Hội nghị tổng kết 05 năm thực hiện phong trào thi đua bảo đảm trật tự, an toàn giao thông giai đoạn 2016 – 2020 và Năm An toàn giao thông 2020

Thứ năm, 10/12/2020 Đã xem: 416 | Nhận xét: 0
  • Đánh giá cho bài viết:
  • 0 điểm ( 0 đánh giá )

           Ngày 09/12/2020, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia tổ chức hội nghị trực tuyến Hội nghị tổng kết 05 năm thực hiện phong trào thi đua bảo đảm trật tự, an toàn giao thông giai đoạn 2016 – 2020 và Năm An toàn giao thông 2020. Đồng chí Trương Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia chủ trì hội nghị. Tại điểm cầu Ninh Bình, dự hội nghị có đồng chí Lê Trọng Thành, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Giao thông vận tải, Phó Trưởng Ban An toàn giao thông tỉnh cùng các đồng chí Ủy viên Ban An toàn giao thông tỉnh, các cơ quan truyền thông.

 

 

(Đồng chí Lê Trọng Thành, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Giao thông vận tải, Phó Trưởng Ban An toàn giao thông tỉnh dự và chỉ đạo hội nghị)

 

           Hội nghị đã nghe đồng chí Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia trình bày báo cáo tổng kết 05 năm thực hiện phong trào thi đua bảo đảm trật tự, an toàn giao thông giai đoạn 2016 – 2020 và Năm An toàn giao thông 2020. Theo đó, Trong 05 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, chỉ đạo của Chính phủ, sự giám sát của Quốc hội cùng với sự triển khai quyết liệt, hiệu quả của các Bộ, ngành, đoàn thể, chính quyền địa phương và sự ủng hộ của người dân, tình hình trật tự, an toàn giao thông (TTATGT) đã có những chuyển biến tích cực; ùn tắc giao thông tại thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và trên các quốc lộ trọng điểm đã từng bước được khắc phục; ý thức của người tham gia giao thông cũng đã có nhiều tiến bộ; số vụ, số người chết và số người bị thương do TNGT tiếp tục giảm sâu, đặc biệt là số vụ tai nạn giao thông (TNGT) đặc biệt nghiêm trọng liên quan đến xe khách, xe tải nặng được kiềm chế, đã góp phần bảo đảm TTATGT lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt và đường thủy nội địa, góp phần vào công cuộc phát triển kinh tế- xã hội của đất nước.

           Điều đó khẳng định các giải pháp mà Chính phủ đã ban hành, nhất là các giải pháp trọng tâm trong Chỉ thị 18-CT/TW và Nghị quyết số 12-NQ/CP được triển khai thực hiện là phù hợp với thực tiễn, mang tính khả thi cao cần phải tiếp tục thực hiện mạnh mẽ, đồng bộ hơn trong các năm tiếp theo, thể hiện trên các mặt công tác: Một là, công tác xây dựng hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về TTATGT đã được các bộ, ngành, địa phương quan tâm và tập trung chỉ đạo thực hiện, đã cơ bản đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ quản lý nhà nước về bảo đảm TTATGT có nhiều cải cách, đổi mới nâng cao hiệu quả ở các lĩnh vực quản lý vận tải; đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe, đăng ký, đăng kiểm phương tiện giao thông. Công tác thanh tra, kiểm tra, tuần tra kiểm soát và xử lý vi phạm TTATGT được Bộ Công an, Bộ GTVT quan tâm chỉ đạo, tăng cường lực lượng, phương tiện trang thiết bị, tập trung xử lý nghiêm các vi phạm là nguyên nhân gây TNGT. Hai là, trong bối cảnh khó khăn chung về kinh tế, dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, Bộ GTVT cùng các bộ ngành, địa phương đạt được nhiều kết quả to lớn trong đầu tư, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, góp phần giảm thiểu tai nạn, ùn tắc giao thông. Các công trình giao thông hoàn thành vượt tiến độ, bảo đảm chất lượng, nhất là các tuyến giao thông huyết mạch, đường vành đai, các trục giao thông hướng tâm, đường cao tốc, đồng thời phát triển hệ thống đường giao thông nông thôn, cầu treo dân sinh. Ba là, các bộ, ngành, các tổ chức chính trị - xã hội, các đoàn thể cũng tích cực tham gia vào công tác đảm bảo TTATGT trong đó phải kể đến Bộ Công An, Bộ GTVT, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh với nhiều giải pháp và mô hình mới, sáng tạo như: cuộc vận động “Toàn dân tham gia bảo đảm TTATGT”, “Thanh niên với văn hóa giao thông”, “Tổ tự quản TTATGT” ở thôn, xóm, “Bến đò ngang an toàn”, “Cổng trường an toàn giao thông”… Bốn là, sự vào cuộc quyết liệt của các địa phương: Thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Cần Thơ, Hải Phòng và một số địa phương đã ra quân triển khai đồng bộ nhiều giải pháp lập lại trật tự giao thông đô thị, trong đó chú trọng xử lý nghiêm các hành vi lấn chiếm, sử dụng trái phép vỉa hè, lòng, lề đường gây mất trật tự, an toàn giao thông, ưu tiên dành vỉa hè cho người đi bộ đồng thời tổ chức sắp xếp hợp lý các hoạt động phi cơ giới trên vỉa hè, lề đường, trả lại cảnh quan đô thị.

