Triển khai Kế hoạch Năm An toàn giao thông 2023 với Chủ đề “Thượng tôn pháp luật để xây dựng văn hóa giao thông an toàn”

Thứ sáu, 10/03/2023 Đã xem: 500 | Nhận xét: 0
  • Đánh giá cho bài viết:
  • 0 điểm ( 0 đánh giá )

Thực hiện Kế hoạch số 506/KH-UBATGTQG ngày 29/12/2022 của Uỷ ban An toàn giao thông Quốc gia về thực hiện Năm an toàn giao thông 2023, Ban An toàn giao thông tỉnh ban hành Kế hoạch về triển khai thực hiện Năm an toàn giao thông 2023 trên địa bàn tỉnh Ninh Bình với chủ đề “Thượng tôn pháp luật để xây dựng văn hóa giao thông an toàn”.

Kế hoạch đề ra mục đích nhằm nâng cao ý thức tự giác chấp hành pháp luật và xây dựng văn hóa giao thông an toàn; hàng năm giảm tai nạn giao thông từ 5 - 10% cả về số vụ, số người chết, số người bị thương; khắc phục tình trạng ùn tắc giao thông trên các trục giao thông chính, các đầu mối giao thông trọng điểm, tại các đô thị và không để xảy ra ùn tắc giao thông kéo dài.

Nhằm đặt được các mục tiêu, nhiệm vụ yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ chủ động chỉ đạo và tổ chức triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp từ tỉnh đến các huyện, thành phố và cấp cơ sở ngay từ tháng đầu, quý đầu và cả năm 2023. Các cơ quan có lãnh đạo là thành viên Ban An toàn giao thông tỉnh, Ban An toàn giao thông các huyện, thành phố xây dựng kế hoạch triển khai cụ thể từng nhiệm vụ, từng hoạt động, phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương, cơ quan, đơn vị, đảm bảo tiết kiệm, tránh hình thức. Phổ biến, quán triệt nhiệm vụ đến từng cán bộ, công chức, viên chức và  người lao động từng bước xây dựng văn hóa giao thông an toàn; gắn trách nhiệm của cá nhân người đứng đầu với kết quả thực hiện nhiệm vụ bảo đảm trật tự an toàn giao thông trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền của các cơ quan, đơn vị thực thi công vụ. Tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ trong công tác bảo đảm TTATGT, trước hết là chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin và khoa học dữ liệu trong quản lý điều hành vận tải; điều khiển giao thông; tuyên truyền an toàn giao thông; giám sát, phát hiện và xử lý vi phạm về trật tự an toàn giao thông.

Các công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông năm 2023 được tập trung trọng tâm vào 09 nhiệm vụ như sau:

1. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo, trước hết là tăng cường kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện Kết luận số 45-KL/TW ngày 01/2/2019 của Ban Bí thư về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 18 của Ban Bí thư khóa XI về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm TTATGT đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa và khắc phục ùn tắc giao thông. Tiếp tục tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 48/NQ-CP ngày 05/4/2022 của Chính phủ về tăng cường thực hiện các giải pháp trọng tâm bảo đảm TTATGT; Chỉ thị số 12/CT- TTg ngày 02/6/2015 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường các giải pháp cấp bách bảo đảm TTATGT trong hoạt động kinh doanh vận tải hành khách bằng ô tô và công tác bảo đảm TTATGT đường sắt; Chỉ thị số 23/CT- TTg ngày 05/7/2016 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường các giải pháp cấp bách bảo đảm TTATGT đường thuỷ nội địa trong tình hình mới; Chỉ thị số 29/CT- TTg ngày 05/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ về xử lý phương tiện giao thông đường bộ hết niên hạn sử dụng, quá hạn kiểm định; Chỉ thị số 32/CT- TTg ngày 25/11/2016 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác kiểm soát tải trọng phương tiện giao thông; Chỉ thị số 33/CT-TTg ngày 21/7/2017 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác quản lý, lập lại trật tự hành lang an toàn đường bộ, đường sắt; Chỉ thị số 04/CT-TTg ngày 19/01/2018 về việc đẩy mạnh triển khai các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả thực hiện quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm đối với người đi mô tô, xe gắn máy, xe đạp điện; Chỉ thị số 24/CT- TTg ngày 23/8/2018 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường thực hiện các giải pháp cấp bách bảo đảm trật tự ATGT trong hoạt động vận tải đường bộ.

