Thực hiện Văn bản số 227/TTg-CN ngày 27/02/2025 của Thủ tướng Chính phủ về việc bảo đảm trật tự, an toàn giao thông năm 2025, Ban An toàn giao thông tỉnh Ninh Bình đã ban hành Văn bản số 31/BATGT ngày 21 tháng 4 năm 2025đề nghị các đơn vị, địa phương căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao chỉ đạo triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm trong công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông năm năm 2025, các nội dung cụ thể như sau:
Bám sát các quy định của Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ và Luật Đường bộ, các Chỉ thị của Đảng, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông để xây dựng kế hoạch bảo đảm trật tự, an toàn giao thông của đơn vị, địa phương theo quy định.
Tiếp tục thực hiện nghiêm các quy định của Nghị định số 168/2024/NĐ-CP, Nghị định số 151/2024/NĐ-CP và các quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan để hình thành thói quen chấp hành pháp luật về giao thông đường bộ, lập lại trật tự kỷ cương trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, xác định mục tiêu cao nhất là giảm thiệt hại tính mạng, sức khỏe và tài sản cho Nhân dân, xác định an ninh, an toàn của người dân phải được đặt lên hàng đầu; lực lượng Công an là nòng cốt, tham mưu cho các cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp tăng cường tuyên truyền các quy định của Nghị định số 168/2024/NĐ-CP để người dân biết, chấp hành, ủng hộ hoạt động của các cơ quan chức năng.
Nắm chắc diễn biến thực tế và có giải pháp xử lý các tồn tại, vướng mắc bất cập đối với người dân, doanh nghiệp trong quá trình triển khai thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về trật tự, an toàn giao thông; theo dõi, đôn đốc, sơ kết, tổng kết các Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông được giao và đề xuất hướng thực hiện trong thời gian tiếp theo.
Khi xảy ra tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng, các cơ quan chức năng và địa phương có liên quan báo cáo nhanh về Ban ATGT tỉnh về nguyên nhân ban đầu, tình hình cứu hộ, cứu nạn và khắc phục hậu quả của vụ tai nạn; đồng thời đề xuất nội dung để chỉ đạo tiếp tục công tác thăm hỏi, động viên, cứu chữa người bị nạn và khắc phục hậu quả của vụ tai nạn. Bên cạnh việc xác định hành vi là nguyên nhân trực tiếp và xử lý trách nhiệm của cá nhân/tổ chức có liên quan đến các vụ tai nạn giao thông, cần phân tích các nguyên nhân gián tiếp, nguyên nhân gốc (đặc biệt là rà soát các bất cập về quy định pháp luật) dẫn tới tai nạn giao thông để phòng ngừa các vụ tai nạn giao thông tương tự trong thời gian tới.
Tiếp tục kiên trì, đồng bộ thực hiện các giải pháp bảo đảm an toàn giao thông cho trẻ em học sinh, trong đó có các chuyên đề về phát hiện, xử lý các vi phạm về trật tự, an toàn giao thông của trẻ em lứa tuổi học sinh, giáo dục an toàn giao thông cho trẻ em học sinh; không giao xe cho trẻ em chưa đủ điều kiện; các quy định, hướng dẫn quy trình đưa, đón trẻ và quy trình quản lý học sinh các cấp nhằm nâng cao an toàn giao thông cho lứa tuổi học sinh.
Tăng cường các giải pháp quản lý an toàn giao thông, quản lý lái xe tại các đơn vị kinh doanh vận tải, trong đó có việc chia sẻ thông tin trong quản lý khám sức khỏe lái xe, quản lý tình trạng lái xe sử dụng ma túy, làm rõ trách nhiệm của doanh nghiệp vận tải trong thực hiện các quy định về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông và trách nhiệm của doanh nghiệp khi xảy ra tai nạn giao thông; thực hiện theo thẩm quyền việc đặt biển báo tốc độ khai thác tối đa đối với phương tiện giao thông đường bộ trên địa bàn để bảo đảm xe bốn bánh có gắn động cơ hoạt động thuận lợi, giữ gìn an ninh trật tự và an toàn giao thông theo đúng quy định của pháp luật.
Tiếp tục thực hiện xuyên suốt các chuyên đề tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm để kéo giảm các hành vi có nguy cơ cao dẫn tới tai nạn giao thông và gây hậu quả lớn khi có tai nạn giao thông (sử dụng ma túy, rượu bia hoặc các chất cấm khi điều khiển phương tiện, vi phạm quy định tốc độ, không chấp hành hiệu lệnh tín hiệu đèn giao thông, đi ngược chiều đường, không đội mũ bảo hiểm khi ngồi trên mô tô xe máy, không thắt dây an toàn trên xe ô tô, sử dụng điện thoại khi lái xe, chở quá tải trọng....); kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ theo đúng quy định của Nghị định số 168/2024/NĐ-CP và các quy định có liên quan.
Khẩn trương rà soát, hoàn thiện yêu cầu phát triển kết cấu hạ tầng giao thông theo thẩm quyền, trong đó tập trung rà soát, khắc phục, tổ chức các hệ thống báo hiệu đường bộ hợp lý, cắm bổ sung biển báo hướng dẫn, kẻ vạch phân chia làn đường, phần đường..., sửa chữa, khắc phục hệ thống đèn tín hiệu giao thông, khôi phục hoặc mở rộng hệ thống đồng hồ đếm ngược tín hiệu đèn; bảo đảm trật tự đô thị, xử lý lấn chiếm lòng đường, lề đường, trông giữ xe trái phép gây cản trở, ùn tắc giao thông.
Kiên trì tuyên truyền để thay đổi nhận thức và hành vi tham gia giao thông, xây dựng văn hóa giao thông an toàn; đổi mới cách thức và nâng cao hiệu quả truyền thông về trật tự, an toàn giao thông; tập trung thực hiện tốt công tác tuyên truyền, định hướng cho các cơ quan báo chí đẩy mạnh tuyên truyền tích cực, hiệu quả của Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ và Nghị định số 168/2024/NĐ-CP đối với xây dựng kỷ cương, nền nếp trong hoạt động giao thông vận tải đường bộ./.
Văn phòng Ban an toàn giao thông tỉnh Ninh Bình
Lê Loan