Hội nghị trực tuyến sơ kết công tác đảm bảo trật tự, an toàn giao thông quý I và triển khai nhiệm vụ quý II năm 2022

Thứ năm, 14/04/2022 Đã xem: 217 | Nhận xét: 0
  • Đánh giá cho bài viết:
  • 0 điểm ( 0 đánh giá )

              Ngày 14/4/2022, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia tổ chức hội nghị trực tuyến sơ kết công tác đảm bảo trật tự, an toàn giao thông quý I và triển khai nhiệm vụ quý II năm 2022. Đồng chí Nguyễn Văn Thể, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia chủ trì Hội nghị. Tham dự Hội nghị có đồng chí Thiếu tướng Nguyễn Văn Long, Thứ trưởng Bộ Công an, Phó Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia; đồng chí Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, lãnh đạo các Bộ, ngành và 63 tỉnh, thành phố tại các điểm cầu truyền hình trực tuyến.

              Tại điểm cầu Ninh Bình, dự hội nghị có đồng chí Nguyễn Cao Sơn, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng ban Thường trực Ban An toàn giao thông tỉnh; đồng chí Lê Trọng Thành, Giám đốc Sở Giao thông vận tải, Phó Trưởng ban An toàn giao thông tỉnh cùng các đồng chí Ủy viên Ban An toàn giao thông tỉnh, đại diện các cơ quan thông tấn, báo chí.

 

 

(Các đại biểu dự hội nghị tại Ninh Bình)

 

              Hội nghị đã nghe đồng chí Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia trình bày báo cáo công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông quý I năm 2022. Theo đó, trong quý I năm 2022, mặc dù trong tình hình dịch bệnh COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp tại một số địa phương, các lực lượng đồng thời phải chống dịch, thêm vào đó tập trung nhiều ngày nghỉ Tết, như nghỉ Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Nhâm Dần (nghỉ 09 ngày) và Lễ hội xuân diễn ra tại nhiều tỉnh, thành phố, song với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ cùng sự vào cuộc tích cực của các Bộ, ngành, địa phương tình hình TTATGT trong quý I năm 2022 về cơ bản được bảo đảm. Đáng biểu dương là ngay từ những tháng đầu năm, mặc dù trong tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, nhưng lực lượng Công an vẫn tổ chức triển khai quyết liệt các giải pháp bảo đảm TTATGT, trong đó Bộ Công an đã chỉ đạo lực lượng Cảnh sát giao thông chủ động xây dựng và triển khai 02 Kế hoạch chuyên đề về xử lý vi phạm “người điều khiển xe trên đường mà trong cơ thể có chất ma túy, vi phạm nồng độ cồn” và chuyên đề chở hàng quá tải trọng, quá khổ giới hạn, tự ý cải tạo phương tiện trên đường bộ, kết hợp tuyên truyền, giáo dục pháp luật về TTATGT nhằm nâng cao ý thức cho người tham gia giao thông.... Bộ GTVT đã chỉ đạo các đơn vị nâng cao năng lực và chất lượng dịch vụ vận tải đường bộ, đường sắt và hàng không cơ bản đã đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân trong dịp tết, đồng thời, tiếp tục tập trung xử lý các điểm đen, điểm tiềm ẩn TNGT, lối đi tự mở trái phép qua đường sắt theo kế hoạch. Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam và các cơ quan truyền thông đã kịp thời đưa tin về tình hình TTATGT trong các bản tin thời sự hàng ngày, cảnh báo các nguy cơ cao gây TNGT, hướng dẫn các biện pháp phòng tránh TNGT trong đợt cao điểm. Do đó, tình hình TTATGT trên toàn quốc cơ bản được đảm bảo, số vụ, số người chết và số người bị thương do TNGT tiếp tục được kéo giảm so với cùng kỳ năm 2021, cụ thể: giảm 662 vụ (-19,33%), giảm 67 người chết (-3,84%) và giảm 739 người bị thương (-29,80%).  

              Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác bảo đảm TTATGT trong Quý I năm 2022 vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: còn xảy ra một số vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng, làm chết và bị thương nhiều người, gây bức xúc trong dư luận xã hội, điển hình là vụ TNGT tại Gia Lai, làm 06 người tử vong; vụ TNGT đường thủy tại Quảng Nam, ngày làm 17 người tử vong, đây là vụ TNGT gây thiệt hại về người nhiều nhất trong vài năm trở lại đây; một số vụ TNGT rất nghiêm trọng liên quan tới cán bộ cấp cao đương chức hoặc đã nghỉ hưu; số người chết do TNGT trong tháng 3 năm 2022 tăng so với cùng kỳ; Số người chết do TNGT đường thủy và hàng hải tăng cao; tình trạng tụ tập, điều khiển xe thành đoàn, có dấu hiệu đua xe trái phép vẫn còn diễn biến phức tạp tại một số tỉnh, thành phố; vẫn xảy ra một số vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng do nguyên nhân uống rượu bia gây ra; tình trạng ùn tắc giao thông có xu hướng gia tăng, đặc biệt là trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần; tình hình vi phạm tải trọng xe ô tô trên đường bộ tái diễn tại nhiều địa phương (Lào Cai, Vĩnh Phúc, Hải Phòng, Thái Nguyên, Thái Bình, Bắc Giang, Hà Nam, Nghệ An, Thừa Thiên Huế, Bình Định, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu).

              Tại Ninh Bình, trong quý I năm 2022, công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông tiếp tục được các cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm trên cả 3 lĩnh vực đường bộ, đường sắt và đường thủy. Trong quý I năm 2022, toàn tỉnh xảy ra 23 vụ TNGT, làm chết 09 người, bị thương 14 người. So với cùng kỳ năm 2021, giảm 8 vụ (giảm 25,8%); số người chết không tăng, không giảm; giảm 14 người bị thương (giảm 50%). Trên địa bàn tỉnh không xảy ra tình trạng ùn tắc kéo dài trên các tuyến giao thông đặc biệt là trong những ngày nghỉ Tết Nguyên đán Nhâm Dần và dịp Lễ hội Xuân 2022.

              Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Nguyễn Văn Thể, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia đã biểu dương, nghi nhận những nỗ lực cố gắng của các bộ, ngành và các địa phương trong công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông trong quý I năm 2022. Đồng thời để tiếp triển khai thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 18 của Ban Bí thư Trung ương Đảng; Nghị quyết số 48 của Chính phủ và Kế hoạch số 36 của Ủy ban ATGT Quốc gia về Kế hoạch Năm An toàn giao thông 2022; Quý II năm 2022 các Bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục thực hiện quyết liệt một số nhiệm vụ trọng tâm sau:

              Một là, Ủy ban ATGT Quốc gia:

              - Yêu cầu các địa phương có TNGT tăng trong quý I có báo cáo chuyên sâu, đánh giá cụ thể nguyên nhân và các giải pháp hiệu quả để khắc phục, kéo giảm TNGT trong quý II và cả năm 2022.

             - Phối hợp với các Bộ, ngành: tổ chức đoàn kiểm tra, đôn đốc một số địa phương có TNGT diễn biến phức tạp, tăng cao trong 03 tháng đầu năm 2022; tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ nội dung công điện bảo đảm TTATGT trong dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5; triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp về bảo đảm TTATGT trong Nghị quyết 48 của Chính phủ về tăng cường bảo đảm trật tự, an toàn giao thông và chống ùn tắc giao thông giai đoạn 2022 - 2025.

