Ngày 17/5/2017, Đoàn công tác của Ủy Ban ATGT quốc gia đã có cuộc làm việc với Ban ATGT tỉnh về nội dung kiểm tra kết quả triển khai thực hiện các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh Ninh Bình. Đoàn công tác do đồng chí Trương Thị Ngọc Ánh, Phó chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ủy viên Ủy ban ATGT Quốc gia làm Trưởng đoàn.
Các đại biểu dự hội nghị.
Cùng dự có đồng chí lãnh đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Cục Cảnh sát giao thông, Cục Đăng kiểm Việt Nam, Cục Đường sắt Việt Nam, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam, Văn phòng Uỷ ban ATGT quốc gia. Về phía tỉnh Ninh Bình, tiếp và làm việc với Đoàn có đồng chí Nguyễn Ngọc Thạch, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó trưởng ban thường trực Ban ATGT tỉnh, đồng chí Lê Trọng Thành, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Giao thông vận tải, Phó trưởng ban Ban ATGT tỉnh cùng lãnh đạo một số Sở, ngành của tỉnh
Thay mặt Ban ATGT tỉnh, đồng chí Lê Trọng Thành, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở GTVT, Phó trưởng ban ATGT tỉnh, đã báo cáo công tác chỉ đạo điều hành, kết quả triển khai thực hiện các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về công tác bảo đảm TTATGT trên địa bàn tỉnh.
Về công tác bảo đảm TTATGT trong hoạt động kinh doanh vận tải hành khách bằng ô tô
Trên địa bàn tỉnh hiện nay hiện có 8 bến xe khách, 150 tuyến vận tải khách cố định (trong đó có 149 tuyến liên tỉnh và 1 tuyến nội tỉnh). Toàn tỉnh có 56 doanh nghiệp vận tải hành khách (trong đó có 11 đơn vị taxi với 822 xe, 30 đơn vị xe hợp đồng với 350 xe, 15 đơn vị tuyến cố định với 291 xe); xe buýt nội tỉnh hiện có 7 tuyến với 53 phương tiện. Sở GTVT đã chỉ đạo đẩy mạnh khai thác dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình của xe ô tô; theo dõi, giám sát chặt chẽ phương tiện kinh doanh vận tải thông qua phần mềm quản lý dữ liệu giám sát hành trình của Tổng Cục đường bộ Việt Nam; xây dựng và thực hiện đảm bảo quy hoạch về bến xe, tuyến vận tải khách trên địa bàn tỉnh Ninh Bình. Công tác cấp phép mở tuyến xe khách được thực hiện đúng theo quy định của nhà nước. Các tuyến xe khách liên tỉnh và tuyến xe khách nội tỉnh cơ bản phương tiện đảm bảo chất lượng, an toàn phục vụ tốt và đáp ứng được nhu cầu đi lại của nhân dân. Không để xảy ra TNGT đối với xe khách trên địa bàn tỉnh trong nhiều năm liền.
Về công tác bảo đảm TTATGT đường sắt
Việc triển khai thực hiện quy chế phối hợp bảo đảm TTATGT đường sắt tiếp tục được quan tâm chỉ đạo đạt được kết quả tốt, tạo được sự đồng thuận trong nhân dân. Tình hình TNGT đường sắt tiếp tục được kiềm chế. Không để phát sinh thêm đường ngang trái phép. Nhiều giải pháp cụ thể bảo đảm TTATGT tại các đường ngang đã được ngành được sắt và chính quyền địa phương phối hợp giải quyết kịp thời, hiệu quả như xây dựng chốt gác, giải toả hành lang ATGT, điều chỉnh bổ sung biển báo...
Về công tác bảo đảm TTATGT đường thuỷ nội địa
Trên địa bàn tỉnh Ninh Bình hiện nay có 4 sông do TW quản lý với tổng chiều dài 155,5km, sông do địa phương quản lý gồm 12 sông với tổng chiều dài 143,3km. Toàn tỉnh có 34 bến đò ngang (24 bến đã cấp phép), 10 bến du lịch có hoạt động chở khách bằng thuyền, 14 cảng thuỷ nội địa, 84 bến hàng hoá (16 bến đã cấp phép). Phương tiện chở hàng hoá trên đường thuỷ có 1.306 chiếc (trong đó: tàu tự hành 899 chiếc; sà lan 291 chiếc; tàu kéo đẩy 116 chiếc). Phương tiện chở khách ngang sông có 26 chiếc. Phương tiện chở khách du lịch có 2.426 chiếc.
Các tuyến giao thông đường thuỷ nội địa trên địa bàn tỉnh có hệ thống phao tiêu, biển báo hiệu tương đối đầy đủ và không có chướng ngại vật làm ảnh hưởng đến các hoạt động của các phương tiện thuỷ. Các bến khách ngang sông và các khu, điểm du lịch có hoạt động vận chuyển bằng thuyền đã được đổ bê tông xi măng và đá cấp phối đảm bảo cho khách lên xuống thuận lợi an toàn. Các phương tiện chở khách trên đường thuỷ được trang bị điều kiện an toàn, thân đò chắc chắn, có đăng ký, đăng kiểm theo quy định, đa số thuyền du lịch được làm bằng tôn chắc chắn, nhiều thuyền tôn được ép xốp ở 2 phần mũi và mạn thuyền đảm bảo không bị chìm, trên các thuyền được trang bị phao cứu sinh theo quy định.
