Tỉnh Ninh Bình: Một số kết quả trọng tâm công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông năm 2021 và những nhiệm vụ trọng tâm năm 2022

Thứ sáu, 14/01/2022 Đã xem: 346 | Nhận xét: 0
  • Đánh giá cho bài viết:
  • 0 điểm ( 0 đánh giá )

            Bên lề Hội nghị hội nghị trực tuyến tổng kết công tác đảm bảo trật tự, an toàn giao thông năm 2021 và triển khai nhiệm vụ năm 2022, Cổng thông tin điện tử Ban An toàn giao thông tỉnh Ninh Bình đã có cuộc phỏng vấn đồng chí Phạm Đức Tuân, Ủy viên thường trực, Chánh Văn phòng Ban An toàn giao thông tỉnh về kết quả công tác đảm bảo trật tự, an toàn giao thông trong năm 2021 và các giải pháp đảm bảo trật tự an toàn giao thông trong thời gian tới trên địa bàn tỉnh.

            BBT: Xin đồng chí đánh giá những kết quả chủ yếu đã đạt được trong công tác đảm bảo trật tự ATGT trên địa bàn tỉnh trong năm 2021?

            Đồng chí Phạm Đức Tuân: Năm 2021, tình hình dịch bệnh COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, các lực lượng đồng thời phải chống dịch, thêm vào đó, nước ta diễn ra nhiều sự kiện chính trị, xã hội quan trọng như Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026. Tại Ninh Bình, bên cạnh việc lãnh đạo chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội và phòng chống dịch thì cấp ủy, chính quyền các cấp cũng luôn tăng cường quan tâm thực hiện các nhiệm vụ bảo đảm TTATGT trên cả 3 lĩnh vực đường bộ, đường sắt và đường thủy nội địa, đặc biệt là việc chỉ đạo tổ chức các đợt hoạt động cao điểm bảo đảm TTATGT tiếp tục được duy trì hiệu quả.

            Công tác tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao thông tiếp tục được thực hiện với nhiều hình thức đa dạng phong phú, việc huy động được các lực lượng, các tổ chức đoàn thể chính trị, các tổ chức xã hội tham gia thực hiện nhiệm vụ bảo đảm TTATGT đã góp phần nâng cao nhận thức của người tham gia giao thông và cộng đồng; công tác quản lý duy trì hoạt động vận tải khách tiếp tục được quan tâm chỉ đạo đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân; công tác quản lý và xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông tiếp tục được cải thiện tích cực, đảm bảo tiến độ, chất lượng phục vụ hoạt động vận tải, đáp ứng công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương

            Công tác vận tải khách tiếp tục được quan tâm chỉ đạo; công tác quản lý và xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông tiếp tục được cải thiện tích cực, đảm bảo tiến độ, chất lượng phục vụ hoạt động vận tải, đáp ứng công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

            Công tác cưỡng chế thi hành pháp luật của lực lượng chức năng được tăng cường liên tục bằng các đợt hoạt động cao điểm liên tục, áp dụng hiệu quả thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ, huy động được nhiều lực lượng cùng tham gia, tập trung nhiều biện pháp mạnh để giải quyết từng chuyên đề cụ thể thích hợp với từng giai đoạn, thời điểm đặt ra như dịp lễ, tết, mùa du lịch, dịp nghỉ dài ngày và các hoạt động xã hội khác có ảnh hưởng lớn đến tình hình TTATGT. Đặc biệt Công an tỉnh đã chỉ đạo thực hiện nhiều đợt cao điểm ra quân bảo đảm ATGT, trong đó có việc tập trung kiểm soát và xử lý vi phạm về tải trọng phương tiện, nhất là trên các tuyến đê. Bên cạnh đó Sở Giao thông và Công an tỉnh đã phối hợp với ngành Y tế thực hiện tốt đợt cao điểm lập các chốt kiểm tra các phương tiện vận tải khách trong thời kỳ cao điểm phòng chống dịch bệnh Covid - 19 đảm bảo yêu cầu nhiệm vụ theo đúng chỉ đạo của UBND tỉnh. 

