn là, tập trung tuyên truyền, giáo dục kiến thức, kỹ năng tham gia giao thông an toàn kết hợp với công tác xử lý vi phạm trong lĩnh vực giao thông. Năm là, xây dựng hệ thống cứu hộ, cứu nạn và cấp cứu y tế tai nạn giao thông.

Xác định ứng dụng khoa học công nghệ là giải pháp đột phá quan trọng nhất, là chìa khoá, để triển khai 5 trụ cột chính sách về TTATGT, tiếp tục thực hiện mục tiêu hàng năm kéo giảm từ 5-10% về số vụ TNGT và thương vong do TNGT gây ra.

BBT: Xin cảm ơn đồng chí!

                                                                                                                           Đại Nghĩa

Ý kiến bạn đọc