Ngày 06/4/2023, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia tổ chức hội nghị trực tuyến sơ kết công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông Quý I và phương hướng, nhiệm vụ Quý II năm 2023. Đồng chí Trần Lưu Quang, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia chủ trì hội nghị. Tại điểm cầu Ninh Bình, dự hội nghị có đồng chí Lê Trọng Thành, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Giao thông vận tải, Phó trưởng Ban An toàn giao thông tỉnh cùng các đồng chí Ủy viên Ban An toàn giao thông tỉnh, các cơ quan truyền thông.
(Đồng chí Lê Trọng Thành, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Giao thông vận tải, Phó trưởng Ban An toàn giao thông tỉnh dự
và chỉ đạo hội nghị)
Hội nghị đã nghe đồng chí Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia trình bày Báo cáo tóm tắt công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông quý I, phương hướng, nhiệm vụ công tác Quý II năm 2023. Quý I năm 2023, với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, cùng sự vào cuộc tích cực của các Bộ, ngành, địa phương tình hình TTATGT trong quý I năm 2023 về cơ bản được bảo đảm. Tai nạn giao thông tiếp tục được kiềm chế và kéo giảm sâu so với cùng kỳ năm 2022, cụ thể số vụ giảm 15,43%, số người chết giảm 15,23% và số người bị thương giảm 8,57%. Tình hình TTATGT 07 ngày Tết Nguyên đán Quý Mão (từ ngày 20 - 26/01/2023) cơ bản được đảm bảo, số vụ và số người chết do tai nạn giao thông đều giảm so với cùng kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 (số vụ giảm 7,3% và số người chết giảm 3,3%), đặc biệt số vụ tai nạn giao thông do người điều khiển phương tiện vi phạm quy định nồng độ cồn trong dịp Tết giảm sâu so với các năm trước. Bên cạnh đó, số vụ ùn, tắc giao thông trong các dịp cao điểm được kéo giảm so với cùng kỳ năm 2022 sau khi triển khai thu phí không dừng trên phạm vi toàn quốc. Tình hình vi phạm về chở quá tải trọng xe tại các địa phương đã được xử lý căn bản.
Cụ thể, tình hình tai nạn giao thông quý I năm 2023: toàn quốc xảy ra 2.346 vụ tai nạn giao thông, làm chết 1.436 người, bị thương 1.578 người. So với cùng kỳ năm 2022, số vụ giảm 428 vụ (-15,43%), giảm 258 người chết (-15,23%), giảm 148 người bị thương (-8,57%); có 42 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có số người chết do TNGT giảm so với cùng kỳ năm 2022, trong đó 14 địa phương giảm trên 40% số người chết là: Đà Nẵng, Đăk Nông, Long An, Cà Mau, Thừa Thiên - Huế, Cần Thơ, Thái Nguyên, Quảng Ngãi, Phú Thọ, Tiền Giang, Điện Biên, Lào Cai, Bắc Giang, Lai Châu. Đặc biệt: Đà Nẵng, Đăk Nông, Long An và Cà Mau giảm trên 60% số người chết do TNGT. Bên cạnh đó TNGT tại hai thành phố lớn là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh cũng được kéo giảm sâu so với cùng kỳ cả về tỷ lệ phần trăm và số lượng tuyệt đối.Tuy nhiên còn 16 địa phương có số người chết do TNGT tăng so với cùng kỳ 2022, trong đó 11 tỉnh tăng trên 20% là: Thái Bình, Hà Tĩnh, An Giang, Hà Giang, Tây Ninh, Yên Bái, Vĩnh Phúc, Quảng Nam, Kon Tum, Lạng Sơn và Sơn La.
Về Ùn tắc giao thông: xảy ra 29 vụ ùn tắc giao thông kéo dài. Nguyên nhân, do tai nạn giao thông: 24 vụ (chiếm 82,76%); do lưu lượng phương tiện đông: 05 vụ (chiếm 17,24%).
