Hội nghị giao ban công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông 6 tháng đầu năm 2022

Thứ bảy, 16/07/2022 Đã xem: 219 | Nhận xét: 0
  • Đánh giá cho bài viết:
  • 0 điểm ( 0 đánh giá )

              Ngày 15/7/2022, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia tổ chức Hội nghị trực tuyến sơ kết công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông 6 tháng đầu năm và phương hướng, nhiệm vụ quý 6 tháng cuối năm 2022. Đồng chí Phạm Bình Minh, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia chủ trì Hội nghị. Tham dự Hội nghị có đồng chí Nguyễn Văn Thể, Ủy viên BCHTW Đảng, Bộ trưởng Bộ giao thông vận tải, Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia; các đồng chí Lãnh đạo Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, Lãnh đạo các Bộ, ngành và 63 tỉnh, thành phố tại các điểm cầu truyền hình trực tuyến.

              Tại điểm cầu Ninh Bình, dự Hội nghị có đồng chí Trần Song Tùng, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; đồng chí Lê Trọng Thành,tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Giao thông vận tải, Phó Trưởng ban An toàn giao thông tỉnh;đồng chí Vũ Anh Thiều,Phó Giám đốc Công an tỉnh, Phó Trưởng ban An toàn giao thông tỉnhcùng các đồng chí Ủy viên Ban An toàn giao thông tỉnh, đại diện các cơ quan thông tấn, báo chí.

 

 

              Hội nghị đã nghe đồng chí Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia trình bày báo cáo đánh giácông tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông 6 tháng đầu năm, phương hướng, nhiệm vụ công tác 6 tháng cuối năm 2022. Theo đó, trong 6 tháng đầu năm 2022, mặc dù gặp áp lực về lưu lượng phương tiện tham gia giao thông tăng cao (do dịch bệnh COVID-19 được kiểm soát) và tập trung nhiều đợt cao điểm nghỉ lễ như: nghỉ Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Nhâm Dần (nghỉ 09 ngày), dịp 30/4 và 01/5, song với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ cùng sự vào cuộc tích cực của các Bộ, ngành, địa phương tình hình TTATGT trong 6 tháng đầu năm 2022 về cơ bản được bảo đảm, số vụ và số người bị thương do TNGT tiếp tục được kéo giảm sâu so với cùng kỳ năm 2021, cụ thể: giảm 663 vụ (-10,41%) và giảm 793 người bị thương (-17,69%). Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác bảo đảm TTATGT trong 6 tháng đầu năm 2022vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: Còn xảy ra một số vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng, làm chết và bị thương nhiều người, gây bức xúc trong dư luận xã hội, điển hình là vụ lái xe say rượu gây TNGT tại Bắc Giang đêm ngày 02/6/2022làm 03 người chết gây bức xúc dư luận xã hội. Số người chết do TNGT trong 06 tháng đầu năm tăng 2,44%, trong đó, số người chết do TNGT đường bộ, đường thủy nội địa và hàng hải đều tăng so với cùng kỳ năm 2021. Tình hình vi phạm tải trọng xe ô tô trên đường bộtái diễn tại nhiều địa phương (Lào Cai, Vĩnh Phúc, Hải Phòng, Thái Nguyên, Thái Bình, Bắc Giang, Hà Nam, Nghệ An, Thừa Thiên Huế, Bình Định, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu).Về nguyên nhân của những tồn tại hạn chế:Hiệu lực thực thi pháp luật về TTATGT ở một số địa phương còn hạn chế; sự phối hợp thực hiện các nhiệm vụ bảo đảm TTATGT giữa các cơ quan, lực lượng có nơi, có lúc chưa chặt chẽ, nhất là trong kiểm soát tải trọng phương tiện và kiểm tra việc thực hiện quy định an toàn giao thông đối với các đơn vị kinh doanh vận tải đường bộ, đường thủy nội địa.Ý thức chấp hành các quy định pháp luật về TTATGT của một bộ phận người tham gia giao thông, lái xe và chủ doanh nghiệp còn yếu kém. Cấp uỷ, chính quyền và lực lượng chức năng ở một số địa phương còn thiếu quyết liệt trong chỉ đạo và thực hiện kiểm soát tải trọng phương tiện trên đường bộ.

