Thực hiện Kế hoạch số 827/KH-BGDĐT ngày 30/5/2023 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc triển khai Chương trình “Tôi yêu Việt Nam” trong cấp học giáo dục mầm non năm học 2023-2024, Sở Giáo dục và Đào tạo đã ban hành kế hoạch số 52/KH-SGĐT ngày 04 tháng 8 năm 2023 về việc triển khai thực hiện Chương trình “Tôi yêu Việt Nam” trong cấp học giáo dục mầm non năm học 2023-2024 tren địa bàn tỉnh Ninh Bình.
Chương trình đề ra những mục tiêu và yêu cầu cụ thể như sau:
-Về mục tiêu
+ 100% trẻ 3-5 tuổi trong các cơ sở giáo dục mầm non được tham gia Chương trình và có nhận thức, kỹ năng, thái độ về an toàn giao thông.
+ 100% cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên trong các cơ sở giáo dục mầm non tiếp tục tự bồi dưỡng nâng cao năng lực về quản lý và tổ chức hoạt động giáo dục an toàn giao thông cho trẻ mẫu giáo 3-5 tuổi phù hợp với điều kiện cụ thể của trường, lớp, địa phương.
+ Tăng cường huy động sự tham gia của gia đình và xã hội, tạo sự thống nhất trong giáo dục an toàn giao thông cho trẻ trong các cơ sở giáo dục mầm non.
+ Đẩy mạnh phong trào thi đua, xây dựng mô hình điểm đảm bảo trật tự, an toàn giao thông trong ngành Giáo dục nói chung và công tác giáo dục an toàn giao thông trong cấp học giáo dục mầm non nói riêng.
- Về yêu cầu
+ Chương trình được triển khai thống nhất, đồng bộ, hiệu quả, đúng mục tiêu, đáp ứng yêu cầu về tiến độ trên cơ sở tuân thủ các quy định hiện hành.
+ Các đơn vị triển khai thực hiện Chương trình bảo đảm không trùng lặp về nội dung, thời gian với các chương trình khác có liên quan đến an toàn giao thông; tăng cường sự phối hợp chặt chẽ giữa ngành giáo dục mầm non với Ban an toàn giao thông tỉnh và các cơ quan liên quan trong việc triển khai thực hiện Chương trình.
+ Công tác tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên mầm non tổ chức các hoạt động giáo dục an toàn giao thông cho trẻ đảm bảo phù hợp, hiệu quả.
+ Các hoạt động truyền thông về pháp luật bảo đảm trật tự an toàn giao thông và giáo dục an toàn giao thông cho trẻ trong các cơ sở giáo dục mầm non đảm bảo phù hợp đặc điểm tâm, sinh lý lứa tuổi, đa dạng về nội dung và linh hoạt hình thức tổ chức.
+ Công tác kiểm tra, giám sát, tư vấn, đánh giá hiệu quả Chương trình được tiến hành thường xuyên và định kỳ trên cơ sở thống nhất giữa các bên liên quan.
Để đạt được những mục tiêu đề ra, Kế hoạch đã đề ra các nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm, như sau:
1. Tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông đến cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, cha mẹ trẻ về pháp luật bảo đảm trật tự an toàn giao thông và giáo dục an toàn giao thông cho trẻ trong các cơ sở giáo dục mầm non bằng nhiều hình thức khác nhau: hội thảo, hội nghị, tập huấn, tổ chức sự kiện, đưa tin, phóng sự, tài liệu, tranh, ảnh về giáo dục an toàn giao thông...; truyền thông các thông điệp: “Trẻ em phải được đảm bảo an toàn khi ngồi trên mô tô, xe gắn máy, xe đạp điện”; “Đội mũ cho con - trọn tình cha mẹ”; “Đảm bảo an toàn giao thông - trách nhiệm của mỗi người”; “Đã uống rượu, bia không lái xe”…
2. Xây dựng kế hoạch thực hiện Chương trình phù hợp với điều kiện của nhà trường, địa phương; chỉ đạo, tổ chức thực hiện các hoạt động giáo dục an toàn giao thông cho trẻ trong cơ sở giáo dục mầm non theo kế hoạch.
3. Tổ chức hội nghị, tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên trong công tác quản lý, chỉ đạo và tổ chức các hoạt động giáo dục an toàn giao thông cho trẻ 3-5 tuổi tại các cơ sở giáo dục mầm non. Tổ chức rà soát, tham mưu bổ sung các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị, đồ dùng, đồ chơi, tài liệu về chủ đề an toàn giao thông phục vụ cho việc giảng dạy và công tác tuyên truyền; xây dựng sa hình an toàn giao thông đường bộ tại vị trí thích hợp trong các điểm trường mầm non tạo điều kiện cho trẻ được thực hành về an toàn giao thông; xây dựng cổng trường giao thông an toàn.