Để đạt được những kết quả trên là do: Một là, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia đã có những chỉ đạo kịp thời, sát sao và sự vào cuộc nghiêm túc của các Bộ, ngành, địa phương trong công tác triển khai, thực hiện các giải pháp bảo đảm TTATGT. Hai là, Bộ Công an đã có Kế hoạch về bảo đảm TTATGT trong toàn lực lượng Công an; Cảnh sát giao thông của Bộ Công an và các địa phương tăng cường tối đa lực lượng, phối hợp với các lực lượng liên quan tuần tra, kiểm soát xử lý vi phạm TTATGT, nhất là duy trì kiểm tra, xử lý hành vi lái xe vi phạm nồng độ cồn, ma tuý xuyên suốt trong dịp Lễ, Tết.... có vai trò quan trọng trong kéo giảm tai nạn giao thông, đặc biệt là trong dịp cao điểm Tết Nguyên Đán Quý Mão. Ba là, ngành Giao thông vận tải tiếp tục quan tâm đổi mới, điều chỉnh kịp thời tổ chức giao thông; chủ động rà soát, phát hiện, đồng thời tiếp thu kiến nghị của lực lượng CSGT, chính quyền địa phương, báo chí và người dân để xử lý dứt điểm các điểm đen, điểm tiềm ẩn TNGT. Phối hợp chặt chẽ với ngành Công an trong xử lý dứt điểm các bất cập, hạn chế trong lĩnh vực đăng kiểm. Bốn là, Bộ Thông tin và Truyền thông, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam và các cơ quan thông tấn, báo chí đã kịp thời đưa tin về tình hình TTATGT trong các bản tin thời sự hàng ngày, cảnh báo các nguy cơ cao gây TNGT, hướng dẫn các biện pháp phòng tránh TNGT trong đợt cao điểm.
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác bảo đảm TTATGT trong Quý I năm 2023 vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: Còn xảy ra một số vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng, làm chết và bị thương nhiều người, gây bức xúc trong dư luận xã hội, điển hình tại Quảng Nam xảy ra 04 vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng làm 19 người chết, 25 người bị thương, trong đó vụ tai nạn ở huyện Núi Thành làm 10 người chết; tại Nghệ An xảy ra 01 vụ làm 03 người chết và 01 người bị thương; tại Hòa Bình xảy ra 01 vụ làm chết 03 người và 01 người bị thương; tại Điện Biên 01 vụ làm chết 4 người, bị thương 1 người và gần đây nhất là vụ TNGT tại Phú Yên ngày 03/4 làm 04 người bị chết và 05 người bị thương. Vi phạm về hành lang an toàn giao thông đường bộ, đường sắt chưa được xử lý kịp thời. Tình trạng tụ tập, điều khiển xe thành đoàn, có dấu hiệu đua xe trái phép vẫn còn xảy ra tại một số tỉnh, thành phố. Tình trạng xe ô tô tải không thực hiện nghiêm quy định về xếp hàng hoá lên phương tiện, khiến cho hàng hoá bị rơi xuống đường, gây mất an toàn giao thông chưa được xử lý triệt để. Tình trạng ùn tắc giao thông có xu hướng gia tăng (tăng 15 vụ so với cùng kỳ năm 2022).
Nguyên nhân của những tồn tại hạn chế: Hiệu lực thực thi pháp luật về TTATGT ở một số địa phương còn hạn chế; sự phối hợp thực hiện các nhiệm vụ bảo đảm TTATGT giữa các cơ quan, lực lượng có nơi, có lúc chưa chặt chẽ, nhất là trong kiểm tra việc thực hiện quy định an toàn giao thông đối với các đơn vị kinh doanh vận tải đường bộ, đường thủy nội địa. Ý thức chấp hành các quy định pháp luật về TTATGT của một bộ phận người tham gia giao thông, lái xe và chủ doanh nghiệp còn yếu kém. Cấp uỷ, chính quyền và lực lượng chức năng ở một số địa phương còn thiếu quyết liệt trong chỉ đạo, có nơi ỷ lại hoàn toàn vào lực lượng chức năng.