              Trên địa bàn tỉnh Ninh Bình trong những tháng đầu năm 2022, với sự chỉ đạo quyết liệt của UBND tỉnh và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, tình hình trật tự an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh tiếp tục được cải thiện, một số mặt công tác đạt được những kết quả tích cực, tình hình tai nạn giao thông có 2 tiêu chí giảm so với cùng kỳ năm 2021, trong đó giảm 17 vụ tai nạn giao thông = 25,8%, giảm 8 người bị thương do tai nạn giao thông =14,8%. Tuy nhiên việc thực hiện các chỉ tiêu nhiêm vụ công tác bảo đảm an toàn giao thông còn có những hạn chế nhất định, đặc biệt trong đó tiêu chí về số người chết do tai nạn giao thông lại đang có chiều hướng gia tăng so với cùng kỳ năm 2021, trong 6 tháng đầu năm 2022 toàn tỉnh tăng 4 ngườichết do tai nạn giao thông tương ứng với tỷ lệ tănglà 26,7%, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 1 vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng liên quan đến xe chở khách gây hậu quả làm 4 người chết và 5 người bị thương; bên cạnh đó một số lĩnh vực khác trong công tác bảo đảm an toàn giao thông cũng cần phải tập trung chỉ đạo nhằm đáp ứng theo yêu cầu nhiệm vụ.

              Sau phần thảo luận của các bộ, ngành, địa phương và phát biểu của các đồng chí Lãnh đạo Ủy ban ATGT Quốc gia,đồng chí Phạm Bình Minh, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia đã phát biểu kết luận hội nghị, qua đó đã ghi nhận và biểu dương những nỗ lực cố gắng của các bộ, ngành và các địa phương trong công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông trong 6 tháng đầu năm 2022, chỉ ra những tồn tại hạn chế cần khắc phục, đồng thời chỉ đạokhẩn trương triển khai thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm trong công tác bảo đảm an toàn giao thông6 tháng cuối năm 2022, cụ thể:

              Một là, Ủy ban ATGT Quốc gia: tiếp tục đôn đốc các Bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện Năm ATGT 2022; tổ chức các đoàn công tác kiểm tra chuyên đề, cũng như đôn đốc việc thực hiện Nghị quyết số 48 của Chính phủ và các địa phương có TNGT tăng trong 6 tháng đầu năm; Phối hợp với Bộ Công an, Bộ Giao thông vận tải và các cơ quan thành viên tiến hành tổng kết việc thực hiện Chỉ thị 32 của Thủ tướng về kiểm soát tải trọng phương tiện giao thông, trong quý IV năm 2022. Tổ chức các Hội nghị chuyên đề về bảo đảm TTATGT. Phối hợp với các cơ quan thành viên xây dựng dự thảo Công điện của Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo về bảo đảm TTATGT đợt nghỉ lễ 2/9. Phối hợp với các Bộ, ngành thành viên xây dựng kế hoạch Năm An toàn giao thông 2023 và Kế hoạch tuyên truyền, giáo dục pháp luật và xây dựng văn hoá giao thông năm 2023 của Uỷ ban ATGT Quốc gia.