Về công tác quản lý, xử lý phương tiện giao thông đường bộ hết niên hạn sử dụng, quá hạn kiểm định
Công tác kiểm tra rà soát công bố danh sách phương tiện giao thông đường bộ hết niên hạn sử dụng, quá hạn kiểm định trên địa bàn tỉnh đã được được thực hiện theo đúng yêu cầu đề ra. Công tác đăng kiểm phương tiện tiếp tục được thực hiện đảm bảo quy định hiện hành, thông qua công tác kiểm định đã loại bỏ không cấp phép lưu hành đối với hàng trăm lượt phương tiện không đủ tiêu chuẩn tham gia giao thông. Lực lượng chức năng của tỉnh đã tăng cường công tác TTKS và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật, nhiều phương tiện hết niên hạn sử dụng đã được cơ quan chức năng thu hồi và tiêu huỷ theo quy định.
Về công tác kiểm soát tải trọng phương tiện giao thông
Công an tỉnh, Sở GTVT đã chỉ đạo các lực lượng chức năng duy trì hoạt động của Trạm kiểm tra tải trọng xe lưu động trên các tuyến giao thông trọng điểm theo quy định, đồng thời tổ chức sử dụng thêm các cân điện tử xách tay tăng cường kiểm tra xử lý các vi phạm ở các mỏ, cảng, điểm bốc xếp hàng hóa trên địa bàn, công tác kiểm soát đã đạt được kết quả tốt, tình trạng xe quá tải được kiềm chế, ngăn chặn. Bên cạnh đó các lực lượng liên ngành đã phối hợp với các đơn vị chức năng của Bộ GTVT tăng cường về địa phương để tổ chức ký cam kết không vi phạm đối với các tổ chức và cá nhân có phương tiện, đồng thời kiểm tra và xử lý ngay đối với các phương tiện vi phạm về kích thước thành thùng xe theo quy định.
Trong năm 2016, các lực lượng thanh tra giao thông và cảnh sát giao thông đã kiểm tra hàng nghìn lượt phương tiện ô tô vận tải hàng hoá trên đường bộ, xử lý gần 1.100 trường hợp vi phạm, phạt tiền trên 9 tỷ đồng.
Từ khi có Chỉ thị 32 về tăng cường công tác kiểm soát tải trọng xe (tháng 11/2016) đến tháng 4/2017, các lực lượng chức năng đã kiểm tra xử lý các trường hợp vi phạm về tải trọng, trong đó Lực lượng Công an đã kiểm tra xử lý 619 trường hợp vi phạm, phạt tiền 6,4 tỷ đồng; Thanh tra giao thông đã kiểm tra xử lý 214 trường hợp vi phạm, phạt tiền trên 1 tỷ đồng.
Tại buổi làm việc, các sở, ngành, đơn vị có liên quan của tỉnh cũng đã nêu ra một số khó khăn, vướng mắc khi thực hiện các chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ đối với công tác đảm bảo TTATGT trên địa bàn tỉnh như: việc duy trì hoạt động của các chốt gác tại đường ngang qua đường sắt còn khó khăn về kinh phí; không có nơi neo đậu lưu giữ phương tiện thủy vi phạm; một số bến thủy nội địa chưa được cấp phép theo đúng quy định, có phương tiện hết niên hạn sử dụng, hết hạn đăng kiểm vẫn lén lút hoạt động, gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông; lực lượng làm công tác quản lý giao thông mỏng, thiếu trang thiết bị phục vụ cho công việc được giao… Các đại biểu đề nghị các bộ, ngành Trung ương có giải pháp giúp đỡ để tỉnh thực hiện tốt hơn công tác đảm bảo TTATGT trong thời gian tới.
Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí đồng chí Trương Thị Ngọc Ánh, Phó chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ủy viên Ủy ban ATGT Quốc gia ghi nhận những kết quả đã đạt được của tỉnh trong công tác đảm bảo trật tự ATGT trong thời gian qua. Tuy nhiên, đồng chí cũng nhắc nhở tỉnh cần phải nỗ lực hơn nữa để giảm sâu hơn nữa về số người bị chết, bị thương và số vụ tai nạn giao thông trên địa bàn tỉnh. Đồng chí đề nghị tỉnh Ninh Bình trong thời gian tới tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến và giáo dục pháp luật ATGT, nhất là ở vùng nông thôn, cần có những biện pháp cụ thể, kịp thời trong các dịp trọng điểm như các dịp lễ, tết,…. Thực hiện tốt công tác quản lý và giảm thiểu các điểm đen về ATGT, xóa bỏ các đường ngang dân sinh. Thực hiện tốt hơn việc quy hoạch phát triển các bến thủy nội địa. Làm tốt việc rà soát thu hồi xe hết niên hạn sử dụng và thực hiện nghiêm túc công tác đăng ký, đăng kiểm, đào tạo sát hạch cấp giấy phép lái xe, chứng chỉ đào tạo cho người lái đò làm tốt công tác phối kết hợp giữa các cấp, các ngành đối với công tác đảm bảo TTATGT
Văn phòng Ban ATGT tỉnh Ninh Bình