2. Xây dựng, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách pháp luật và các quy định liên quan đến công tác bảo đảm trật tự ATGT, nhằm áp dụng kịp thời, hiệu quả các thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư vào thực tiễn; lồng ghép mục tiêu bảo đảm trật tự ATGT vào các quy hoạch sử dụng đất, xây dựng đô thị, nông thôn và các quy hoạch chuyên ngành về giao thông vận tải.

3. Bảo đảm tiến độ chất lượng các dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông trọng điểm; tổ chức giao thông khoa học, hợp lý; bảo trì, sửa chữa kết cấu hạ tầng giao thông gắn với rà soát, xử lý dứt điểm các điểm đen, điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông; xóa bỏ lối đi tự mở trái phép qua đường sắt; ngăn ngừa, xử lý hoạt động lấn chiếm tuyến luồng đường thủy nội địa.

4. Nâng cao chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của phương tiện giao thông vận tải; hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật cho phương tiện, linh kiện, vật liệu và hạ tầng để tạo thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh và lưu hành đối với phương tiện, thân thiện với môi trường.

5. Tái cơ cấu vận tải, nâng cao thị phần vận tải đường sắt, đường thủy nội địa, hàng hải, hàng không, giảm dần phụ thuộc vào đường bộ; đẩy nhanh tiến độ phát triển hệ thống vận tải công cộng trong đô thị và liên tỉnh.

 6. Kiên trì xây dựng văn hóa giao thông an toàn đối với tổ chức, cá nhân trong quá trình xây dựng thực thi pháp luật, cung ứng kết cấu hạ tầng giao thông, phương tiện, dịch vụ vận tải và tham gia giao thông; đổi mới công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về TTATGT theo hướng lấy thay đổi hành vi làm tiêu chí đánh giá kết quả; đẩy mạnh tuyên truyền trên mạng xã hội và hạ tầng số; vận động hướng dẫn việc lồng ghép mục tiêu bảo TTATGT vào chương trình, kế hoạch và hoạt động của cơ quan, đơn vị, nhà trường, doanh nghiệp vận tải.

7. Tiếp tục nâng cao năng lực, hiệu quả thực thi pháp luật về bảo đảm TTATGT, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm về bảo đảm TTATGT, đẩy mạnh việc khai thác, sử dụng hệ thống xử lý dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình để phục vụ công tác quản lý vận tải; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, bảo đảm khả năng kết nối sử dụng chung các cơ sở dữ liệu giữa ngành Giao thông vận tải, Công an, Y tế, Tài chính.

8. Nâng cao năng lực cứu hộ, cứu nạn, cứu chữa nạn nhân và khắc phục hậu quả tai nạn giao thông; cải thiện năng lực sơ cứu tai nạn giao thông cho nhân viên y tế thôn, bản, trạm y tế; nâng cao năng lực chuyen môn cho, phương tiện, trang thiết bị cho bệnh viện và trung tâm y tế tuyến huyện bảo đảm khả năng tiếp cận hiện trường và cứu chữa đa số thương tích cho nạn nhân tai nạn giao thông; khẩn trương xây dựng ứng dụng báo thông tin tai nạn giao thông trên nền kỹ thuật số nhằm kịp thời nắm bắt thông tin để xử lý và khắc phục hậu quả của tai nạn giao thông.

9. Tăng cường thực hiện các giải pháp đồng bộ để phòng chống ùn tắc giao thông tại các đô thị trung tâm, các tuyến đường có lưu lượng phương tiện tham gia giao thông lớn, đặc biệt là trong dịp Tết và mùa Lễ hội năm 2023./.

VP Ban An toàn giao thông tỉnh!

Ý kiến bạn đọc