Tại tỉnh Ninh Bình, dưới sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, công tác bảo đảm trật tự ATGT cơ bản đạt được những kết quả tốt. Tình hình tai nạn giao thông trên địa bàn tỉnh so với cùng kỳ năm 2022 giảm về số vụ, số người chết, số người bị thương không tăng không giảm; không xảy ra ùn tắc giao thông kéo dài; không xảy ra tình trạng đua xe trái phép. Công tác chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp về thực hiện các nhiệm vụ bảo đảm TTATGT được tăng cường trên cả 3 lĩnh vực đường bộ, đường sắt và đường thủy nội địa, đặc biệt là việc chỉ đạo tổ chức các đợt hoạt động cao điểm bảo đảm TTATGT tiếp tục được duy trì hiệu quả. Công tác tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao thông tiếp tục được thực hiện với nhiều hình thức đa dạng phong phú, việc huy động được các lực lượng, các tổ chức đoàn thể chính trị, các tổ chức xã hội tham gia thực hiện nhiệm vụ bảo đảm TTATGT đã góp phần nâng cao nhận thức của người tham gia giao thông và cộng đồng. Cụ thể, Quí I/2023, toàn tỉnh xảy ra 19 vụ tai nạn giao thông, làm chết 07 người, bị thương 14 người. So với cùng kỳ năm 2022, giảm 4 vụ (giảm 17,39 %); giảm 02 người chết (giảm 22,22%); số người bị thương không tăng, không giảm.
Để tiếp triển khai thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 18 của Ban Bí thư Trung ương Đảng; Nghị quyết số 48 của Chính phủ và Kế hoạch số 506 của Ủy ban ATGT Quốc gia về Kế hoạch Năm An toàn giao thông 2023; nhằm đạt được mục tiêu mà Đảng, Quốc Hội và Chính phủ đã đặt ra là trong năm 2023 kéo giảm TNGT trên cả ba tiêu chí về số vụ, số người chết và số người bị thương ít nhất 5% so với năm 2022, Quý II năm 2023 các Bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục thực hiện quyết liệt một số nhiệm vụ trọng tâm sau:
Một là, Ủy ban ATGT Quốc gia: Tổ chức Hội nghị tổng kết Chỉ thị số 32 về tăng cường công tác kiểm soát tải trọng phương tiện giao thông và Chỉ thị số 23 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường các giải pháp cấp bách bảo đảm TTATGT đường thủy nội địa trong tình hình mới. Tổ chức đoàn kiểm tra của Uỷ ban ATGT Quốc gia tại một số địa phương có tình hình TNGT và vi phạm TTATGT trên đường bộ diễn biến phức tạp hoặc có số người chết do TNGT tăng cao trong 03 tháng đầu năm 2023; Tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ nội dung công điện bảo đảm TTATGT trong dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5/2023 và cao điểm Du lịch Hè 2023; Chủ trì tổ chức các hoạt động hưởng ứng Tuần lễ ATGT Đường bộ toàn cầu của Liên hiệp quốc (12-16/5/2023).