            Tình hình tai nạn giao thông trên địa bàn tỉnh so với cùng kỳ năm 2021 tiếp tục giảm về số vụ, giảm số người chết và giảm số người bị thương, không có tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng xảy ra trên địa bàn; không xảy ra ùn tắc giao thông kéo dài; không xảy ra tình trạng đua xe trái phép. Cụ thể, toàn tỉnh xảy ra 129 vụ TNGT, làm chết 38 người, bị thương 105 người. So với cùng kỳ năm 2020, giảm 11 vụ (giảm 7,9%), giảm 01 người chết (giảm 2,6%), giảm 14 người bị thương (giảm 11,8%)

            BBT: Trong năm 2022, xin đồng chí cho biết Ban An toàn giao thông tỉnh có những chỉ đạo và triển khai giải pháp thực hiện như thế nào để tiếp tục thực hiện mục tiêu kiềm chế và giảm tai nạn giao thông trên địa bàn tỉnh?

            Đồng chí Phạm Đức Tuân: Trong năm 2022, Ban An toàn giao thông tỉnh tiếp tục tham mưu cho UBND tỉnh có những chỉ đạo quyết liệt đối với các ngành chức năng của tỉnh và các địa phương nhằm thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ bảo đảm TTATGT trên địa bàn tỉnh ngay từ tháng đầu, quý đầu và cả năm 2022; các cơ quan thành viên Ban ATGT tỉnh, Ban ATGT các huyện, thành phố cần xây dựng kế hoạch triển khai cụ thể từng nhiệm vụ, từng hoạt động, phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương, cơ quan, đơn vị; đảm bảo tiết kiệm, tránh hình thức; phổ biến, quán triệt nhiệm vụ đến từng cán bộ, công chức, viên chức và người lao động; gắn trách nhiệm của cá nhân người đứng đầu với kết quả thực hiện nhiệm vụ bảo đảm trật tự an toàn giao thông trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền của các cơ quan, đơn vị thực thi công vụ; tăng cường ứng dụng khoa học và công nghệ trong công tác bảo đảm TTATGT, trước hết là chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành vận tải; điều khiển giao thông; giám sát, phát hiện và xử lý vi phạm về TTATGT. Tiếp tục tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 18-CT/TW ngày 04/9/2012 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm TTATGT đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa; Nghị quyết số 12/NQ-CP ngày 19/02/2019 của Chính phủ về tăng cường thực hiện các giải pháp trọng tâm bảo đảm TTATGT giai đoạn 2019-2021; Chỉ thị số 12/CT- TTg ngày 02/6/2015 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường các giải pháp cấp bách bảo đảm TTATGT trong hoạt động kinh doanh vận tải hành khách bằng ô tô và công tác bảo đảm TTATGT đường sắt; Chỉ thị số 23/CT- TTg ngày 05/7/2016 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường các giải pháp cấp bách bảo đảm TTATGT đường thuỷ nội địa trong tình hình mới; Chỉ thị số 29/CT- TTg ngày 05/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ về xử lý phương tiện giao thông đường bộ hết niên hạn sử dụng, quá hạn kiểm định; Chỉ thị số 32/CT- TTg ngày 25/11/2016 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác kiểm soát tải trọng phương tiện giao thông; Chỉ thị số 33/CT-TTg ngày 21/7/2017 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác quản lý, lập lại trật tự hành lang an toàn đường bộ, đường sắt; Chỉ thị số 04/CT-TTg ngày 19/01/2018 về việc đẩy mạnh triển khai các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả thực hiện quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm đối với người đi mô tô, xe gắn máy, xe đạp điện; Chỉ thị số 24/CT- TTg ngày 23/8/2018 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường thực hiện các giải pháp cấp bách bảo đảm trật tự ATGT trong hoạt động vận tải đường bộ. Nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về TTATGT, trật tự đô thị; kiên trì xây dựng văn hóa giao thông an toàn và thân thiện môi trường cho mọi tầng lớp nhân dân. Nâng cao chất lượng, hiệu quả quản lý nhà nước về giao thông vận tải, xây dựng, đất đai và du lịch có liên quan đến nhiệm vụ đảm bảo an toàn và chống ùn tắc giao thông; nâng cao năng lực, hiệu quả của lực lượng tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm về TTATGT. Đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng công tác đầu tư xây dựng, nâng cấp hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông gắn với duy tu, bảo đảm ATGT và khai thác có hiệu quả các công trình hiện hữu; nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ hành lang ATGT đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa. Đẩy mạnh tái cơ cấu hệ thống dịch vụ vận tải nâng cao năng lực, chất lượng và giảm giá thu hút hành khách, hàng hóa sử dụng vận tải đường sắt, đường thủy nội địa, hàng hải; đẩy nhanh tiến độ phát triển hệ thống vận tải hành khách liên tỉnh; đẩy nhanh tiến độ phát triển vận tải hành khách công cộng kết nối trung tâm tỉnh với trung tâm huyện, các khu công nghiệp, cụm dân cư nông thôn. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, các thành tựu của cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đối với công tác quản lý, điều hành, tổ chức giao thông, hướng dẫn người tham gia giao thông cũng như hỗ trợ công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm pháp luật về TTATGT. Thực hiện đồng bộ các giải pháp hạn chế mức sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân, kiểm soát chặt điều kiện về an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của các phương tiện cơ giới, đặc biệt là trong các khu vực trung tâm đô thị. Quản lý chặt chẽ hoạt động xây dựng bảo đảm việc đầu tư, xây dựng mới hoặc điều chỉnh, sắp xếp các khu công nghiệp, đô thị, các trung tâm thương mại, trường học, bệnh viện,...trong các đô thị phù hợp với năng lực kết cấu hạ tầng giao thông và vận tải công cộng. Tăng cường thực hiện các giải pháp đồng bộ phòng, chống ùn tắc giao thông tại các đô thị trung tâm, các tuyến đường có lưu lượng tham gia giao thông lớn, đặc biệt là trong mùa Lễ hội Xuân 2022.