              Hai là, Bộ Giao thông vận tải: Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, đề án chính sách về ATGT, hoàn thiện các quy định pháp luật, quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật về hệ thống cân kiểm tra tải trọng tự động đối với xe ô tô chở hàng hoá trên đường bộ làm cơ sở để đầu tư, lắp đặt trên mạng lưới đường bộ toàn quốc. Bảo đảm tiến độ, chất lượng các dự án giao thông trọng điểm, kế hoạch bảo trì, sửa chữa kết cấu hạ tầng giao thông; tiếp thu kiến nghị của lực lượng cảnh sát giao thông và người dân, tiến hành rà soát, xử lý các điểm đen, điểm tiềm ẩn TNGT mới phát sinh; có phương án tổ chức, bảo đảm giao thông hiệu quả, nhanh chóng khắc phục hậu quả do mưa lũ gây ra đối với kết cấu hạ tầng giao thông; tổ chức cảnh báo, điều tiết, bảo đảm an toàn giao thông đường thuỷ nội địa trong mùa mưa, lũ. Triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp về kiểm soát tải trọng xe theo Chỉ thị số 32 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác kiểm soát tải trọng phương tiện giao thông; phối hợp chặt chẽ với các chủ đầu tư, nhà thầu, tư vấn giám sát để kiểm soát tải trọng các xe vận chuyển vật liệu ra vào công trường thi công.Triển khai công tác thanh tra, kiểm tra chuyên ngành giao thông vận tải theo kế hoạch và đột xuất, kiểm tra, làm việc với một số Sở GTVT và các cơ quan, đơn vị liên quan về công tác quản lý vận tải, đảm bảo ATGT trong mùa du lịch hè 2022 và các ngày lễ lớn trong 6 tháng cuối năm như nghỉ lễ 2/9.Phối hợp với chính quyền địa phương, các lực lượng chức năng thực hiện công tác bảo đảm TTATGT đường thủy nội địa vào mùa mưa lũ.

              Ba là, Bộ Công an:Triển khai thực hiện kế hoạch tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 18 của Ban Bí thư. Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các kế hoạch tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm theo chuyên đề về ma túy, nồng độ cồn, chở hàng quá tải trọng, quá khổ giới hạn, tự ý cải tạo phương tiện trên đường bộ, vi phạm tốc độ trên đường bộ, xử lý phương tiện thủy chở quá vạch dấu mớn nước an toàn, cảng, bến thủy nội địa không phép… Mở cao điểm bảo đảm TTATGT dịp lễ nghỉ lễ quốc khánh 2/9 và nghỉ tết Dương lịch 2023. Rà soát, đánh giá hiện trạng các tuyến giao thông để kiến nghị xây dựng phương án tổ chức lại giao thông theo từng tuyến, nhất là các tuyến giao thông phức tạp, kịp thời khắc phục các bất hợp lý về tổ chức giao thông, giải quyết các “điểm đen”, điểm tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn giao thông. Hoàn thiện Thông tư về công tác thống kê tai nạn giao thông cho phù hợp với thông lệ quốc tế về thống kê TNGT và Nghị định số 09 của Chính phủ quy định về chế độ báo cáo của cơ quan hành chính nhà nước.

              Bốn là, Bộ Giáo dục và Đào tạo: phối hợp với Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tiếp tục chỉ đạo ngành giáo dục và các cấp bộ đoàn địa phương tổ chức tuyên truyền, giáo dục, vận động học sinh, sinh viên, thanh, thiếu niên chấp hành pháp luật về TTATGT trong kỳ nghỉ hè; Ban hành văn bản chỉ đạo các cơ sở giáo dục tăng cường triển khai thực hiện công tác giáo dục ATGT cho học sinh, sinh viên đầu năm học mới 2022-2023 và Tháng cao điểm bảo đảm ATGT cho học sinh đến trường vào tháng 9 năm 2022.

              Năm là, Bộ Thông tin và Truyền thông tiếp tục chỉ đạo các cơ quan thông tấn, báo, đài ở Trung ương và địa phương tổ chức thông tin, tuyên truyền, vận động nhân dân tự giác chấp hành pháp luật về TTATGT, chú trọng thông tin, tuyên truyền Nghị quyết số 48 của Chính phủ về tăng cường bảo đảm TTATGT và chống ùn tắc giao thông giai đoạn 2022-2025. Định kỳ hàng tháng có báo cáo tổng hợp, đánh giá tác động và hiệu quả truyền thông về bảo đảm TTATGT trên các cơ quan báo chí, gửi Uỷ ban ATGT Quốc gia.

              Sáu là, Bộ Quốc phòng xây dựng và triển khai thực hiện:Dự án ứng dụng công nghệ thông tin trong chỉ đạo, điều hành, quản lý nâng cao chất lượng công tác kiểm định xe - máy quân sự; phần mềm quản lý cấp, đổi Giấy phép lái xe quân sự, phần mềm quản lý thực lực trang bị xe máy. Duy trì nghiêm hoạt động kiểm tra, kiểm soát phương tiện quân sự hoạt động ngoài doanh trại. Phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng trên địa bàn, tham gia hướng dẫn, bảo đảm TTATGT.