Hai là, Bộ GTVT: Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, đề án chính sách về ATGT (chú trọng vào một số nhiệm vụ như: nghiên cứu, triển khai xây dựng, điều chỉnh các Luật Đường sắt, Luật đường bộ, Luật hàng không dân dụng, Luật hàng hải và Luật đường thủy nội địa, đồng thời trình Chính phủ sửa đổi bổ sung NĐ 139/2018/NĐ-CP ngày 08 tháng 10 năm 2018 Nghị định quy định về kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới, sớm ban hành thông tư sửa đổi bổ sung thông tư 35/2013/TT-BGTVT ngày 21 tháng 10 năm 2013 quy định về xếp hàng hóa trên xe ô tô khi tham gia giao thông trên đường bộ). Đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm, đặc biệt là các dự án trọng điểm ngành GTVT, như dự án cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025, sân bay Long Thành, cầu Rạch Miễu…. Tiếp tục rà soát, xử lý các điểm đen, điểm tiềm ẩn TNGT mới phát sinh; Phối hợp với chính quyền địa phương, các lực lượng chức năng thực hiện công tác bảo đảm TTATGT đường thủy nội địa trong mùa mưa lũ. Triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp về kiểm soát tải trọng xe, đặc biệt phối hợp chặt chẽ với các chủ đầu tư, nhà thầu, tư vấn giám sát để kiểm soát tải trọng các xe vận chuyển vật liệu ra vào công trường thi công. Chỉ đạo, đôn đốc các Sở GTVT tăng cường khai thác, sử dụng hệ thống xử lý dữ liệu từ thiết bị GSHT để phục vụ công tác quản lý vận tải, xử lý vi phạm và xây dựng cơ sở dữ liệu ngành. Triển khai công tác thanh tra, kiểm tra chuyên ngành giao thông vận tải theo kế hoạch và đột xuất, trong đó tập trung vào các nội dung: hoàn thành kiểm tra toàn quốc việc chấp hành các quy định của pháp luật về đào tạo, sát hạch, cấp GPLX đường bộ và việc sử dụng các dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình phục vụ quản lý vận tải và bảo đảm an toàn giao thông tại các sở GTVT địa phương; kiểm tra việc chấp hành các quy định về kinh doanh, điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô và hoạt động các bến xe ô tô khách v.v…. Duy trì vận hành ổn định hệ thống thu phí điện tử không dừng tại các Trạm thu phí.
Ba là, Bộ Công an: Tham mưu cho Đảng ủy Công an Trung ương triển khai Chỉ thị mới của Ban Bí thư về công tác bảo đảm TTATGT (thay thế Chỉ thị số 18-CT/TW). Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật theo chương trình, kế hoạch đề ra. Triển khai thực hiện các Đề án: “Đầu tư lắp đặt camera để giám sát, chỉ huy điều hành giao thông phục vụ an ninh, trật tự và xử lý vi phạm giao thông”. Tăng cường hiệu quả công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm, tập trung xử lý vi phạm theo các chuyên đề, trong đó tiếp tục chú trọng vào các chuyên đề xử lý các vi phạm có nguy cơ trực tiếp, cũng như tiềm ẩn nguy cơ cao dẫn đến tai nạn giao thông. Nghiên cứu xây dựng, bổ sung hoàn thiện các phương án phòng ngừa, giải quyết ùn tắc giao thông phù hợp với tình hình thực tế ở mỗi tuyến đường, địa phương. Tiếp tục rà soát, đánh giá hiện trạng các tuyến giao thông để kiến nghị xây dựng phương án tổ chức lại giao thông theo từng tuyến, nhất là các tuyến giao thông phức tạp để kịp thời khắc phục các bất hợp lý về tổ chức giao thông, giải quyết các “điểm đen”, các tuyến giao thông phức tạp, tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn giao thông.
Bốn là, Bộ Giáo dục và Đào tạo: Ban hành văn bản chỉ đạo các cơ sở giáo dục tăng cường triển khai thực hiện công tác giáo dục ATGT cho HSSV trong dịp nghỉ lễ 30/04-01/5, nghỉ hè và kỳ thi Tốt nghiệp THPT Quốc gia năm 2023.
Năm là, Bộ Thông tin và Truyền thông: phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Hội Nhà báo Việt Nam, Bộ Công an và các bộ, ngành liên quan chủ động định hướng, cung cấp thông tin chính xác, kịp thời cho báo chí và hệ thống thông tin cơ sở về công tác bảo đảm TTATGT. Ứng dụng công nghệ rà quét, đánh giá xu hướng thông tin trên báo chí, truyền thông để nắm bắt các vấn đề phát sinh trong công tác truyền thông về bảo đảm TTATGT, đặc biệt là việc điều khiển phương tiện cơ giới có nồng độ cồn và chất cấm.
Sáu là, Bộ Quốc phòng: tổ chức soạn thảo các văn bản QPPL thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về giao thông đường bộ trong Quân đội. Duy trì nghiêm hoạt động kiểm tra, kiểm soát phương tiện quân sự hoạt động ngoài doanh trại. Phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng trên địa bàn, tham gia hướng dẫn, bảo đảm TTATGT.
