Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác đảm bảo trất trật tự an toàn giaop thông năm 2017 và triển khai nhiệm vụ năm 2018

Thứ ba, 11/09/2018 Đã xem: 351 | Nhận xét: 0
  • Đánh giá cho bài viết:
  • 0 điểm ( 0 đánh giá )

Ngày 03/01/2018, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia tổ chức hội nghị trực tuyến tổng kết công tác đảm bảo trật tự, an toàn giao thông năm 2017 và triển khai nhiệm vụ năm 2018

 

Đồng chí Đinh Chung Phụng, UVBTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh dự và chỉ đạo hội nghị)

 

Đồng chí Trương Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia chủ trì hội nghị. Tại điểm cầu Ninh Bình, dự hội nghị có đồng chí Đinh Chung Phụng, UVBTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, đồng chí Đinh Hoàng Dũng, UVBTV Tỉnh ủy, Giám đốc Công an tỉnh; đồng chí Lê Trọng Thành, TUV, Giám đốc Sở Giao thông vận tải, Phó Trưởng ban ATGT tỉnh cùng các đồng chí Ủy viên Ban ATGT tỉnh.

Hội nghị đã nghe đồng chí Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia trình bày báo cáo công tác đảm bảo TTATGT năm 2017. Theo đó, trong năm 2017 với sự quan tâm chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, các ngành, các cấp, đặc biệt là sự vào cuộc quyết liệt của Bộ Công an, Bộ Giao thông vận tải,... tình hình TTATGT trên địa bàn cả nước tiếp tục có chuyển biến tích cực, giao thông trong các đô thị lớn và trên các quốc lộ trọng điểm tiếp tục được duy trì ổn định; TNGT được kiềm chế, giảm cả số vụ, số người chết và số người bị thương. Điều đó thể hiện quyết tâm và nỗ lực rất lớn của cả hệ thống chính trị trong việc thực hiện quyết liệt các giải pháp trong kế hoạch năm ATGT 2017 với chủ đề “Xây dựng văn hoá giao thông trong thanh, thiếu niên” với mục tiêu “Tính mạng con người là trên hết”.

