Bắc Kạn: Xây dựng văn hóa giao thông trong thanh, thiếu niên

Thứ hai, 10/09/2018 Đã xem: 434 | Nhận xét: 0
  • Đánh giá cho bài viết:
  • 0 điểm ( 0 đánh giá )

Thực hiện chủ đề “Xây dựng văn hóa giao thông trong thanh, thiếu niên” của Năm an toàn giao thông 2017, Ban An toàn giao thông tỉnh Bắc Kạn chỉ đạo các ngành, địa phương triển khai nhiều giải pháp đồng bộ nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông, đặc biệt là thanh, thiếu niên.

 

Một bộ phận không nhỏ thanh, thiếu niên khi điều khiển phương tiện chưa chấp hành tốt Luật Giao thông đường bộ

Theo các cơ quan chức năng, nguyên nhân gây tai nạn giao thông chủ yếu đều do ý thức của người tham gia giao thông chưa tốt. Một bộ phận không nhỏ thanh, thiếu niên khi điều khiển phương tiện chưa chấp hành tốt Luật Giao thông đường bộ. Phân tích 69 vụ tai nạn giao thông đường bộ xảy ra trên địa bàn tỉnh trong năm 2016 của cơ quan chức năng, có 25 vụ đối tượng gây tai nạn trong độ tuổi từ 18 - 27 tuổi, trong đó dưới 18 tuổi gây tai nạn là 06 vụ. Con số này cho thấy tình trạng thanh, thiếu niên gây tai nạn là không nhỏ.

Theo số liệu của Phòng Cảnh sát giao thông (Công an tỉnh Bắc Kạn) số lượng xe máy điện đang quản lý tính đến ngày 31/1/2017 là 1.739 phương tiện. Không khó bắt gặp học sinh điều khiển xe máy điện, xe đạp điện tham gia giao thông có những vi phạm như: không chấp hành quy định về phần đường, làn đường, vượt đèn đỏ, không đội mũ bảo hiểm…

Nhằm nâng cao văn hóa giao thông cho học sinh, Sở Giáo dục và Đào tạo đã triển khai công tác giáo dục về trật tự an toàn giao thông bằng cách tích hợp, lồng ghép trong các môn học hay các hoạt động giáo dục ngoại khóa. Năm học 2015 - 2016, các trường học đã tổ chức tuyên truyền được 5.524 buổi với 181.000 lượt người tham gia; học kỳ I năm học 2016 - 2017 Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Công an tỉnh, Ban An toàn giao thông tỉnh tổ chức được 6 lớp tập huấn phổ biến kiến thức pháp luật về an toàn giao thông cho 400 cán bộ, giáo viên các trường học. Tổ chức các cuộc thi như “Giao thông thông minh” trên Internet cho học sinh, các buổi ngoại khóa bằng hình thức sân khấu hóa để học sinh tìm hiểu kiến thức pháp luật về an toàn giao thông, Luật Giao thông đường bộ.

Các huyện, thành phố cũng đẩy mạnh tuyên truyền pháp luật về trật tự an toàn giao thông cho đối tượng đoàn viên, thanh thiếu niên. Cụ thể: Huyện Chợ Đồn phối hợp với Tỉnh đoàn tổ chức “Ngày hội thanh niên với văn hóa giao thông” thu hút hơn 900 học sinh và 300 đoàn viên, thanh niên các xã, thị trấn tham dự; phối hợp với Phòng CSGT Công an tỉnh tổ chức cuộc thi tìm hiểu về Luật Giao thông đường bộ; Huyện Na Rì tổ chức Hội thi phụ trách Sao giỏi - Sao nhi đồng chủ đề An toàn giao thông với 22 đội (145 đội viên, thiếu niên) tham dự; xây dựng 40 cổng trường an toàn giao thông; tuyên truyền an toàn giao thông cho 850 đoàn viên và 4.000 đội viên, thanh thiếu niên trên địa bàn huyện…

Năm 2016 Tỉnh đoàn Bắc Kạn đã phối hợp với Ban An toàn giao thông tỉnh tổ chức ra quân Tháng thanh niên, phát 430 tờ rơi về an toàn giao thông; phối hợp với Công an tỉnh ra quân hưởng ứng Tháng cao điểm An toàn giao thông tại Trung tâm Hoạt động Thanh thiếu niên tỉnh, thu hút 500 đoàn viên, thanh niên tham gia; tổ chức cho đoàn viên, thanh thiếu nhi tham gia cuộc thi sáng tác khẩu hiệu “Doraemon với an toàn giao thông tại Việt Nam”; duy trì mô hình cổng trường an toàn giao thông tại nhiều trường THPT trên địa bàn.

Đồng chí Nguyễn Thị Huế - Phó Bí thư Tỉnh đoàn cho biết: “Toàn tỉnh hiện có khoảng 87.000 thanh, thiếu niên, trong đó có khoảng 25.000 là đoàn viên sinh hoạt tại các tổ chức đoàn. Chủ đề Năm An toàn giao thông 2017 “Xây dựng văn hóa giao thông trong thanh, thiếu niên” là nội dung phù hợp, thiết thực. Bởi lẽ rất cần thay đổi nhận thức về an toàn giao thông cho mỗi người ngay từ khi còn là thiếu niên, nhi đồng, đoàn viên, thanh niên. Xây dựng cho các em có ý thức bảo vệ mình, bảo vệ mọi người khi tham gia giao thông từ nhỏ đến lúc trưởng thành, khi đó chúng ta sẽ xây dựng được một xã hội an toàn giao thông hiệu quả”.

Năm an toàn giao thông năm 2017, một trong những giải pháp trọng tâm mà Ban An toàn giao thông tỉnh đặt ra đó là tăng cường phối hợp giữa Ban An toàn giao thông tỉnh, Tỉnh đoàn, đặc biệt là Sở Giáo dục và Đào tạo triển khai đẩy mạnh văn hóa giao thông trong trường học. Các trường học yêu cầu giáo viên chủ nhiệm phối hợp với phụ huynh học sinh đề nghị học sinh các cấp đội mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe gắn máy, xe đạp điện, ngăn chặn tình trạng học sinh điều khiển mô tô, xe gắn máy khi chưa đủ tuổi, chưa có giấy phép lái xe, tự giác chấp hành quy tắc giao thông.

Để đạt hiệu quả sát thực, Ban An toàn giao thông tỉnh yêu cầu đổi mới công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động thanh, thiếu niên chấp hành pháp luật an toàn giao thông; tăng cường hướng dẫn kỹ năng tham gia giao thông an toàn; tiếp tục đẩy mạnh thực hiện hiệu quả cuộc vận động “Thanh niên với văn hóa giao thông”; tập trung tuyên truyền theo chủ đề Năm An toàn giao thông 2017 “Xây dựng văn hóa giao thông trong thanh, thiếu niên” với mục tiêu “Tính mạng con người là trên hết”.
 

Nguồn: Báo Bắc Kạn

Ý kiến bạn đọc