Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác đảm bảo trật tự, an toàn giao thông năm 2022 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2023

Thứ năm, 09/02/2023 Đã xem: 80 | Nhận xét: 0
  • Đánh giá cho bài viết:
  • 0 điểm ( 0 đánh giá )

               Ngày 09/02/2023, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia tổ chức hội nghị trực tuyến tổng kết công tác đảm bảo trật tự, an toàn giao thông năm 2022 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2023. Đồng chí Nguyễn Văn Thắng, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban ATGT Quốc gia chủ trì hội nghị. Tại điểm cầu Ninh Bình, dự hội nghị có các đồng chí Nguyễn Cao Sơn, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng ban Thường trực Ban An toàn giao thông tỉnh; Lê Trọng Thành, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Giao thông vận tải, Phó trưởng Ban An toàn giao thông tỉnh cùng các đồng chí Ủy viên Ban An toàn giao thông tỉnh, các cơ quan truyền thông.

                       

               (Đồng chí Nguyễn Cao Sơn, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng ban Thường trực  Ban An toàn giao thông tỉnh dự và chỉ đạo hội nghị)

               Hội nghị đã nghe đồng chí Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia trình bày Báo cáo tóm tắt công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông năm 2022, phương hướng, nhiệm vụ công tác năm 2023. Theo đó, năm 2022, tình hình dịch bệnh COVID-19 đã từng bước được kiểm soát, kinh tế - xã hội phục hồi và tăng trưởng trở lại trạng thái bình thường của năm 2019, năm trước khi có đại dịch COVID-19 xuất hiện. Ngoài ra, năm 2022 diễn ra nhiều sự kiện văn hóa xã hội lớn quy mô quốc tế, như: Seagames 31, các kỳ nghỉ lễ dài ngày (nghỉ Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Nhâm Dần (nghỉ 09 ngày), nghỉ 30/4-1/5 và nghỉ quốc khánh 02/9),..., đã góp phần thúc đẩy hoạt động thương mại, du lịch và sự gia tăng mạnh mẽ của nhu cầu giao thông, cũng như số lượng phương tiện cá nhân tham gia giao thông, tạo áp lực lớn lên nhiệm vụ bảo đảm TTATGT năm 2022, mặc dù kết quả bảo đảm TTATGT so với năm 2021 chưa đạt chỉ tiêu đề ra, song nếu so với cùng kỳ năm 2019 (Trước thời điểm xảy ra đại dịch COVID-19) thì TNGT lại giảm rất sâu cả 03 tiêu chí, cụ thể: giảm 6.216 vụ (-35,2%), giảm 1.246 người chết (-16,3%), giảm 5.841 người bị thương (-42,81%). Bên cạnh đó, số vụ ùn, tắc giao thông trên toàn quốc được kéo giảm sâu so với cùng kỳ năm 2021 sau khi triển khai thu phí không dừng trên phạm vi toàn quốc. Tình hình vi phạm về chở quá tải trọng xe tại các địa phương đã được xử lý và có chuyển biến rất tích cực.

               Cụ thể, tình hình tai nạn giao thông năm 2022 (tính từ ngày 15/12/2021 đến 14/12/2022), toàn quốc xảy ra 11.457 vụ TNGT, làm chết 6.397 người, bị thương 7.804 người. So với năm 2021, số vụ TNGT giảm 38 vụ (-0,33%), tăng 598 người chết (10,31%), giảm 214 người bị thương (-2,67%). Nếu so sánh với năm 2019, số vụ TNGT giảm 6.216 vụ (-35,2%), giảm 1.246 người chết (-16,3%), giảm 5.841 người bị thương (-42,81%). Có 30 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có số người chết do TNGT giảm so với cùng kỳ năm 2021, trong đó 11 địa phương giảm trên 10% số người chết. Tuy nhiên, có 31 địa phương có số người chết do TNGT tăng so với cùng kỳ 2021, trong đó có 10 tỉnh, thành phố có số người chết tăng trên 30%. Về Ùn tắc giao thông: trong năm 2022, toàn quốc xảy ra 78 vụ ùn, tắc giao thông kéo dài; giảm 46 vụ so với cùng kỳ năm 2021.

               Để đạt được những kết quả trên là do: Một là, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia đã có những chỉ đạo kịp thời, sát sao và sự vào cuộc nghiêm túc của Đảng bộ, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể các cấp trong công tác triển khai, thực hiện các giải pháp bảo đảm TTATGT theo Chỉ thị 18 và Kết luận 45 của Ban bí thư. Hai là, ngay từ những tháng đầu năm, Bộ Công an đã có Kế hoạch về bảo đảm TTATGT trong toàn lực lượng Công an; chỉ đạo lực lượng Cảnh sát giao thông chủ động xây dựng và triển khai 03 Kế hoạch chuyên đề về xử lý vi phạm TTATGT đồng loạt ra quân tập trung xử lý các vi phạm về nồng độ cồn, tốc độ, cơi nới thùng xe, chở quá tải, quá khổ... Ba là, công tác đầu tư, xây dựng phát triển KCHTGT và quản lý, khai thác KCHTGT tiếp tục được quan tâm, đặc biệt là các công tác tổ chức giao thông, bảo trì sửa chữa kết cấu hạ tầng, trong đó chú trọng tập trung xử lý các điểm đen, điểm tiềm ẩn TNGT; công tác quản lý vận tải tiếp tục được tăng cường. Bốn là, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về TTATGT tiếp tục được quan tâm và đẩy mạnh.