Bảy là, các bộ, ngành, đoàn thể, các cơ quan thành viên của Ủy ban ATGT Quốc gia, các tổ chức chính trị - xã hội, các cơ quan thông tin đại chúng ở Trung ương và địa phương, đẩy mạnh công tác tuyên truyền pháp luật TTATGT để nâng cao ý thức tự giác của người tham gia giao thông. Đổi mới phương thức tuyên truyền, xây dựng văn hoá giao thông theo tổ chức gắn với vai trò nêu gương của người đứng đầu; tập trung xây dựng văn hoá giao thông an toàn trong đơn vị kinh doanh vận tải, doanh nghiệp, khu công nghiệp có đông công nhân, trường đại học, cao đẳng, dạy nghề.
Tám là, Ban ATGT các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh tiếp tục triển khai Kế hoạch Năm ATGT 2023 tại địa phương, đồng thời chỉ đạo các cơ quan chức năng của địa phương: Sơ kết công tác bảo đảm TTTAGT quý I và định hướng nhiệm vụ Quý II năm 2023; triển khai thực hiện Công điện của Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo về bảo đảm TTATGT đợt nghỉ lễ 30/4 -1/5 và cao điểm Du lịch Hè 2023.
Quan tâm lồng ghép mục tiêu và giải pháp dài hạn về an toàn giao thông trong quy hoạch tỉnh, thành phố cũng như các quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành trên địa bàn địa phương.
Chỉ đạo chính quyền các cấp phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị chức năng xử lý nghiêm các vi phạm hành lang an toàn giao thông đường bộ, đường sắt. Tăng cường kiểm tra chấp hành các quy định về bảo đảm TTATGT đối với hoạt động kinh doanh vận tải đường bộ, đường thuỷ nội địa trên địa bàn. Ưu tiên sử dụng nguồn kinh phí bảo trì đường bộ để khắc phục các “điểm đen”, điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông, làm gờ giảm tốc, biển cảnh báo nguy hiểm từ đường phụ ra đường chính và tại nút giao giữa đường bộ và đường sắt. Tiếp tục tăng cường TTKS xử lý vi phạm về TTATGT theo chỉ đạo của Bộ Công an, Cục Cảnh sát giao thông, kế hoạch năm ATGT 2023 của địa phương; ưu tiên kiểm tra, xử lý hành vi vi phạm quy định về nồng độ cồn, ma tuý khi lái xe; chở hàng hoá quá tải trọng quy định của phương tiện và cầu đường v.v…. Đối với các tỉnh, thành phố có TNGT tăng cao trong quý I, đề nghị tổ chức kiểm điểm, đánh giá trách nhiệm của các địa bàn, lĩnh vực để xảy ra TNGT tăng, gắn trách nhiệm người đứng đầu đơn vị, địa phương trong công tác bảo đảm TTATGT.
Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và các đô thị trực thuộc Trung ương xây dựng và triển khai kế hoạch thực hiện các giải pháp đột phá về chống ùn tắc giao thông: Phát huy hiệu quả hoạt động của các tuyến đường sắt đô thị sau khi chính thức được đưa vào khai thác sử dụng, trong đó tăng cường kết nối với với các loại hình vận tải công cộng khác nhằm giảm lưu lượng sử dụng phương tiện cá nhân, hình thành văn hóa và thói quen sử dụng phương tiện công cộng thường xuyên cho người dân đô thị, giúp lưu thông thuận tiện và giảm tai nạn giao thông. Chỉ đạo lực lượng Cảnh sát giao thông và Thanh tra giao thông thường xuyên khảo sát, cập nhật các bất cập, các điểm ùn tắc giao thông để có giải pháp phân luồng, điều tiết và tổ chức giao thông hợp lý. Tập trung lập lại trật tự lòng, lề đường; ưu tiên sử dụng lề đường, vỉa hè cho người đi bộ và bố trí trạm dừng đón/trả khách cho xe buýt; xử lý nghiêm các hành vi sử dụng trái phép lòng, lề đường, hè phố./.