            Căn cứ vào tình hình thực tế và nhiệm vụ, trước hết là tập trung chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ bảo đảm TTATGT trong dịp Tết dương lịch, Tết Nguyên đán Nhâm Dần và mùa Lễ hội năm 2022; tăng cường công tác truyền thông trong đó chú trọng thực hiện Đề án “Tuyên truyền về an toàn giao thông trên các phương tiện thông tin đại chúng và hệ thống thông tin cơ sở giai đoạn 2020-2025” theo Quyết định 1317/QĐ-TTg ngày 28/8/2020 của Thủ tướng Chính phủ; duy trì hoạt động phối hợp liên ngành bảo đảm TTATGT đường thủy nội địa theo chương trình phối hợp giữa Cục Cảnh sát giao thông - Cục đường thủy nội địa Việt Nam- Cục đăng kiểm Việt Nam;             Thường xuyên tổ chức kiểm tra kết hợp với tuyên truyền lưu động bằng xe ô tô gắn loa về bảo đảm TTATGT trên các địa bàn và tuyến giao thông trọng điểm nhằm phát hiện và khắc phục kịp thời những vấn đề bất hợp lý trong bảo đảm an toàn giao thông; phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức các hoạt động tuyên truyền ATGT, chú trọng duy trì các pa nô tuyên truyền về ATGT đã xây dựng, tổ chức in ấn, cấp phát, tuyên truyền các sản phẩm truyền thông về ATGT (thông điệp, băng rôn, áp phích, pano, tờ rơi…), nghiên cứu xây dựng nội dung hình ảnh tuyên truyền ATGT để căng treo lắp đặt tại các nút giao thông trọng điểm, khu vực đông dân cư, bến đò ngang, bến đò du lịch và các đơn vị trường học để tuyên truyền trên địa bàn tỉnh; phối hợp thường xuyên theo dõi, kiểm tra, xử lý các thông tin từ phản ánh của các cơ quan truyền thông về tình hình TTATGT trên địa bàn tỉnh.

            BBT: Được biết tại Hội nghị tổng kết công tác bảo đảm TTATGT năm 2021, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia đã xây dựng dự thảo kế hoạch bảo đảm TTATGT giai đoạn năm 2022, trong đó có lồng ghép các mục tiêu và giải pháp trong Kế hoạch toàn cầu Thập kỷ hành động về ATGT đường bộ giai đoạn 2021-2030 của Liên hiệp quốc và Chiến lược quốc gia về bảo đảm TTATGT đường bộ, xin đồng chí có thể chia sẻ thêm về nội dung kế hoạch này?