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác bảo đảm TTATGT trong năm 2022 vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: kỳ vọng liên tục kéo giảm TNGT qua các năm thì năm 2022 chưa đạt yêu cầu đề ra nếu so sánh với năm 2021. Còn xảy ra một số vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng, làm chết và bị thương nhiều người, gây bức xúc trong dư luận xã hội. Vi phạm về hành lang an toàn giao thông đường sắt chưa được xử lý kịp thời. Tình trạng xe ô tô tải không thực hiện nghiêm quy định về xếp hàng hoá lên phương tiện, khiến cho hàng hoá bị rơi xuống đường, gây mất an toàn giao thông. Tình trạng tụ tập, điều khiển xe thành đoàn, có dấu hiệu đua xe trái phép vẫn còn xảy ra tại một số địa phương. Vẫn xảy ra một số vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng do lái xe vi phạm nồng độ cồn gây ra. Mặc dù tình trạng ùn tắc giao thông trong các dịp cao điểm lễ, tết trên các tuyến cao tốc, các cửa ngõ ra, vào các tỉnh, thành phố lớn đã được cải thiện đáng kể sau khi triển khai thu phí không dừng trên toàn quốc, nhưng tình hình ùn tắc giao thông tại các đô thị lớn như Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh có xu hướng ngày càng gia tăng.

               Nguyên nhân khách quan: Do tình hình dịch COVID-19 trong năm 2021 diễn biến phức tạp, tại nhiều địa phương phải thực hiện giãn cách xã hội, từ đầu quý II năm 2022, dịch COVID-19 được kiểm soát, nhiều địa phương đã thực hiện kích cầu kinh tế, hoạt động thương mại, du lịch, vận tải sôi động hơn, dẫn đến số lượng phương tiện và người tham gia giao thông tăng cao, gần như trở lại trạng thái bình thường như trước thời điểm có dịch 2019, qua đó dẫn đến tình hình TTATGT trở lên phức tạp, TNGT tăng so với năm 2021. Ý thức chấp hành các quy định pháp luật về TTATGT của một bộ phận người tham gia giao thông, lái xe và chủ doanh nghiệp còn yếu kém. Nguồn lực dành cho công tác bảo đảm TTATGT vẫn còn hạn chế; mặc dù có nỗ lực nhưng năng lực kết cấu hạ tầng và vận tải công cộng tại các đô thị lớn, nhất là Hà Nội và TPHCM còn rất hạn chế so với nhu cầu đi lại.

               Nguyên nhân chủ quan: Công tác quản lý nhà nước trong các lĩnh vực liên quan tới bảo đảm TTATGT còn hạn chế, đặc biệt là công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm về quy định an toàn giao thông đối với các đơn vị kinh doanh vận tải đường bộ, đường thủy nội địa. Có nơi, có chỗ hiệu lực thực thi pháp luật về TTATGT còn hạn chế. Còn để xảy ra sai phạm nghiêm trọng tại một số trung tâm đăng kiểm. Cấp uỷ, chính quyền và lực lượng chức năng ở một số địa phương có nơi, có lúc còn chưa quyết liệt trong chỉ đạo và thực hiện nhiệm vụ bảo đảm TTATGT.

               Tại tỉnh Ninh Bình, dưới sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, công tác bảo đảm trật tự ATGT cơ bản đạt được những kết quả tốt. Tình hình tai nạn giao thông trên địa bàn tỉnh so với cùng kỳ năm 2021 tiếp tục giảm trên cả 3 tiêu chí số vụ, số người chết và số người bị thương; không xảy ra ùn tắc giao thông kéo dài; không xảy ra tình trạng đua xe trái phép. Công tác chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp về thực hiện các nhiệm vụ bảo đảm TTATGT được tăng cường trên cả 3 lĩnh vực đường bộ, đường sắt và đường thủy nội địa, đặc biệt là việc chỉ đạo tổ chức các đợt hoạt động cao điểm bảo đảm TTATGT tiếp tục được duy trì hiệu quả. Công tác tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao thông tiếp tục được thực hiện với nhiều hình thức đa dạng phong phú, việc huy động được các lực lượng, các tổ chức đoàn thể chính trị, các tổ chức xã hội tham gia thực hiện nhiệm vụ bảo đảm TTATGT đã góp phần nâng cao nhận thức của người tham gia giao thông và cộng đồng. Cụ thể, tình hình tai nạn giao thông năm 2022 toàn tỉnh xảy ra 105 vụ tai nạn giao thông, làm chết 35 người, bị thương 91 người. So với cùng kỳ năm 2021 giảm 24 vụ (-18,6)%; giảm 3 người chết (-7,89%); giảm 14 người bị thương (-13,33%).

               Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Nguyễn Văn Thắng, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban ATGT Quốc gia nhấn mạnh năm 2023, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự giám sát chặt chẽ, hiệu quả của Quốc hội và Hội đồng nhân dân, sự điều hành của Chính phủ, UBND các cấp và nỗ lực cao nhất của cả hệ thống chính trị, kinh tế - xã hội sẽ tiếp tục được phục hồi và tăng trưởng trở lại, hoạt động giao thông, vận tải sẽ tiếp tục sôi động, đòi hỏi sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị trong công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông.

               Do vậy, để tiếp tục thực hiện Chỉ thị 18 của Ban Bí thư, Nghị quyết của Chính phủ về bảo đảm TTATGT và chống ùn tắc giao thông; lồng ghép các mục tiêu và giải pháp trog Kế hoạch toàn cầu Thập kỷ hành động về ATGT đường bộ giai đoạn 2021-2030 của Liên hiệp quốc và Chiến lược quốc gia về bảo đảm TTATGT đường bộ, Ủy ban ATGT Quốc gia đã tổng hợp, xây dựng Kế hoạch Năm ATGT 2023 chủ đề “Thượng tôn pháp luật để xây dựng văn hóa giao thông an toàn” với 3 mục tiêu: Một là, nâng cao ý thức tự giác chấp hành pháp luật và xây dựng văn hóa giao thông an toàn. Hai là, tiếp tục giảm TNGT từ 5-10% cả về số vụ, số người chết và số người bị thương. Ba là, khắc phục tình trạng ùn tắc giao thông trên các trục giao thông chính, các đầu mối giao thông trọng điểm, tại các đô thị lớn và không để xảy ra ùn tắc giao thông khi kiểm soát dịch bệnh.

               Để thực hiện được mục tiêu trên, kế hoạch đã đề ra 08 nhóm nhiệm vụ trọng tâm như sau:

             Một là, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo, trước hết là tăng cường kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện Kết luận số 45-KL/TW ngày 01/2/2019 của Ban Bí thư về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 18 của Ban Bí thư khóa XI về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm TTATGT đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa và khắc phục ùn tắc giao thông. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả của Uỷ ban ATGT Quốc gia và Ban ATGT tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đáp ứng yêu cầu của tình hình mới.

               Hai là, xây dựng, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách pháp luật và các quy định liên quan đến công tác bảo đảm TTATGT nhằm áp dụng kịp thời các thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư vào thực tiễn.

               Ba là, bảo đảm tiến độ, chất lượng các dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông trọng điểm; tổ chức giao thông khoa học, hợp lý; bảo trì, sửa chữa kết cấu hạ tầng giao thông gắn với rà soát, xử lý dứt điểm các điểm đen, điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông; xóa bỏ lối đi tự mở trái phép qua đường sắt; ngăn ngừa, xử lý hoạt động lấn chiếm tuyến luồng hàng hải, đường thuỷ nội địa; bảo vệ an toàn tĩnh không đường tiếp cận và khu bay các cảng hàng không.

               Bốn là, nâng cao chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của phương tiện giao thông vận tải; hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật cho phương tiện, linh kiện, vật liệu và hạ tầng để tạo thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh và lưu hành đối với phương tiện thân thiện với môi trường.

               Năm là, tái cơ cấu vận tải, nâng cao thị phần vận tải đường sắt, đường thủy nội địa, hàng hải, hàng không, giảm dần phụ thuộc vào đường bộ; đẩy nhanh tiến độ đầu tư, phát triển hệ thống vận tải công cộng trong đô thị và liên tỉnh. Lồng ghép mục tiêu bảo đảm TTATGT vào các quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch vùng, tỉnh, quy hoạch sử dụng đất, xây dựng đô thị, nông thôn và các quy hoạch chuyên ngành về GTVT; quản lý chặt chẽ việc triển khai thực hiện các quy hoạch, xử lý nghiêm, dứt điểm các hành vi vi phạm.

               Sáu là, kiên trì xây dựng văn hoá giao thông an toàn. Đổi mới công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về bảo đảm TTATGT theo hướng lấy thay đổi hành vi làm tiêu chí đánh giá kết quả; đẩy mạnh tuyên truyền trên mạng xã hội và hạ tầng số.

               Bảy là, nâng cao năng lực, hiệu quả thực thi pháp luật về bảo đảm TTATGT và phòng, chống dịch bệnh trong giao thông vận tải; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin; xây dựng và đảm bảo khả năng kết nối, sử dụng chung các cơ sở dữ liệu giữa ngành GTVT, Công an, Y tế, Bảo hiểm và các cơ quan chức năng có liên quan trong thực thi pháp luật và chia sẻ phục vụ công tác xây dựng, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và nghiên cứu khoa học về bảo đảm TTATGT.

               Tám là, nâng cao năng lực cứu hộ, cứu nạn, cứu chữa nạn nhân và khắc phục hậu quả tai nạn giao thông; tập huấn kỹ năng sơ cứu tai nạn giao thông cho nhân viên y tế cơ sở, lực lượng thực thi pháp luật và người tham gia giao thông./.

VP Ban An toàn giao thông tỉnh

Ý kiến bạn đọc