Nhiều học sinh đầu trần đi xe đạp điện không bị phạt

Thứ năm, 13/09/2018 Đã xem: 432 | Nhận xét: 0
  • Đánh giá cho bài viết:
  • 0 điểm ( 0 đánh giá )

Theo Luật Giao thông đường bộ, đội mũ bảo hiểm (MBH) là điều kiện bắt buộc đối với người điều khiển, người ngồi trên xe mô tô, xe gắn máy, xe máy điện, xe đạp điện khi tham gia giao thông. Đây là quy định rất đúng đắn để giúp hạn chế số ca chấn thương sọ não xảy ra khi tham gia giao thông. Tuy nhiên, trên thực tế ở Hà Nội cũng như nhiều địa phương hiện nay đa số học sinh sử dụng xe đạp điện và xe máy điện không chấp hành nghiêm chỉnh quy định này.

 

Ảnh minh họa từ internet

Quan sát tại nhiều tuyến đường, phóng viên bắt gặp rất nhiều người tham gia điều khiển xe máy điện và xe đạp điện không đội MBH và chiếm phần nhiều trong số đó là các em học sinh. Thế nhưng, đa số các em đều không bị phạt, thậm chí đi qua mặt cảnh sát giao thông cũng không hề bị phạt.

Ông Trần Văn Thủy, một người bán hàng tại đường Kim Giang cho biết: “Tôi cũng chẳng mấy khi thấy CSGT phạt những trường hợp đi xe máy điện, xe đạp điện không đội MBH. Nếu cứ thả nổi như hiện nay thì sẽ khiến cho người điều khiển loại phương tiện này ngày càng coi thường pháp luật”. Về phần học sinh, em Trần Thị Thủy, học sinh trường THPT Chu Văn An cho biết: “Lớp em đa số các bạn đều đi xe đạp điện nhưng không đội MBH. Chúng em không đội mũ là theo trào lưu, nhiều khi có bạn nào đó đội thì các bạn khác chỉ trỏ nói là nhà quê, không sành điệu. Hơn nữa, cũng chả ai thèm bắt học sinh đi xe đạp điện hay xe máy điện không đội MBH đâu ạ”.

Có nhiều lý do khiến cơ quan chức năng làm ngơ trước vi phạm về MBH của học sinh khi tham giao thông bằng xe máy điện, xe đạp điện. Đó là do lực lượng mỏng không phạt xuể, học sinh đi học không mang tiền để nộp phạt, nhà trường và gia đình tuyên truyền chưa mạnh, kiểm tra chưa sát sao...

Theo thống kê, có tới 55% các vụ tai nạn giao thông xảy ra đối với học sinh THPT là do xe máy điện và xe đạp điện. Mỗi năm có 1.800 - 1.900 trẻ tử vong do tai nạn giao thông. Tỷ lệ thiệt mạng trên 100 học sinh do tai nạn giao thông của nhóm học sinh THPT tại Hà Nội vào năm 2016 là 7,39. Tỷ lệ này cao hơn nhiều so với tỷ lệ trung bình ở khu vực châu Á (gấp 1,25 lần tỷ lệ trung bình của Campuchia; gấp 2,73 lần tỷ lệ của Nhật Bản và gấp 1,84 lần Hàn Quốc).

Vì thế, để hạn chế số người tử vong do hệ quả đáng tiếc của tai nạn giao thông gây ra, cơ quan chức năng và các trường học cần phải thực hiện một cách triệt để và cương quyết hơn nữa, siết chặt công tác kiểm tra và tiến hành các biện pháp phạt đúng như quy định của Luật Giao thông đường bộ. Đồng thời nâng cao ý thức tự giác chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông, xây dựng văn hóa giao thông trong các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thanh, thiếu niên. 

Nguồn: Báo Pháp luật Việt Nam

Ý kiến bạn đọc