          Nhiều mô hình bảo đảm TTATGT được triển khai hiệu quả ở một số địa phương, góp phần giảm thiểu TNGT như: Sơn La, Quảng Ninh, Ninh Thuận, Hà Tĩnh, Yên Bái, thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội triển khai tổ chức ký cam kết bảo đảm trật tự ATGT đến các gia đình, cán bộ, chiến sỹ, đoàn viên, học sinh, sinh viên. Đắk Nông tổ chức các đợt tuyên truyền lưu động về pháp luật giao thông đến nhân dân ở vùng sâu, vùng xa; An Giang nêu gương người tốt, việc tốt, phê phán các hành vi vi phạm ATGT trên hệ thống đài phát thanh - truyền hình; Đồng Tháp với mô hình tuyên truyền, giáo dục cho người đến đăng ký xe và người vi phạm về TTATGT đến thực hiện quyết định xử phạt, tổ chức tuyên truyền cá biệt đối với thanh niên có biểu hiện vi phạm về TTATGT và cho ký cam kết; Bình Phước tổ chức trợ giúp pháp luật miễn phí về luật giao thông đường bộ cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số v.v.…

          Một số địa phương đạt kết quả nổi bật trong kéo giảm sâu TNGT cả 3 tiêu chí trong 5 năm là: Long An, Phú Thọ, Quảng Ninh, Quảng Bình, Ninh Bình, Thanh Hóa, Trà Vinh, Vĩnh Long, Yên Bái, Bắc Ninh, Bình Định, Đà Nẵng, Đăk Nông, Đồng Nai, Hà Nam, Hà Nội. Đặc biệt, có 05 tỉnh giảm trên 30% cả 03 tiêu chí của năm 2019 so với năm 2015 là: Long An, Trà Vinh, Yên Bái, Bình Định, Đà Nẵng.

           Đặc biệt năm 2020 là năm đầu tiên Chính phủ thực hiện Luật phòng chống tác hại của rượu, bia, cũng như thực hiện Nghị định số 100/2019/NĐ-CP và xác định chủ đề của năm là “Đã uống rượu, bia không lái xe” với mục tiêu – Tính mạng con người là trên hết, ngoài ra, năm 2020 trước bối cảnh cả nước tập trung ưu tiên thực hiện các giải pháp phòng, chống đại dịch Covid 19, tạm dừng, giãn, hoãn, nhiều hoạt động kinh tế, xã hội, giảm thiểu nhu cầu đi lại và các hoạt động vận tải không thiết yếu, nhu cầu và mật độ giao thông trên toàn quốc giảm rõ rệt, lực lượng phải dàn trải tham gia chống dịch, nhưng lực lượng CAND vẫn tổ chức triển khai quyết liệt các giải pháp bảo đảm TTATGT, thực hiện tốt các biện pháp bảo đảm an toàn phòng chống dịch theo đúng khuyến cáo của Bộ Y tế, nhất là trong hoạt động kiểm soát, xử lý vi phạm đối với vi phạm nồng độ cồn. Bộ GTVT cũng thường xuyên đôn đốc, chỉ đạo các Cục chuyên ngành, Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Sở GTVT các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương triển khai thực hiện nhiều biện pháp cụ thể trong công tác phòng chống dịch Covid-19, đồng thời thực hiện nghiêm việc quản lý ATGT trong hoạt động kinh doanh vận tải, nâng cao an toàn kết cấu hạ tầng, xử lý điểm đen, điểm tiềm ẩn TNGT, lối đi tự mở trái phép qua đường sắt. Do vậy, có thể khẳng định các giải pháp trọng tâm mà các bộ, ngành, địa phương thực hiện đã tập trung vào một trong nguyên nhân chính của TNGT, qua đó số vụ, số người chết và số người bị thương vì TNGT trong năm 2020 đã giảm sâu cả 03 tiêu chí, trong đó số người chết vì tai nạn giao thông đã giảm sâu nhất trong 10 năm trở lại đây, giảm xuống dưới 7.000 người, giảm trên 10% (giảm 13,29%). Bên cạnh đó, số vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng liên quan đến xe khách, xe tải nặng cũng cơ bản được kiềm chế.

