Kết quả 5 năm thực hiện Chỉ thị số 23/CT-TTg ngày 05/7/2016 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường các giải pháp cấp bách bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường thủy trong tình hình mới

Thứ tư, 29/06/2022 Đã xem: 60 | Nhận xét: 0
  • Đánh giá cho bài viết:
  • 0 điểm ( 0 đánh giá )

         Sau 5 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 23/CT-TTg ngày 05/7/2016 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường các giải pháp cấp bách bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường thủy trong tình hình mới, UBND tỉnh Ninh Bình đã chỉ đạo các cấp, các ngành của tỉnh và chính quyền các địa phương tổ chức thực hiện quyết liệt, đồng bộ và hiệu quả công tác bảo đảm TTATGT giao thông đường thủy, kết quả như sau:

         Thứ nhất, công tác chỉ đạo, triển khai thực hiện về tăng cường các giải pháp cấp bách bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường thủy trong tình hình mới được quan tâm, chú trọng thực hiện: Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ,Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia,UBND tỉnh Ninh Bình đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo triển khai đồng bộ, có hiệu quả công tác bảo đảm TTATGT giao thông đường thủy trong đó, tập trung làm tốt công tác tuyên truyền, tăng cường công tác kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm về TTATGT đường thủy nội địa; giải quyết các vấn đề nổi lên, các nguy cơ gây mất ATGT trên đường thủy. Điển hình là:(công văn số 344/UBND-VP4 ngày 24/6/2019 về thực hiện các nhiệm vụ về quản lý bến thủy hoạt động chưa được cấp phép; công văn số 455/UBND-VP4 ngày 01/7/2020 về tăng cường thực hiện các biện pháp bảo đảm ATGT đường thủy nội địa; công văn số 408/UBND-VP4 ngày 02/6/2020về tăng cường bảo đảm ATGT, phòng ngừa tai nạn giao thông đường thủy đối với các phương tiện thủy thô sơ tại các bến hành khách, bến khách ngang sông). Các sở, ban, ngành liên quan và UBND huyện, thành phố, nòng cốt là lực lượng Công an đã xây dựng Kế hoạch, văn bản, đề ra các giải pháp, thành lập tổ công tác và phân công trách nhiệm cụ thể để tổ chức thực hiện nghiêm túc có hiệu quả trong công tác bảo đảm TTATGT đường thủy theo chức năng, nhiệm vụ và tình hình thực tiễn trên địa bàn.

         Thứ hai,công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về ATGT đường thủy nội địa đã được quan tâm đẩy mạnh với nhiều hình thức như: Trên các phương tiện thông tin đại chúng, thông qua các buổi họp dân phố, thôn, xóm; tổ chức cho nhân dânký cam kết chấp hành pháp luật về TTATGT, nhất là các hộ dân làm nghề sông nước, chủ đò ngang, chủ tàu thuyền, các chủ bến bãi, các bến cảng, cơ sở đóng tàu; treo pano áp phích, khẩu hiệu để tuyên truyền, xây dựng 313 tin bài, phóng sự phản ánh về tình hình, công tác bảo đảm TTATGT. Nội dung tuyên truyền tập trung phổ biến các quy định của pháp luật, quy tắc tham gia giao thông đường thủy; phản ánh những nguy cơ, hậu quả của các vụ TNGT đường thủy, kết quả xử lý vi phạm của lực lượng chức năng. Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức, ý thức tự giác chấp hành pháp luật cho nhân dân. Hàng năm Công an tỉnh tổ chức Lễ ra quân hưởng ứng tháng ATGT đã huy động sự vào cuộc của các ban ngành, đoàn thể, cơ quan, doanh nghiệp, quần chúng nhân dân tham gia công tác bảo đảmTTATGT nói chung và TTATGT đường thủy nội địa nói riêng. Sở Giao thông vận tải tổ chức hội nghị tuyên truyền về Luật giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa và Luật xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa cho cán bộ, nhân dân 10 xã thuộc huyện Yên Mô.

Tăng cường tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân tham gia phát hiện, tố giác, đấu tranh với các hành vi vi phạm pháp luật về ATGT đường thủy nội địa, bảo vệ các công tình, hành lang an toàn giao thông đường thủy.

         Thứ ba, chú trọng thực hiện công tác xây dựng văn hóa giao thông đường thủy nội địa: trong những năm qua UBND tỉnh Ninh Bình đã phát động các phong trào thực hiện văn hóa giao thông đường thủy nội địa như phát động phong trào thực hiện cuộc vận động bảo đảm TTATGT tại các bến cảng, bến thủy nội địa, các cụm dân cư sinh sống trên sông và ven sông; tổ chức lễ phát động “hãy mặc áo phao khi đi đò”; xây dựng 05 tổ tự quản “bến đò ngang an toàn” tại huyện Kim Sơn. Thực hiện cuộc vận động xây dựng phong trào “Văn hóa giao thông với bình yên sông nước” UBND tỉnh Ninh Bình đã chỉ đạo Công an tỉnh xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện một các nghiêm túc qua đó đã đạt được hiệu quả nhất định trong công tác bảo đảm TTATGT đường thủy nội địa. Cuộc vận động đã tạo thành nét văn hóa trong làm ăn, sinh sống, đi lại trên sông của người dân.Mỗi người dân, chủ đò, chủ phương tiện đường thủy là một thành viên trong việc tuyên truyền văn hóa giao thông với bình yên sông nước.