4. Thúc đẩy việc sử dụng các nguồn tài liệu như phim hoạt hình và truyện tranh “Vui giao thông” cùng các giáo cụ khác trong giáo dục an toàn giao thông cho trẻ em tại các cơ sở giáo dục mầm non. Khuyến khích cơ sở giáo dục mầm non tổ chức các hoạt động về an toàn giao thông có sự tham gia của gia đình, cộng đồng.
5. Tổ chức Giao lưu “Bé với an toàn giao thông” trong cấp học giáo dục mầm non tỉnh Ninh Bình năm học 2023-2024.
6. Kiểm tra, đánh giá, tư vấn, hỗ trợ chuyên môn trong việc thực hiện Chương trình tại các huyện, thành phố.
7. Tuyên dương, khen thưởng các cá nhân, tập thể điển hình, tiên tiến trong quá trình triển khai Chương trình giai đoạn 2020-2024.
Để thực hiện được các giải pháp nêu trên, trong Kế hoạch đã xác định những nhiệm vụ cụ thể đối với các đơn vị có liên quan:
1. Sở Giáo dục và Đào tạo
- Chủ trì, phối hợp với Ban an toàn giao thông tỉnh Ninh Bình xây dựng, ban hành Kế hoạch Chương trình “Tôi yêu Việt Nam” năm học 2023-2024, xây dựng Kế hoạch tổ chức Giao lưu“Bé với an toàn giao thông”trong cấp học giáo dục mầm non tỉnh Ninh Bình.
- Phối hợp với Ban an toàn giao thông tỉnh, các cửa hàng bán xe và dịch vụ do Honda ủy quyền tại địa phương và các đơn vị liên quan triển khai các hoạt động theo Kế hoạch; tổ chức theo dõi, giám sát, đánh giá hiệu quả Chương trình.
- Chỉ đạo, đôn đốc phòng Giáo dục - Đào tạo các huyện, thành phố triển khai Chương trình theo đúng yêu cầu về nội dung và tiến độ. Phối hợp với cơ quan truyền thông tuyên truyền về nội dung và kết quả thực hiện Chuyên đề.
- Tổ chức Giao lưu“Bé với an toàn giao thông” trong cấp học giáo dục mầm non tỉnh Ninh Bình.
- Cử cán bộ quản lý, giáo viên mầm non cốt cán của tỉnh tham dự các lớp tập huấn, bồi dưỡng do Bộ giáo dục đào tạo tổ chức. Tổ chức tập huấn hướng dẫn thực hiện Chương trình cho đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên mầm non.
- Tiếp tục chỉ đạo xây dựng mô hình điểm Chương trình tại thành phố Ninh Bình. Kiểm tra, tư vấn, hỗ trợ kỹ thuật tại các huyện, thành phố (kết hợp kiểm tra nhiệm vụ năm học).
- Tổ chức lựa chọn sản phẩm điển hình, giải pháp sáng tạo về triển khai thực hiện Chương trình của cơ sở giáo dục mầm non để nhân rộng tại địa phương.
- Tổ chức bình chọn, giới thiệu đề nghị tuyên dương, khen thưởng cá nhân, tập thể điển hình, tiên tiến trong quá trình triển khai Chương trình.
2. Đề nghị Ban An toàn giao thông tỉnh Ninh Bình
- Phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo xây dựng kế hoạch triển khai Chương trình và thực hiện các hoạt động giáo dục an toàn giao thông cho trẻ mẫu giáo theo Kế hoạch.
- Hỗ trợ công tác truyền thông, hỗ trợ Giao lưu “Bé với an toàn giao thông” trong cấp học giáo dục mầm non tỉnh Ninh Bình, công tác tập huấn tăng cường năng lực cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên mầm non về kiến thức pháp luật, quản lý và tổ chức các hoạt động giáo dục an toàn giao thông cho trẻ mẫu giáo 3-5 tuổi.
- Phối hợp với các cơ quan chức năng tại địa phương tăng cường công tác kiểm tra, giám sát các phương tiện đưa đón trẻ đảm bảo tuyệt đối an toàn khi tham gia giao thông.
- Chỉ đạo, đôn đốc Ban an toàn giao thông các huyện, thành phố phối hợp với phòng Giáo dục- Đào tạo thực hiện các nhiệm vụ theo Kế hoạch.