Cụ thể, trong năm 2017, Toàn quốc xảy ra 20.080 vụ tai nạn giao thông (TNGT), làm chết 8.279 người, bị thương 17.040 người. So với năm 2016, TNGT giảm cả về số vụ, số người chết và số người bị thương. Cụ thể, số vụ TNGT giảm 1.509 vụ (giảm 6,99%), số người chết giảm 406 người (giảm 4,67%), số người bị thương giảm 2.240 người (giảm 11,62%). Trong đó nhiều địa phương giảm trên 10% số người chết là: Bình Định, Bắc Kạn, Bạc Liêu, Cà Mau, Cao Bằng, Đà Nẵng, Đồng Nai, Hà Giang, Hà Tĩnh, Kiên Giang, Lào Cai, Ninh Thuận, Quảng Ninh, Sơn La, TP. Hồ Chí Minh và Trà Vinh. Tuy nhiên có 04 địa phương tăng cả 03 tiêu chí là: Cần Thơ, Hậu Giang, Lai Châu và Tuyên Quang; 15 địa phương tăng số người chết là An Giang, Bến Tre, Cần Thơ, Đăk Lăk, Hải Phòng, Hậu Giang, Hưng Yên, Khánh Hòa, Lai Châu, Nam Định, Quảng Trị, Sóc Trăng, Tây Ninh, Tiền Giang và Tuyên Quang; 03 địa phương không kéo giảm được số người chết là Hà Nội, Hậu Giang và Yên Bái.
Tại tỉnh Ninh Bình, dưới sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, công tác bảo đảm trật tự ATGT tiếp tục đạt được những kết quả tốt đẹp. Năm 2017 tình hình tai nạn giao thông trên địa bàn tỉnh tiếp tục được kéo giảm trên 3 tiêu chí số vụ, số người chết và số người bị thương, đây là năm thứ 15 liên tiếp trên địa bàn tỉnh tai nạn giao thông  năm sau giảm hơn năm trước. Trong năm 2017, toàn tỉnh xảy ra 181 vụ TNGT, làm chết 50 người, bị thương 141 người. So với cùng kỳ năm 2016 giảm 13 vụ TNGT (giảm 6,7%), giảm 5 người chết (giảm 9,1%), giảm 14 người bị thương (giảm 9,03%).
    Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Trương Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Chủ tịch UBATGTQG yêu cầu UBATGT Quốc gia, các Bộ, ngành, đoàn thể và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quán triệt và tổ chức triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ bảo đảm TTATGT năm 2018 với chủ đề “An toàn giao thông cho trẻ em” trong đó tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm:
Một là, hoàn thiện thể chế về an toàn giao thông: tổng kết và xây dựng dự án Luật Giao thông đường bộ sửa đổi; sửa đổi, bổ sung Luật xử lý vi phạm hành chính, Luật thống kê, Nghị định quy định bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự với chủ xe cơ giới; xây dựng và hoàn thiện các các văn bản hướng dẫn Luật hiện hành liên quan bảo đảm an toàn giao thông của kết cấu hạ tầng, phương tiện, kỹ năng, đạo đức, trách nhiệm của người tham gia giao thông và hệ thống chế tài xử lý vi phạm TTATGT; chú trọng sửa đổi các quy định nhằm nâng cao khả năng tạo lập môi trường giao thông an toàn cho trẻ em.
Hai là, tiếp tục xây dựng văn hoá giao thông cho toàn xã hội trọng tâm là bảo vệ an toàn giao thông cho trẻ em và người lớn nêu gương về văn hoá giao thông: đổi mới phương thức tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự, an toàn giao thông phù hợp với chủ đề năm ATGT; xây dựng các sản phẩm truyền thông hiện đại gắn với phát huy các bộ môn văn hoá, nghệ thuật dân tộc; tăng cường truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội và những môi trường thông tin phù hợp với nhu cầu và thị hiếu của các nhóm dân cư, đặc biệt là thanh, thiếu nhi; phát huy vai trò các đoàn thể chính trị-xã hội, tổ chức tôn giáo, hiệp hội nghề nghiệp.
Ba là, nâng cao hiệu lực thực thi pháp luật về trật tự an toàn giao thông: tiếp tục nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ, tăng cường đầu tư, mua sắm hiện đại hoá phương tiện, trang thiết bị nghiệp vụ cho lực lượng Cảnh sát giao thông, Thanh tra giao thông và các lực lượng cùng tham gia tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm về TTATGT; tăng cường hoạt động tuần lưu, giảm tình trạng lập chốt cố định trong tuần tra của lực lượng CSGT; phát huy hiệu quả mô hình tuần tra phối hợp giữa CSGT với các lực lượng cảnh sát khác, kết hợp giữa xử lý vi phạm về TTATGT và đấu tranh phòng, chống tội phạm trên các tuyến giao thông, bảo đảm an ninh, trật tự trên địa bàn.
Bốn là, tiếp tục đầu tư, nâng cấp gắn với nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác và chất lượng bảo trì hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông: tiếp tục nghiên cứu, triển khai thực hiện các dự án phát triển kết cấu hạ tầng giao thông trọng điểm với hoàn thiện quy hoạch không gian và sử dụng đất nhằm nâng cao năng lực kết nối, tạo sức hấp dẫn đầu tư, gia tăng việc làm cho các đô thị trung bình (loại 1, loại 2) nhằm làm giảm mức độ di dân cơ học về Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, kéo giảm áp lực về giao thông. Tiếp tục hoàn thiện quy định pháp luật, quy trình quản lý, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ để nâng cao chất lượng bảo trì và hiệu quả khai thác kết cấu hạ tầng hiện hữu; chú trọng tổ chức giao thông và bảo đảm điều kiện tham gia giao thông an cho trẻ em, đặc biệt là giao thông kết nối đến trường học và trung tâm vui chơi của trẻ em.
Năm là, tái cơ cấu hệ thống dịch vụ vận tải: đẩy mạnh thực hiện Quyết định 318/QĐ-TTg ngày 04/3/2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển dịch vụ vận tải đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 trong đó chú trọng nâng cao năng lực, chất lượng và giảm giá thành vận tải hành khách bằng đường hàng không; nâng cao năng lực và chất lượng đường thuỷ nội địa, hàng hải, đường sắt; đặc biệt cần có cơ chế thuận lợi để phát huy thế mạnh về vận tải thuỷ nội địa khu vực Đồng bằng Sông Hồng, Đồng Bằng Sông Cửu Long, vận tải ven biển, tăng cường phát triển dịch vụ logistics và kết nối đa phương thức, giảm mức độ phụ thuộc vào vận tải đường bộ.  .
Sáu là, phát triển hệ thống vận tải công cộng, khối lượng lớn trong đô thị và kết nối vùng gắn với hạn chế sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân: đẩy nhanh tiến độ đầu tư, xây dựng các dự án đầu đường sắt đô thị tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh kết nối thuận tiện và gắn với tiến độ đầu tư phát triển các khu đô thị, các trung tâm thương mại và dân cư lớn; kết nối liên thông giữa vận tải đô thị với vận tải công cộng đường dài quốc gia (hàng không, đường sắt quốc gia, xe khách liên tỉnh); nâng cao năng lực, chất lượng xe buýt đô thị, xe khách liên tỉnh, xe đưa đón học sinh để thu hút hành khách, đặc biệt là trẻ em đi lại bằng dịch vụ công cộng; kiểm soát và hạn chế sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân gắn với lập lại trật tự vỉa hè, lòng đường, hành lang an toàn giao thông, bảo đảm điều kiện đi bộ và sang đường an toàn cho trẻ em.
Bảy là, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý, điều hành giao thông vận tải và tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm TTATGT: đầu tư xây dựng trung tâm quản lý điều hành giao thông đô thị thông minh và các thiết bị ngoại vi với năng lực giám sát, điều hành trực tuyến hoạt động giao thông, điều khiển hệ thống tín hiệu, phát hiện hành vi vi phạm hỗ trợ xử lý vi phạm, trước hết tại Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh sau đó là mở rộng áp dụng cho các đô thị khác; cung cấp ứng dụng công nghệ hướng dẫn người dân, đặc biệt là học sinh, đi lại thuận tiện; kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa trung tâm điều hành giao thông đô thị với các trung tâm điều hành đường cao tốc; kết nối và chia sẻ dữ liệu giữa quản lý giao thông vận tải với lực lượng tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm về TTATGT./.

 

Văn phòng Ban An toàn giao thông tỉnh

Ý kiến bạn đọc