         Thứ tư, công tác phối hợp bảo đảm TTATGT đường thủy nội địa được quan tâm triển khai: các đơn vị liên quan đã tích cực phối hợp chặt chẽ với Cục Cảnh sát giao thông, Cục đường thủy nội địa Việt nam và Cục Đăng kiểm Việt Nam trong công tác kiểm tra xử lý tại các bến chở khách du lịch, bến chở khách ngang sông, các cơ sở đóng mới, hoán cải, sửa chữa, phục hồi phương tiện và kiểm tra các bến bốc xếp hàng hóa trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra công tác phối hợp giữa các ban ngành, đoàn thể trong tỉnh Ninh Bình luôn được quan tâm chỉ đạo như: Công an tỉnhđã phối hợp với Sở Giao thông vận tải ban hành Kế hoạch số 1042/KHLN-ĐTNĐ ngày 06/6/2021 tiến hành kiểm tra 08 bến chở khách du lịch, 29 bến khách ngang sông với tổng số 44 phương tiện, 10 bến bốc xếp vật liệu xây dựng. Qua kiểm tra đã phát hiện xử lý 02 bến khách ngang sông, 06 chủ bến thủy nội địa có hành vi vi phạm với tổng số tiền xử phạt 32.500.000 đồng.

         Thứ năm, tình hình tai nạn giao thông đường thủy giảm cả về số vụ, số người chết, số người bị thương; không xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông đường thủy nội địa; công tác xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường thủy nội địa được chú trọng: Các lực lượng chức năng, nòng cốt là lực lượng Công an đã tăng cường tuần tra kiểm soát bảo đảm ANTT và TTATGT trên các tuyến đường thủy nội địa, kết quả: đã phát hiện xử lý 2.963 trường hợp vi phạm, phạt tiền 1.643.000.000 đồng, tạm giữ 41 phương tiện thủy, tước quyền sử dụng Giấy chứng nhận khả năng chuyên môn thuyền trưởng 18 trường hợp. Phối hợp với Cục C08 Bộ Công an, Sở Giao thông vận tải tỉnh, chính quyền địa phương kiểm tra các cảng, bến khách ngang sông, bến thuyền du lịch, bãi tập kết vật liệu xây dựng, khoáng sản. Phát hiện, xử lý 60 trường hợp vi phạm, phạt tiền 280.260.000 đồng. Sở Giao thông vận tải: đã huy động lực lượng tuyên truyền vận động nhân dân tháo dỡ trên 100 điểm đặt đăng, đáy, buôn bán luồng, nứa vi phạm luồng và hành lang bảo vệ ảnh hưởng đến dòng chảy trên sông; đình chỉ các bến thủy không đủ điều kiện hoạt động.

         Có thể nói, sau 05 năm thực hiện Chỉ thị số 23/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ đã cho thấy được sự hiệu quả trong công tác bảo đảm TTATGT đường thủy nội địa, làm chuyển biến nhận thức và hành động của quần chúng nhân dân trong việc chấp hành pháp luật khi tham gia giao thông đường thủy, nâng cao ý thức vì cộng đồng của mỗi cá nhân, thay đổi hành vi và cách ứng xử khi có tai nạn hay sự cố xảy ra trên đường thủy, nâng cao tinh thần trách nhiệm của cán bộ, nhân viên và lực lượng chức năng quản lý nhà nước về TTATGT đường thủy nội địa. Công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật về giao thông đường thủy nội địa được thực hiện có hiệu quả, đã nâng cao ý thức trách nhiệm của mỗi cá nhân, cộng đồng và toàn xã hội đối với công tác bảo đảm TTATGT đường thủy nội địa qua đó góp phần kiềm chế và giảm tai nạn giao thông đường thủy nội địa trên cả 03 tiêu chí: số vụ, số người chết và số người bị thương.

         Để tiếp tục phát huy kết quả đạt được trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường thủy trong tình hình mới, cần tập trung triển khai một số nhiệm vụ, giải pháp sau đây:

          Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nghiêm túc các chủ trương, chỉ đạo của Chính phủ về công tác bảo đảm TTATGT đường thủy nội địa, theo tinh thần Chỉ thị số 23/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ;

         Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra xử lý các hành vi vi phạm về TTATGT đường thủy. Chỉ đạo các lực lượng làm tốt công tác nắm tình hình trên cơ sở đó xây dựng Phương án, Kế hoạch đấu tranh có hiệu quả với các loại tội phạm, hành vi vi phạm pháp luật trên các tuyến giao thông đường thủy;

         Tiếp tục nâng cao hiệu quả và chất lượng của công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về ATGT đường thủy nội địa, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của nguời tham gia giao thông; huy động sự vào cuộc của các cấp, các ngành, tổ chức, xã hội, quần chúng nhân dân trong việc thực hiện phong trào “văn hóa giao thông với bình yên sông nước”;

         Quản lý tốt hạ tầng giao thông đường thủy, chỉ đạo UBND các huyện, thành phố có tuyến đường thủy đi qua cần tập trung hướng dẫn nhân dân thực hiện tốt các quy định về vệ sinh môi trường dọc các tuyến sông, đảm bảo văn minh, văn hóa, góp phần củng cố, duy trì công tác bảo đảm TTATGT đường thủy được lâu dài, phấn đấu không để xảy ra tai nạn giao thông đường thủy./.

VP Ban ATGT tỉnh

Ý kiến bạn đọc