           Theo báo cáo của Cục cảnh sát Giao thông (Bộ Công an) và Cục Hàng Hải (Bộ GTVT), trong 5 năm (tính từ ngày 15/10/2015 đến 14/10/2020), xảy ra 94.024 vụ, làm chết 39.917 người, bị thương 77.477 người. So với cùng kỳ 5 năm trước[1], giảm 70.085 vụ (-42,71%), giảm 9.372 người chết (-19,01%), giảm 90.628 người bị thương (-53,91%). Trong đó: Đường bộ: xảy ra 92.560 vụ, làm chết 38.962 người, bị thương 77.000 người. So với cùng kỳ 5 năm trước, giảm 68.770 vụ (-42,63%) giảm 8.746 người chết (-18,33%), giảm 89.750 người bị thương (-53,82%). Trong đó có 260 vụ đặc biệt nghiêm trọng, làm chết 859 người, bị thương 753 người. Đường sắt: xảy ra 949 vụ, làm chết 668 người, bị thương 418 người. So với cùng kỳ 5 năm trước, giảm 1.076 vụ (-53,14%), giảm 398 người chết (-37,34%), giảm 853 người bị thương (-67,11%). Trong đó có 07 vụ đặc biệt nghiêm trọng, làm chết 22 người, bị thương 23 người. Đường thủy: xảy ra 429 vụ, làm chết 243 người, bị thương 55 người. So với cùng kỳ 5 năm trước, giảm 143 vụ (-25%), giảm 199 người chết (-45,02%), giảm 16 người bị thương (-22,54%). Trong đó có 21 vụ đặc biệt nghiêm trọng, làm chết 57 người, bị thương 17 người. Hàng hải: xảy ra 86 vụ, làm chết 44 người, bị thương 04 người. So với cùng kỳ 5 năm trước, giảm 96 vụ (-52,75%), giảm 29 người chết (-39,73%), giảm 09 người bị thương (-69,23%). Hàng không: xảy ra 395 sự cố; trong đó có 07 sự cố nghiêm trọng (Mức B), 44 sự cố uy hiếp an toàn cao (mức C) và 344 sự cố có nguy cơ uy hiếp an toàn (mức D).