            Đồng chí Phạm Đức Tuân: Nhằm thực hiện tốt hơn nữa công tác bảo đảm an toàn giao thông trong năm 2022, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia đã tổng hợp, xây dựng Kế hoạch Năm ATGT 2022 chủ đề “Xây dựng văn hóa giao thông an toàn gắn với kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” với 4 mục tiêu: Một là, nâng cao ý thức tự giác chấp hành pháp luật và xây dựng văn hóa giao thông an toàn. Hai là, hàng năm giảm TNGT từ 5-10% cả về số vụ, số người chết và số người bị thương. Ba là, khắc phục tình trạng ùn tắc giao thông trên các trục giao thông chính, các đầu mối giao thông trọng điểm, tại các đô thị lớn và không để xảy ra ùn tắc giao thông khi kiểm soát dịch bệnh. Bốn là, không để lây nhiễm, bùng phát dịch bệnh trong GTVT. Để thực hiện được mục tiêu trên, kế hoạch đã đề ra 08 nhóm nhiệm vụ trọng tâm như sau: Một là, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo, trước hết là tăng cường kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện Kết luận số 45-KL/TW ngày 01/2/2019 của Ban Bí thư về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 18 của Ban Bí thư khóa XI về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm TTATGT đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa và khắc phục ùn tắc giao thông. Kiện toàn chức năng, nhiệm vụ, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của Uỷ ban ATGT Quốc gia và Ban ATGT tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đáp ứng yêu cầu của tình hình mới. Hai là, xây dựng, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách pháp luật và các quy định liên quan đến công tác bảo đảm TTATGT nhằm áp dụng kịp thời các thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư vào thực tiễn. Lồng ghép mục tiêu bảo đảm TTATGT vào các quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch vùng, tỉnh, quy hoạch sử dụng đất, xây dựng đô thị, nông thôn và các quy hoạch chuyên ngành về GTVT; quản lý chặt chẽ việc triển khai thực hiện các quy hoạch, xử lý nghiêm, dứt điểm các hành vi vi phạm. Ba là, bảo đảm tiến độ, chất lượng các dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông trọng điểm; tổ chức giao thông khoa học, hợp lý; bảo trì, sửa chữa kết cấu hạ tầng giao thông gắn với rà soát, xử lý dứt điểm các điểm đen, điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông; xóa bỏ lối đi tự mở trái phép qua đường sắt; ngăn ngừa, xử lý hoạt động lấn chiếm tuyến luồng hàng hải, đường thuỷ nội địa; bảo vệ an toàn tĩnh không đường tiếp cận và khu bay các cảng hàng không. Bốn là, nâng cao chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của phương tiện giao thông vận tải; hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật cho phương tiện, linh kiện, vật liệu và hạ tầng để tạo thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh và lưu hành đối với phương tiện thân thiện với môi trường. Năm là, tái cơ cấu vận tải, nâng cao thị phần vận tải đường sắt, đường thủy nội địa, hàng hải, hàng không, giảm dần phụ thuộc vào đường bộ; đẩy nhanh tiến độ đầu tư, phát triển hệ thống vận tải công cộng trong đô thị và liên tỉnh. Sáu là, kiên trì xây dựng văn hoá giao thông an toàn. Đổi mới công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về bảo đảm TTATGT theo hướng lấy thay đổi hành vi làm tiêu chí đánh giá kết quả; đẩy mạnh tuyên truyền trên mạng xã hội và hạ tầng số. Bảy là, nâng cao năng lực, hiệu quả thực thi pháp luật về bảo đảm TTATGT và phòng, chống dịch bệnh trong giao thông vận tải; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin; xây dựng và đảm bảo khả năng kết nối, sử dụng chung các cơ sở dữ liệu giữa ngành GTVT, Công an, Y tế, Bảo hiểm và các cơ quan chức năng có liên quan trong thực thi pháp luật và chia sẻ phục vụ công tác xây dựng, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và nghiên cứu khoa học về bảo đảm TTATGT. Tám là, nâng cao năng lực cứu hộ, cứu nạn, cứu chữa nạn nhân và khắc phục hậu quả tai nạn giao thông; tập huấn kỹ năng sơ cứu tai nạn giao thông cho nhân viên y tế cơ sở, lực lượng thực thi pháp luật và người tham gia giao thông.

            BBT: Xin cảm ơn đồng chí!

                                                                                                                             Đại Nghĩa

Ý kiến bạn đọc