              Hai là, Bộ GTVT: tiếp tục xây dựng, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật. Tiếp tục rà soát, xử lý các điểm đen, điểm tiềm ẩn TNGT mới phát sinh. Triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp về kiểm soát tải trọng xe theo Chỉ thị số 32 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác kiểm soát tải trọng phương tiện giao thông; yêu cầu chủ đầu tư các dự án xây dựng, bảo trì công trình giao thông xử lý nghiêm nhà thầu để xe ô tô cung cấp vật liệu cho công trình  chở quá tải trọng khi lưu thông trên các tuyến đường bộ công cộng. Chỉ đạo, đôn đốc các Sở GTVT tăng cường khai thác, sử dụng hệ thống xử lý dữ liệu từ thiết bị GSHT để phục vụ công tác chấn chỉnh, nhắc nhở và xử lý vi phạm, xây dựng cơ sở dữ liệu ngành; khẩn trương đưa vào vận hành hệ thống tiếp nhận và xử lý dữ liệu từ camera gắn trên xe ô tô kinh doanh vận tải. Triển khai công tác thanh tra, kiểm tra chuyên ngành giao thông vận tải theo kế hoạch và đột xuất, trong đó tập trung kiểm tra toàn diện việc chấp hành các quy định kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải trên các tuyến luồng đường thủy nội địa. Phối hợp với chính quyền địa phương, các lực lượng chức năng thực hiện công tác bảo đảm TTATGT đường thủy nội địa vào mùa mưa lũ; bổ sung hệ thống báo hiệu phù hợp với tình hình luồng tuyến nhằm nâng cao điều kiện an toàn giao thông.

              Ba là, Bộ Công an: Ban hành Kế hoạch tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 18 của Ban Bí thư; kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết của Chính phủ về tăng cường công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông và chống ùn tắc giao thông giai đoạn 2022 - 2025. Xây dựng, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật theo chương trình, kế hoạch đề ra, trọng tâm là Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Kiểm tra, đôn đốc việc triển khai thực Kế hoạch số 53 về tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm theo chuyên đề “người điều khiển xe trên đường mà trong cơ thể có chất ma túy, vi phạm nồng độ cồn”Kế hoạch số 435 về chở hàng quá tải trọng, quá khổ giới hạn, tự ý cải tạo phương tiện trên đường bộ; xây dựng kế hoạch chuyên đề xử lý hành vi không thắt dây an toàn khi ngồi trên xe ô tô và hành vi  lái xe không có thẻ thu phí điện tử đi vào làn dành riêng cho xe dán thẻ thu phí điện tử không dừng. Mở cao điểm bảo đảm TTATGT dịp lễ 30/4 và 01/5; Chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm TTATGT, phân luồng, bảo đảm TTATGT phục vụ SEAGAMES 31 tổ chức tại Việt Nam. Rà soát, đánh giá hiện trạng các tuyến giao thông để kiến nghị xây dựng phương án tổ chức lại giao thông theo từng tuyến, nhất là các tuyến giao thông phức tạp, kịp thời khắc phục các bất hợp lý về tổ chức giao thông, giải quyết các “điểm đen”, các tuyến giao thông phức tạp, tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn giao thông. Tiếp tục xây dựng cơ sở dữ liệu ATGT kết nối, chia sẻ với các đơn vị trong và ngoài ngành Công an.

              Bốn là, Bộ Giáo dục và Đào tạo: Ban hành văn bản chỉ đạo các cơ sở giáo dục tăng cường triển khai thực hiện công tác giáo dục ATGT cho HSSV trong dịp nghỉ lễ 30/04-01/5, nghỉ hè và kỳ thi Tốt nghiệp trung học phổ thông Quốc gia. Xây dựng kế hoạch triển khai các hoạt động tuyên truyền, giáo dục pháp luật về bảo đảm TTATGT cho học sinh, sinh viên năm 2022.

              Năm là, Bộ Thông tin và Truyền thông tiếp tục chỉ đạo các cơ quan thông tấn, báo, đài ở Trung ương và địa phương tổ chức thông tin, tuyên truyền, vận động nhân dân tự giác chấp hành pháp luật về TTATGT, thông tin, tuyên truyền Nghị quyết 48 về tăng cường bảo đảm TTATGT và chống ùn tắc giao thông giai đoạn 2022-2025.