           Tình hình tai nạn giao thông năm 2020 (tính từ ngày 15/12/2019 đến 14/11/2020): Toàn quốc xảy ra 12.985 vụ tai nạn giao thông, làm chết 6.048 người, bị thương 9.652 người. So với 11 tháng đầu năm 2019, số vụ TNGT giảm 2.900 vụ (giảm 18,26%), số người chết giảm 927 người (giảm 13,29%), số người bị thương giảm 2.492 người (giảm 20,52%). Trong đó: Đường bộ: xảy ra 7.345 vụ, làm chết 5.932 người, bị thương 3.921 người. So với cùng kỳ năm trước giảm 848 vụ (-10,35%), giảm 889 người chết (-13,03%), giảm 619 người bị thương(-13,63%). Đường sắt: xảy ra 79 vụ, làm chết 63 người, bị thương 20 người. So với cùng kỳ năm trước giảm 62 vụ (giảm 43,97%), giảm 54 người chết (-46,15%), giảm 23 người bị thương (giảm 53,49%). Đường thuỷ: xảy ra 59 vụ, làm chết 43 người, làm bị thương 7 người. So với cùng kỳ  trước tăng 4 vụ (tăng 7,27%), tăng 19 người chết (tăng 79,17%), giảm 1 người bị thương (-12,5%). Hàng hải: xảy ra 12 vụ, làm chết 10 người, không có người bị thương. So với cùng kỳ năm trước giảm 1 vụ (-7,69%), giảm 3 người chết và mất tích (giảm 23,08%), số người bị thương không thay đổi (0/0). Hàng không: xảy ra 50 sự cố; trong đó có 03 sự cố nghiêm trọng (Mức B), 07 sự cố uy hiếp an toàn cao (mức C) và 40 sự cố có nguy cơ uy hiếp an toàn (mức D). So với cùng kỳ năm 2019, tổng số lượng sự cố giảm 44,4%.

           Từ năm 2016 đến năm 2020, Công an các địa phương đã điều tra, chuyển Cơ quan Cảnh sát điều tra đã khởi tố 21.219 vụ, với 20.586 bị can (Viện Kiểm sát nhân dân các cấp đề nghị truy tố 17.954 vụ, với 18.460 bị can; Tòa án Nhân dân các cấp đã xét xử 18.170 vụ, với 18.704 bị cáo).

           Tình trạng ùn tắc giao thông ở các khu đô thị đông dân cư, các tuyến quốc lộ trọng điểm và tại Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh trong giai đoạn 2016-2020 đã được khắc phục, hạn chế. Từ ngày 15/10/2015 đến 14/10/2020, toàn quốc xảy ra 429 vụ. So với cùng kỳ, giảm 498 vụ (-53,72%). Nguyên nhân: do tai nạn giao thông: 278 vụ (64,8%), lưu lượng phương tiện đông: 36 vụ (8,39%), nguyên nhân khác (sự cố phương tiện, cháy nổ, ngập úng, sạt lở đất, người dân tụ tập…): 115 vụ (26,81%). Tuy nhiên, trong thời gian gần đây ùn tắc giao thông kéo dài tại các thành phố lớn và chủ yếu vào giờ cao điểm, giờ tan tầm (đặc biệt là Hà Nội và  thành phố Hồ Chí Minh) đang có diễn biến phức tạp. Đặc biệt, trong mùa mưa, lũ, dẫn đến sạt lở đất, ngập sâu, đã gây ùn tắc giao thông tại một số địa phương. Khu vực phía Nam tuy không xảy ra mưa, lũ lớn nhưng do ảnh hưởng kết hợp giữa mưa và triều cường gây ra hiện tượng úng ngập cục bộ dẫn đến ùn tắc giao thông tại Hồ Chí Minh. Ngoài ra, tình trạng vư­ợt đèn đỏ, đi vào đường cấm, lấn chiếm vỉa hè kinh doanh buôn bán vẫn xảy ra; một số khu vực trông giữ xe đạp xe máy trái phép, thu tiền quá quy định, ảnh hưởng đến việc đi lại của người dân và trật tự giao thông đô thị.

           Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Trương Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia biểu dương và đánh giá cao những kết quả đạt được về công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông giai đoạn 5 năm 2016-2020 và trong năm 2020. Đồng chí Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia yêu cầu Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, các Bộ, ngành, đoàn thể và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục quán triệt và tổ chức triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ bảo đảm TTATGT  giai đoạn 2021-2025 và năm 2021 trong đó tập trung vào các nhóm nhiệm vụ trọng tâm sau:

           Về nhiệm vụ trọng tâm ATGT giai đoạn 2021-2025 và năm 2021

           Bước sang năm 2021 và giai đoạn tiếp theo, với đà phục hồi và tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ và quá trình hội nhập khu vực và quốc tế mạnh mẽ, nhu cầu vận tải hàng hoá, đi laị giữa các vùng miền, giữa Việt Nam với thế giới sẽ trở nên nhộn nhịp hơn nhiều, phương tiện giao thông tăng nhanh, cùng với những sự kiện lớn trong nước và quốc tế diễn ra trên đất nước ta như Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ 13 của Đảng vào mùa xuân 2021, đòi hỏi cả hệ thống chính trị cần tiếp tục vào cuộc đồng bộ, quyết liệt và hiệu quả hơn để thực hiện các nhiệm vụ bảo đảm TTATGT trong tình hình mới, đó là:

