Giới trẻ vi phạm và gây ra nhiều vụ TNGT: Cần xử lý từ gốc!

Thứ hai, 09/07/2018 Đã xem: 327 | Nhận xét: 0
  • Đánh giá cho bài viết:
  • 0 điểm ( 0 đánh giá )

Thanh niên là lực lượng xung kích bảo đảm trật tự an toàn giao thông (TTATGT), nhưng theo đánh giá của cơ quan chức năng, thanh niên cũng chính là đối tượng vi phạm và gây tai nạn giao thông (TNGT) nhiều nhất (chiếm 70% tổng số vụ tai nạn). Tại sao có nghịch lý này và giải quyết vấn đề này như thế nào chính là mối quan tâm của tổ chức Đoàn trong thời gian qua.

Phó Bí thư Thành đoàn Hà Nội Nguyễn Khánh Bình cho biết, từ đầu năm 2013 đến nay, Thành đoàn đã phối hợp cùng lực lượng Cảnh sát giao thông (CSGT) xây dựng và duy trì 100 đội hình thanh niên tình nguyện. Mỗi đội có 10-15 tình nguyện viên là sinh viên, đoàn viên, thanh niên trên địa bàn dân cư cắm chốt tại các nút giao thông và cổng trường học. Các đội trực tiếp phối hợp với CSGT và các lực lượng chức năng hướng dẫn, giữ gìn TTATGT, cứu hộ TNGT vào giờ cao điểm. Đồng thời, Thành đoàn chỉ đạo duy trì hiệu quả 118 đội hình thanh niên tình nguyện giữ TTATGT tại 100% cổng trường trung học phổ thông, cao đẳng và nhiều đội hình tình nguyện về ATGT tại các xã, phường, thị trấn… 

Song song với đó, các cấp bộ Đoàn đẩy mạnh tuyên truyền ATGT trong trường học với nhiều hình thức sáng tạo, phong phú. Tiêu biểu như, Trường THPT Hồ Xuân Hương (quận Thanh Xuân) đã tổ chức cho học sinh ký cam kết thực hiện ATGT; gặp mặt phụ huynh vào đầu năm để cùng thống nhất cách giáo dục học sinh; phân công giáo viên, cán bộ đoàn đi kiểm tra, quay phim, chụp ảnh học sinh vi phạm và xử lý nghiêm. Cán bộ đoàn Trường THPT Phan Huy Chú (quận Đống Đa) Hoàng Trung Thuấn cho biết, trường đã xây dựng các chương trình kỹ năng sống, tổ chức hoạt động ngoại khóa dưới hình thức sân khấu hóa để tuyên truyền, xây dựng ý thức sống đẹp trong học sinh. Tổ chức Đoàn còn tìm hiểu những nguyên nhân dẫn đến vi phạm ATGT của thanh niên từ nhiều kênh thông tin để phụ huynh và học sinh nhận xét và đưa ra giải pháp. Hằng ngày, trường cập nhật thông tin và xử lý các trường hợp học sinh vi phạm… Cách làm này đã làm giảm 70% số học sinh vi phạm ATGT.

Đặc biệt, đẩy mạnh vai trò xung kích của thanh niên trong việc giữ TTATGT, cuối tháng 10 vừa qua Thành đoàn tổ chức Ngày hội đoàn viên, thanh niên với văn hóa giao thông, tọa đàm ATGT dưới góc nhìn người trẻ với nhiều tiểu phẩm, ý kiến của hàng trăm đoàn viên, thanh niên về Luật Giao thông đường bộ, văn hóa ứng xử khi tham gia giao thông, hậu quả vi phạm TTATGT… Các hoạt động trên đã có tác dụng giáo dục, động viên tuổi trẻ Thủ đô, tuyên truyền đến đông đảo nhân dân có ý thức chấp hành các quy định, xây dựng nét đẹp trong văn hóa ứng xử khi tham gia giao thông.

Bên cạnh những hoạt động bề nổi, hiện nay các cấp bộ Đoàn đang nỗ lực tìm giải pháp căn cơ cho vấn đề bảo đảm ATGT trong đoàn viên, thanh niên. Tại nhiều hội thảo, tọa đàm gần đây, hầu hết ý kiến cho rằng, để Đoàn viên, thanh niên thực hiện tốt ATGT cần xây dựng được văn hóa ứng xử chuẩn mực trong đoàn viên, thanh niên với giao thông. Từ đó, nhân rộng gương tiêu biểu để tạo sức lan tỏa, làm cho văn hóa giao thông "thấm" sâu vào nhận thức, thay đổi hành vi của giới trẻ, tôn trọng luật lệ khi tham gia giao thông. 

Về giải pháp tổng thể, đại diện Trường Tiểu học Chương Dương (quận Hoàn Kiếm) đề xuất, cần xây dựng chương trình giáo dục về ATGT ngay từ cấp tiểu học. Bên cạnh lý thuyết, cần chú trọng phần thực hành, cho các em xem những hình ảnh về lỗi vi phạm của người tham gia giao thông và hậu quả các vụ tai nạn. Cách này có tác động mạnh hơn là tuyên truyền "chay" bằng sách vở. Anh Bùi Thế Cường, Trường THCS Tứ Liên (quận Tây Hồ) kiến nghị, hiện nay việc tuyên truyền về ATGT cho học sinh, đoàn viên, thanh niên được thực hiện rải rác, hời hợt, chưa có chiều sâu nên hiệu quả hạn chế. Do đó, cần có chương trình giáo dục về ATGT xuyên suốt 3 cấp học. Tổng phụ trách Trường THCS Vạn Phúc Ngô Hồng Vân phân tích, lâu nay các phương tiện thông tin mới chỉ tuyên truyền xoay quanh việc người tham gia giao thông cần có ý thức về pháp luật và văn hóa giao thông là chưa đủ. Vì vậy, cần tuyên truyền tạo thói quen sử dụng phương tiện giao thông công cộng nhằm hạn chế mật độ phương tiện tham gia giao thông.

Thực tế cho thấy, dù Bộ Giáo dục - Đào tạo đã quy định cấm học sinh đi xe máy đến trường, nhưng hiện tượng học sinh vi phạm quy định này diễn ra rất phổ biến. Đáng nói, hầu hết số học sinh đi xe máy không có bằng lái xe cũng có nghĩa là các em chưa được học Luật Giao thông đường bộ một cách đầy đủ. Bên cạnh đó, theo thống kê của cơ quan chức năng, trên 70% số vụ TNGT do người có độ tuổi từ 16 - 35 gây ra. Rõ ràng, tình hình mất TTATGT trong giới trẻ đang ở mức báo động. Trong khi đó, những giải pháp tổ chức Đoàn đã và đang triển khai đối với đoàn viên, thanh niên mới chỉ là giải pháp tình thế, giải quyết được phần "ngọn". Để giải quyết tận "gốc" của vấn đề đòi hỏi tổ chức Đoàn phải cố gắng hơn nữa. Điều quan trọng hơn, rất cần sự vào cuộc tích cực của cơ quan chức năng, các cấp, ngành với những chế tài đủ mạnh để ngăn chặn vi phạm ATGT trong giới trẻ nói riêng và toàn xã hội nói chung.

i

Nguồn: Báo Hà Nội mới

Ý kiến bạn đọc