              Sáu là, Bộ Quốc phòng chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trong toàn quân tổ chức triển khai hiệu quả "Đề án Bảo đảm TTATGT đường bộ trong Quân đội giai đoạn 2021 - 2030 và tầm nhìn đến năm 2045", Dự án "Ứng dụng CNTT trong chỉ đạo, điều hành, quản lý công tác kiểm định xe - máy quân sự"; tổ chức triển khai Kế hoạch xây dựng đơn vị điểm về an toàn giao thông năm 2022.

              Bảy là, các bộ, ngành, đoàn thể, các cơ quan thành viên của Ủy ban ATGT Quốc gia, các tổ chức chính trị - xã hội, các cơ quan thông tin đại chúng ở Trung ương và địa phương, đẩy mạnh công tác tuyên truyền pháp luật TTATGT để nâng cao ý thức tự giác của người tham gia giao thông. Đổi mới phương thức tuyên truyền, xây dựng văn hoá giao thông theo tổ chức gắn với vai trò nêu gương của người đứng đầu; tập trung xây dựng văn hoá giao thông an toàn trong đơn vị kinh doanh vận tải, doanh nghiệp, khu công nghiệp có đông công nhân, trường đại học, cao đẳng, dạy nghề.

              Tám là, Ban ATGT các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục triển khai Kế hoạch Năm ATGT 2022 tại địa phương, đồng thời: Sơ kết công tác bảo đảm TTTAGT quý I năm 2022 và định hướng nhiệm vụ Quý II năm 2022; triển khai thực hiện Công điện của Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo về bảo đảm TTATGT đợt nghỉ lễ 30/4 -1/5. Yêu cầu các đơn vị vận tải, các đầu mối hàng hóa thực hiện nghiêm quy định về xếp hàng hoá lên xe ô tô, đặc biệt là phải đảm bảo kê, chèn và neo giữ chắc chắn khi vận chuyển các hàng hoá có hình trụ tròn (cuộn thép, ống cống) trước khi khởi hành. Chỉ đạo ngành GTVT tăng cường kiểm tra chấp hành các quy định về bảo đảm TTATGT đối với hoạt động kinh doanh vận tải đường bộ, đường thuỷ nội địa trên địa bàn. Ưu tiên sử dụng quỹ bảo trì đường bộ để khắc phục các điểm đen, điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông. Chỉ đạo Công an tỉnh, thành phố tiếp tục tăng cường TTKS xử lý vi phạm về TTATGT, ưu tiên kiểm tra, xử lý người có hành vi vi phạm về nồng độ cồn, ma tuý khi lái xe, ch hàng hoá quá tải trọng quy định của phương tiện và cầu đường; người không thắt dây an toàn khi ngồi trên xe ô tô; vi phạm quy định về đội mũ bảo hiểm đối khi ngồi trên mô tô, xe máy, xe đạp điện, sử dụng điện thoại khi lái xe; xử lý trách nhiệm của người giao xe mô tô, ô tô cho trẻ em điều khiển khi chưa đủ tuổi. Đối với các tỉnh, thành phố có TNGT tăng cao trong quý I, đề nghị tổ chức kiểm điểm, đánh giá trách nhiệm của các địa phương để xảy ra TNGT tăng, gắn trách nhiệm người đứng đầu trong công tác bảo đảm TTATGT. Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và các đô thị trực thuộc Trung ương xây dựng và triển khai kế hoạch thực hiện các giải pháp đột phá về chống ùn tắc giao thông: Chỉ đạo lực lượng Cảnh sát giao thông và Thanh tra giao thông thường xuyên khảo sát, cập nhật các bất cập, các điểm ùn tắc giao thông để có giải pháp phân luồng, điều tiết và tổ chức giao thông hợp lý. Xây dựng kế hoạch kiểm tra và xóa bỏ các điểm trông giữ xe trái phép, thu hồi các điểm trông giữ xe trên lòng đường tại các tuyến phố có nguy cơ ùn tắc giao thông.

                                                                                                                                                                                    Đại Nghĩa

Ý kiến bạn đọc