Cùng với việc dành cho trẻ em môi trường sống thuận lợi nhất để phát triển thì việc bảo vệ các em khỏi tai nạn giao thông (TNGT) - nguyên nhân đứng thứ hai gây tử vong và thương tích nghiêm trọng đối với trẻ em tại Việt Nam là điều mà mỗi bậc phụ huynh cần ghi nhớ…
Thời gian gần đây, nhiều vụ TNGT đã cướp đi sinh mạng của nhiều trẻ em đã gây rúng động xã hội. Hình ảnh tại hiện trường các vụ tai nạn đã để lại những cú sốc tinh thần không chỉ cho người thân các em, mà bất kể ai đó khi nhìn thấy. Những cái chết thương tâm trên đường đi học về, khi trên người vẫn còn vận bộ đồng phục và chiếc khăn quàng đỏ thắm…, quả thật rất chua xót.
Thế nhưng trong số các vụ TNGT xảy ra, phần lỗi có khi thuộc về những kẻ điều khiển phương tiện vô tâm, có khi lại do sự bất cẩn của chính các em. Do vậy, cùng với việc xử lý thật mạnh tay để răn đe những kẻ vi phạm pháp luật thì chuyện chủ động giáo dục ý thức tự giác chấp hành các quy tắc về đảm bảo ATGT cho trẻ em cần được phụ huynh quan tâm, áp dụng từ sớm.
Các bậc cha mẹ, thầy cô giáo cần dạy các em có kỹ năng sống
và kỹ năng phòng chống tai nạn thương tích, trong đó có TNGT. Ảnh minh họa
Cùng với thầy cô, nhà trường, cha mẹ hãy là người trực tiếp hướng dẫn các em kỹ năng tham gia giao thông an toàn. Thói quen ấy cần được hình thành và nuôi dưỡng mỗi ngày, mỗi khi ra đường. Đặc biệt, mỗi phụ huynh phải tuyệt đối là những tấm gương tự giác chấp hành nghiêm các quy định về đảm bảo ATGT để trẻ em, học sinh ghi nhớ và noi theo.
Theo Tổ chức Y tế thế giới, TNGT đường bộ là nguyên nhân đứng thứ hai gây tử vong và thương tích nghiêm trọng đối với trẻ em tại Việt Nam, sau tai nạn đuối nước. Trung bình, mỗi năm có hơn 1.900 trẻ em tử vong vì TNGT - một con số thật khủng khiếp. Tuy nhiên, mối nguy cơ này hoàn toàn có thể được khắc chế và triệt tiêu, nếu như những người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ, trong đó có các bậc phụ huynh, luôn tuân thủ các quy định của pháp luật về ATGT và nêu cao ý thức trách nhiệm mỗi khi đi trên đường.
Trên thực tế, mỗi người điều khiển phương tiện lưu thông đều là bậc phụ huynh của những đứa trẻ nào đó. Và thái độ ứng xử, thói quen cầm lái, ý thức chấp hành quy định pháp luật của họ luôn được trẻ em nhìn thấy. Những hành vi đó tác động trực tiếp đến suy nghĩ và hành động của các em, như những hình ảnh được lặp đi lặp lại thường xuyên. Để bảo vệ trẻ em từ hôm nay, các bậc phụ huynh không cho trẻ tham gia giao thông khi chưa đủ tuổi, chưa có giấy phép lái xe và kinh nghiệm xử lý tình huống, thậm chí không chở trẻ khi trên người trẻ chưa trang bị mũ bảo hiểm.
Đồng thời, đừng chỉ giáo dục suông cho trẻ về chuyện chấp hành pháp luật ATGT bằng lý thuyết (để rồi có khi người lớn lại làm ngược lại), mà hãy cho trẻ thấy thái độ tôn trọng pháp luật, cẩn trọng với tay lái cũng như quý trọng sự an toàn của những người cùng đi trên đường mà người lớn thể hiện. Đó là cách dạy và bảo vệ trẻ chủ động nhất!
Nguồn: Báo Bạc Liêu