           Thứ nhất, mục tiêu chung

           Nâng cao ý thức trách nhiệm, tính chuyên nghiệp, đạo đức nghề nghiệp của người thực thi công vụ trong lĩnh vực bảo đảm TTATGT và ý thức tự giác chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông. Tiếp tục kéo giảm giảm từ 5%-10% số vụ, số người chết, số người bị thương do TNGT hàng năm; giảm TNGT đặc biệt nghiêm trọng; từng bước giải quyết ùn tắc giao thông tại các thành phố lớn, đặc biệt là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.

           Thứ hai, 05 nhóm nhiệm vụ trọng tâm giai đoạn 2021 - 2025

           Một là, xây dựng, hoàn thiện thể chế và chính sách pháp luật về an toàn giao thông; hoàn thiện mô hình, tổ chức, nâng cao năng lực cơ quan quản lý nhà nước và thực thi pháp luật về TTATGT. Hai là, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông và tổ chức giao thông hiện đại, an toàn, thông suốt. Ba là, Xây dựng lộ trình cụ thể để áp dụng các tiêu chuẩn cao nhất về an toàn và bảo vệ môi trường trong sản xuất, lắp ráp, kiểm định phương tiện. Bốn là, tập trung tuyên truyền, giáo dục kiến thức, kỹ năng tham gia giao thông an toàn kết hợp với công tác xử lý vi phạm trong lĩnh vực giao thông. Năm là, xây dựng hệ thống cứu hộ, cứu nạn và cấp cứu y tế tai nạn giao thông.

           Xác định ứng dụng khoa học công nghệ là giải pháp đột phá quan trọng nhất, là chìa khoá, để triển khai 5 trụ cột chính sách về TTATGT, tiếp tục thực hiện mục tiêu hàng năm kéo giảm từ 5-10% về số vụ TNGT và thương vong do TNGT gây ra.

           Thứ ba, về nhiệm vụ trọng tâm năm 2021

           Về mục tiêu: giảm tai nạn giao thông từ 5-10% số vụ, số người chết, bị thương so với năm 2020. Tiếp tục kéo giảm tình trạng ùn tắc giao thông trên các trục giao thông chính, các đầu mối giao thông trọng điểm và tại các đô thị lớn, đặc biệt là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.

           Về các nhiệm vụ trọng tâm, các cơ quan thành viên Ủy ban ATGT Quốc gia và Ban ATGT các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương cần tiếp tục tập trung thực hiện tốt 8 nhóm nhiệm vụ trọng tâm đã nêu trong Nghị quết 12 của Chính phủ, bao gồm: Một là, hoàn thiện hệ thống pháp luật và chính sách về bảo đảm TTATGT chống ùn tắc giao thông. Hai là, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về TTAGT. Ba là, nâng cao chất lượng, hiệu quả quản lý nhà nước về giao thông vận tải, xây dựng; nâng cao năng lực, hiệu lực của lực lượng tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm về TTATGT. Bốn là, đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng công tác đầu tư xây dựng, nâng cấp hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông gắn với duy tu; nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ hành lang an toàn giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa. Năm là, đẩy mạnh tái cơ cấu hệ thống dịch vụ vận tải; đẩy nhanh tiến độ đầu tư, phát triển hệ thống vận tải công cộng trong đô thị, vùng tỉnh và liên tỉnh. Sáu là, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin đối với công tác quản lý, điều hành, tổ chức giao thông, cũng như hỗ trợ công tác TTKS, xử lý vi phạm pháp luật về TTATGT. Bảy là, thực hiện đồng bộ các giải pháp hạn chế sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân. Tám là, quản lý chặt chẽ hoạt động xây dựng bảo đảm việc đầu tư, xây dựng mới trong các đô thị phù hợp với năng lực kết cấu hạ tầng giao thông và vận tải công cộng.

                                                                                                                                      Đại Nghĩa

 

 

 

 

Ý kiến bạn đọc