3. Cửa hàng bán xe và dịch vụ do Honda ủy quyền tại tỉnh Ninh Bình
Phối hợp cùng Sở Giáo dục – Đào tạo, Ban an toàn giao thông tỉnh hỗ trợ Giao lưu “Bé với an toàn giao thông” trong cấp học giáo dục mầm non tỉnh Ninh Bình; hỗ trợ triển khai bồi dưỡng, tập huấn nhằm nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý và giáo viên mầm non tổ chức các hoạt động giáo dục an toàn giao thông cho trẻ mẫu giáo 3-5 tuổitrong các cơ sở giáo dục mầm non.
4. Phòng Giáo dục và Đào tạo
- Căn cứ vào Kế hoạch của Sở Giáo dục và Đào tạo, Phòng Giáo dục và Đào tạo xây dựng kế hoạch Chương trình phù hợp với điều kiện của địa phương, thực hiện theo phương châm rõ nội dung, biện pháp thực hiện và có hiệu quả bằng minh chứng cụ thể.
- Chủ động phối hợp với Ban an toàn giao thông và các ngành liên quan tại cấp huyện để được hỗ trợ kỹ thuật, tư vấn các nội dung liên quan về an toàn giao thông nhằm triển khai các hoạt động theo Kế hoạch.
- Chỉ đạo, đôn đốc các cơ sở giáo dục mầm non thực hiện các hoạt động theo Kế hoạch; phối hợp với cơ quan truyền thông đẩy mạnh công tác tuyên truyền về an toàn giao thông. Chỉ đạo các cơ sở giáo dục mầm non phối hợp với Ban Đại diện cha mẹ trẻ đẩy mạnh công tác tuyên truyền về an toàn giao thông. Thường xuyên thực hiện công tác kiểm tra, đôn đốc, giám sát.
- Xây dựng trường điểm, mô hình điểm tại huyện, thành phố (Mỗi huyện chọn 1 đến 2 trường mầm non chỉ đạo xây dựng mô hình điểm thực hiện Chương trình). Phòng Giáo dục và Đào tạo duyệt, gửi kế hoạch về Sở Giáo dục và Đào tạo.
- Tổ chức tập huấn hướng dẫn thực hiện Chương trình cho đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên mầm non. Chỉ đạo 100% cơ sở giáo dục mầm non tổ chức tập huấn cho toàn thể cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên về nội dung kế hoạch theo đúng yêu cầu và đảm bảo chất lượng.
- Tổ chức Giao lưu “Bé với an toàn giao thông” trong cấp học giáo dục mầm non cấp huyện; tuyển chọn Đoàn tuyển dự Giao lưu “Bé với an toàn giao thông” cấp tỉnh.
- Báo cáo kết quả thực hiện Chương trình gửi về Sở Giáo dục và Đào tạo (kèm theo Báo cáo tổng kết năm học).
5. Các cơ sở giáo dục mầm non
- Tiến hành tự rà soát, đánh giá các điều kiện thực hiện Chương trình; xây dựng kế hoạch thực hiện Chương trình phù hợp với điều kiện của nhà trường, địa phương, thực hiện theo phương châm rõ nội dung, nhiệm vụ, biện pháp thực hiện và kết quả bằng minh chứng cụ thể.
- Cử cán bộ quản lý, giáo viên cốt cán tham dự các lớp tập huấn, bồi dưỡng do Sở, Phòng GDĐT tổ chức. Tổ chức tập huấn, bồi dưỡng cho 100% cán bộ quản lý, giáo viên theo nhu cầu để đáp ứng năng lực thực hiện kế hoạch Chương trình.
- Tuyên truyền tại trang thông tin điện tử (website) của cơ sở giáo dục mầm non về điều kiện, chất lượng giáo dục toàn diện của đơn vị; đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục bổ sung các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị, đồ dùng, đồ chơi, tài liệu về chủ đề an toàn giao thông; xây dựng sa hình an toàn giao thông đường bộ tại vị trí thích hợp tại các điểm trường mầm non; xây dựng cổng trường giao thông an toàn.Tăng cường truyền thông về an toàn giao thông; tổ chức các hoạt động về an toàn giao thông có sự tham gia của gia đình, cộng đồng.
- Tổ chức Giao lưu “Bé với an toàn giao thông” cấp trường. Tham gia Giao lưu “Bé với ATGT” cấp huyện, cấp tỉnh. Báo cáo kết quả triển khai Chương trình lồng ghép báo cáo tổng kết năm học./.
Văn phòng Ban an toàn giao thông
Chính Lê