              Bảy là, Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với Bộ GTVT và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương kiểm tra, xử lý vi phạm quy định về quy hoạch và xây dựng trên hành lang an toàn giao thông đường bộ.

              Tám là, Bộ Tài Chính chủ trì phối hợp với Ủy ban ATGT Quốc gia đề xuất với Chính phủ trình Quốc hội phương án điều tiết kinh phí xử phạt vi phạm pháp luật về giao thông đường bộ, đường sắt, đường thuỷ nội địa từ ngân sách Trung ương về ngân sách địa phương trong năm 2023.

              Chín là, Bộ Y tế tiếp tục phối hợp với Hội chữ thập đỏ tổ chức tập huấn hướng dẫn thực hành cấp sơ cứu TNGT cho nhân viên y tế cấp cơ sở, Thanh tra giao thông, Cảnh sát giao thông, học viên lái xe (lồng ghép chương trình đào tạo cấp phép lái xe và tình nguyện viên của các đoàn thể.

              Mười là, đề nghị Tòa án nhân dân tối cao chỉ đạo Tòa án nhân dân, Tòa án Quân sự các cấp tổ chức xét xử công khai các vụ án điểm vi phạm về TTATGT có tính chất nghiêm trọng, mời các cơ quan báo chí tham dự để phục vụ công tác thông tin, tuyên truyền chấp hành pháp luật về TTATGT.

              Mười một là, các bộ, ngành, đoàn thể, các cơ quan thành viên của Ủy ban ATGT Quốc gia, các tổ chức chính trị - xã hội, các cơ quan thông tin đại chúng ở Trung ương và địa phương, đẩy mạnh công tác tuyên truyền pháp luật TTATGT để nâng cao ý thức tự giác của người tham gia giao thông, đặc biệt vận động cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong cơ quan, đơn vị, sỹ quan, hạ sỹ quan, quân nhân chuyên nghiệp, chiến sỹ, người làm việc trong lực lượng vũ trang nhân dân, học sinh, sinh viên thực hiện nghiêm các quy định về cấm uống rượu, bia; gương mẫu thực hiện nghiêm quy định đã uống rượu, bia không lái xe. Đẩy mạnh tuyên truyền trên mạng xã hội, hạ tầng số và vào các khung giờ vàng trên sóng truyền hình.

              Mười hai là, Ban ATGT các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục triển khai Kế hoạch Năm ATGT 2022 tại địa phương, đồng thời: Sơ kết công tác bảo đảm TTTAGT 6 tháng đầu năm 2022 và định hướng nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2022. Có văn bản chỉ đạo yêu cầu cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong cơ quan, đơn vị, sỹ quan, hạ sỹ quan, quân nhân chuyên nghiệp, chiến sỹ, người làm việc trong lực lượng vũ trang nhân dân, học sinh, sinh viên thực hiện nghiêm các quy định về cấm uống rượu, bia; gương mẫu thực hiện nghiêm quy định đã uống rượu, bia không lái xe; có biện pháp xử lý nghiêm đối với cá nhân, tập thể vi phạm. - Đảm bảo tiến độ, chất lượng các công trình đầu tư, nâng cấp và kế hoạch bảo trì, sửa chữa kết cấu hạ tầng giao thông, ưu tiên khắc phục các điểm đen, điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông, làm gờ giảm tốc, biển cảnh báo nguy hiểm cho người tham gia giao thông đường bộ trước điểm giao cắt với đường sắt và tại nút giao giữa đường nhánh với đường chính; tăng cường các giải pháp bảo đảm TTATGT mùa mưa, lũ. Chỉ đạo Công an tỉnh, thành phố tiếp tục tăng cường TTKS xử lý vi phạm về TTATGT theo chỉ đạo của Bộ Công an, kế hoạch năm ATGT 2022 của địa phương; ưu tiên kiểm tra, xử lý người có hành vi vi phạm về nồng độ cồn, ma tuý khi lái xe. Tăng cường tuần tra, kiểm soát phát hiện và xử lý nghiêm hành vi chở hàng hoá quá tải trọng;  chỉ đạo cơ quan chức năng và UBND cấp Huyện tổ chức kiểm tra việc thực hiện kiểm tra khối lượng khoáng sản trước khi đưa ra khỏi khai trường theo quy định tại Nghị định 158 của Chính phủ, đặc biệt là các loại khoáng sản trực tiếp sử dụng (đất, cát, sỏi). Đối với các tỉnh, thành phố có tai nạn giao thông tăng cao trong 6 tháng đầu năm, Lãnh đạo UBND và Ban ATGT tỉnh tổ chức Hội nghị rút kinh nghiệm riêng đối với các địa phương cấp Huyện số người chết do TNGT tăng, phân tích nguyên nhân cụ thể, đề ra giải pháp kéo giảm TNGT trong 6 tháng cuối năm.

              Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và các đô thị trực thuộc Trung ương, các đô thị loại 1, các địa phương có đông khách du lịch… xây dựng và triển khai kế hoạch thực hiện các giải pháp đột phá về chống ùn tắc giao thông. Trong thời gian trước mắt cần tập trung lập lại trật tự lòng, lề đường; ưu tiên sử dụng lề đường, vỉa hè cho người đi bộ và bố trí trạm dừng đón/trả khách cho xe buýt; xử lý nghiêm các hành vi sử dụng trái phép lòng, lề đường, hè phố; thường xuyên khảo sát, cập nhật các bất cập, các điểm ùn tắc giao thông để có giải pháp phân luồng, điều tiết và tổ chức giao thông phù hợp với tình hình thực tiễn. Chỉ đạo các lực lượng chức năng tăng cường các giải pháp bảo đảm TTATGT mùa mưa, lũ.

              Tại tỉnh Ninh Bình,trên cơ sở chỉ đạo của Chính phủ và Ủy ban ATGT Quốc gia, từ tình hình thực tiễn nêu trên, nhằm thực hiện mục tiêu vừa phát triển kinh tế xã hội vừa thực hiện mục tiêu kiềm chế và giảm tai nạn giao thông trên cả 3 tiêu chí về số vụ, số người chết và số người bị thương trong thời gian tiếp theo của năm 2022, Ban An toàn giao thông tỉnh chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương tập trung triển khai có hiệu quả các nhiệm vụbảo đảm trật tự an toàn giao thông, trong đó chú trọng một số nhiệm vụ trọng tâm như sau:

              Một là, các cấp, các ngành, các địa phương tập trung chỉ đạothực hiện các nhiệm vụ về bảo đảm an toàn giao thông năm 2022 theo kế hoạch đã ban hành, trong đó chú trọng tập trung vào các Văn bản chỉ đạo mới nhất của UBND tỉnh trong 6 tháng đầu năm 2022 như: Văn bản số 118/UBND-VP4 ngày 01/3/2022 về bảo đảm ATGT đường thủy nội địa; số 145/UBND-VP4 ngày 09/3/2022 về bảo đảm an toàn vận tải hành khách trên đường thủy nội địa; số 153/UBND-VP4 ngày 14/3/2022 kiểm tra, xử lý tình trạng xe quá tải, quá khổ, chạy quá tốc độ, vượt ẩu, cơi nới thành thùng, che phủ bạt không hiệu quả trên các tuyến giao thông; số 213/UBND-VP4 ngày 07/4/2022 về quản lý hoạt động tại bến phà Quang Thiện, huyện Kim Sơn; số 105/UBND-VP4 ngày 23/5/2022 về bảo đảm ATGT giai đoạn 2022-2025; số 377/UBND-VP6 ngày 06/6/2022 về chấp hành quy định phòng chống tác hại của rượu, bia; số 381/UBND-VP4 ngày 07/6/2022 về rà soát xử lý điểm đen tai nạn giao thông;số 468/UBND-VP6 ngày 07/7/2022 về tăng cường chấp hành quy định về phòng chống tác hại của rượu, bia; số 470/UBND-VP4 ngày 07/7/2022 về kiểm tra xử lý xe vận chuyển hành khách (xe ghép, xe tiện chuyến) không đăng ký kinh doanh theo quy định.

              Hai là, các huyện, thành phố chỉ đạo tổ chức rà soát, đánh giá tình hình và xác định nguyên nhân tai nạn giao thông trong 6 tháng đầu năm 2022 theo địa bàn phụ trách. Trường hợp địa phương có số người chết do tai nạn giao thông tăng so với cùng kỳ năm 2021 thì tập trung làm rõ nguyên nhân và trách nhiệm để đưa ra giải pháp phù hợp nhằm chỉ đạothực hiện đồng bộ trong thời gian tới nhằm mục tiêu kiềm chế và giảm tai nạn giao thông trên cả 3 tiêu chí theo mục tiêu kế hoạch đã đề ra.

              Ba là, các cơ quan, đơn vị, địa phương tiếp tục chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền về trật tự ATGT bằng các hình thức phù hợp, chú trọng tuyên truyền trênĐài Truyền hình, trên hệ thống Đài truyền thanh 3 cấp và các phương tiện truyền thông khác; duy trì tuyên truyền lưu động và tuyên truyền trực quantại các khu vực đông dân cư và trên các tuyến giao thông; thường xuyên kết hợp tuyên truyền về trật tự ATGTvới các hoạt động công tác chuyên môn của các cơ quan, đơn vị, địa phương.

              Bốn là, tăng cường thực hiện các giải phápđể phòng, chống ùn tắc giao thông, nhất là tại các đô thị trung tâm thành phố Ninh Bình, thành phố Tam Điệp và trên các tuyến đường có lưu lượng tham gia giao thông lớn như tuyến cao tốc Cao Bồ - Mai Sơn, quốc lộ 1, quốc lộ 10, các tuyến đường tránh thành phố Ninh Bình, các tuyến đường vào khu du lịch, nhất là trong dịp quốc khánh 2/9 và dịp khai giảng năm học mới 2022-2023.

              Năm là, tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ hoạt động đầu tư xây dựng các công trình giao thông trên địa bàn tỉnh theo kế hoạch, đặc biệt quan tâm đến tuyến giao thông trọng điểm như cao tốc Mai Sơn – quốc lộ 45 nhằm sớm giải quyết vấn đề ùn tắc giao thông trên tuyến quốc lộ 1.Tiếp tục chú trọng công tác bảo trì, bảo dưỡng kết cấu hạ tầng giao thông và nghiên cứu, tổ chức giao thông khoa học, hợp lý, phù hợp với cơ sở hạ tầng giao thông hiện hữu; thường xuyên rà soát và khẩn trương khắc phục kịp thời các điểm đen, điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông; thường xuyên kiểm tra đôn đốc công tác bảo đảm an toàn giao thông khi thi công xây dựng công trình giao thông trên địa bàn tỉnh.

              Sáu là, đẩy mạnh công tác thanh tra, tuần tra kiểm soát và xử lý vi phạm pháp luật về trật tự ATGT, tập trung xử lý các hành vi vi phạm của người tham gia giao thông có nguy cơ cao dẫn đến tai nạn giao thông như vi phạm về tải trọng phương tiện, vi phạm về nồng độ cồn, vi phạm về hành lang ATGT, vi phạm về điều kiện kinh doanh vận tải, vi phạm về an toàn kỹ thuật phương tiện...

              Bẩy là, thường xuyên thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động quản lý kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải,công tác đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe vàhoạt động đăng kiểm các phương tiện giao thông.

              Tám là, tiếp tục chỉ đạo nâng cao chất lượng công tác sơ cứu, cấp cứu bệnh nhân tai nạn giao thông và công tác khám sức khỏe đối với người lái xe. Duy trì thực hiện tập huấn kỹ năng sơ cấp cứu người bị tai nạn giao thông cho các đối tượng phù hợp./.

                                                                                                                                                                       

 

Ý kiến bạn đọc