Ngành Giao thông vận tải tỉnh Ninh Bình triển khai thực hiện các nhiệm vụ chính trị gắn với công tác bảm đảm trật tự an toàn giao thông trong 6 tháng đầu năm 2023.

Thứ bảy, 10/06/2023 Đã xem: 225 | Nhận xét: 0
  • Đánh giá cho bài viết:
  • 0 điểm ( 0 đánh giá )

       Thực hiện chương trình công tác năm 2023, trong 6 tháng đầu năm, ngành Giao thông vận tải tỉnh Ninh Bình đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ theo kế hoạch với 2 lĩnh vực trọng tâm là xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông và duy trì đảm bảo hoạt động vận tải phục vụ nhân dân đi lại thuận tiện, an toàn. Bên cạnh đó Sở Giao thông vận tải cũng đã chỉ đạo duy trì thường xuyên công tác thanh tra kiểm tra chuyên ngành về thực hiện các quy định của pháp luật trong hoạt động giao thông vận tải nhằm phục vụ hoạt động vận tải và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông. Kết quả đạt được ở một số nội dung công tác cụ thể như sau:

  1. Công tác quản lý vận tải

       Chỉ đạo các đơn vị vận tải, bến xe thực hiện tốt công tác phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân, đặc biệt trong các dịp cao điểm như tết Dương lịch, tết Nguyên đán, mùa Lễ hội xuân năm 2023, dịp lễ Giỗ tổ Hùng Vương, 30/4 và 01/5, kỳ thi tuyển sinh năm 2023…bảo đảm trật tự, an toàn giao thông gắn với phòng, chống dịch Covid-19.

       Phối hợp với Sở văn hóa và Thể thao xây dựng kế hoạch và phương án bố trí phương tiện phục vụ đưa, đón    đại biểu dự Lễ kỷ niệm 1055 Nhà nước Đại Cồ Việt và khai mạc Lễ hội Hoa Lư năm 2023 đảm bảo nhanh chóng, kịp thời và an toàn.

       Thường xuyên đôn đốc, chấn chỉnh, kiểm tra và xử lý nghiêm các vi phạm trong việc chấp hành các quy định trong hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ô tô đối với các đơn vị kinh doanh vận tải và bến xe trên địa bàn.

       Tăng cường công tác quản lý phương tiện, báo cáo hoạt động tại các đơn vị Đăng kiểm trên địa bàn tỉnh. Làm việc, yêu cầu các Trung tâm đăng kiểm cam kết thực hiện nghiêm, đúng, đầy đủ các quy định của pháp luật về điều kiện kinh doanh, quản lý, hoạt động dịch vụ kiểm định xe cơ giới quy định; tăng thời gian làm việc để đáp ứng nhu cầu kiểm định tăng cao phục vụ nhu cầu của nhân dân.

       Rà soát, bám sát các văn bản chỉ đạo của Bộ Giao thông vận tải, Cục Đường bộ Việt Nam về công tác đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ để tổ chức triển khai có hiệu quả các giải pháp nâng cao chất lượng dịch vụ đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe trên địa bàn tỉnh. Tăng cường giám sát công tác đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe, phân công rõ nhiệm vụ của cán bộ, chuyên viên trong công tác quản lý đào tạo, sát hạch; đôn đốc các cơ sở đào tạo lắp đặt hệ thống thiết bị giám sát về thời gian và quãng đường học thực hành lái xe đạt 100%, tăng cường quản lý, kiểm tra việc khai thác và sử dụng dữ liệu DAT đối với trung tâm, cơ sở đào tạo lái xe trên địa bàn tỉnh.

       Ước kết quả 6 tháng đầu năm: đã cấp 26 giấy kinh doanh vận tải; 1.238 phù hiệu vận tải; cấp mới và đổi 115 đăng ký phương tiện thủy; 90 đăng ký xe, máy chuyên dùng; 190 giấy chứng nhận xe tập lái; cấp mới và cấp đổi 6.298 giấy phép lái xe ô tô, 3.441 giấy phép lái xe mô tô; 17 giấy chứng nhận khả năng chuyên môn thuyền trưởng hạng 3 và 24 giấy chứng nhận khả năng chuyên môn máy trưởng hạng 3.

  1. Công tác quản lý kết cấu hạ tầng giao thông

        - Công tác quản lý quy hoạch và triển khai thực hiện quy hoạch: Trong 6 tháng đầu năm đã góp ý vào các hồ sơ quy hoạch, các nội dung có liên quan đến quản lý quy hoạch, thực hiện quy hoạch trên địa bàn tỉnh đảm bảo nội dung và thời gian yêu cầu. Góp ý báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư 35 dự án. Trình UBND tỉnh thẩm định dự án ĐT.478C; gia hạn tiến độ thực hiện lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đường Đông – Tây (giai đoạn II) và ĐT.481B; thẩm định hồ sơ mời thầu, tư vấn báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đường Đông – Tây (giai đoạn II).

       - Công tác quản lý KCHTGT: Tham gia ý kiến vào các dự thảo xây dựng, tổ chức giao thông trên địa bàn tỉnh đảm bảo chất lượng và thời gian yêu cầu. Tăng cường công tác quản lý hành lang an toàn đường bộ, đấu nối vào quốc lộ trên các tuyến đường do Sở Giao thông vận tải ủy quyền quản lý, bảo vệ kết cấu hạ tầng; từ đầu năm đến nay đã thực hiện 176 lượt kiểm tra, lập biên bản 43 trường hợp vi phạm.

          Tiếp nhận, quản lý hạng mục hàng rào, đường gom đã thi công hoàn thành thuộc dự án Cải tạo, nâng cấp các công trình thiết yếu đoạn Hà Nội – Vinh, tuyến đường sắt Hà Nội – TP. Hồ Chí Minh.

       Triển khai việc thực hiện, sử dụng và khai thác Hệ thống quản lý tài sản đường bộ (RASM); cầu trên quốc lộ (VBMS); tình trạng mặt đường (PMS).

       Chấp thuận thiết kế, phương án tổ chức giao thông của nút giao đấu nối với Quốc lộ 12B thuộc dự án: Đầu tư xây dựng tuyến đường kết nối đường tỉnh ĐT.479 với QL 12B; chỉ đạo xử lý vi phạm thi công trái phép trong phạm vi bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ trên các tuyến đường nối QL1 với cảng Ninh Phúc, ĐT.480C và xe tải trọng nặng lưu thông trên tuyến QL21B.

       Cấp giấy lưu hành xe quá khổ, tải trọng trên đường bộ: 22 giấy phép. Cấp giấy phép thi công: 07 dự án.

       - Công tác giao thông nông thôn - miền núi và Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới: Tham gia góp ý các dự thảo trong Chương trình nông thôn mới của tỉnh; công nhận huyện Kim Sơn đạt chuẩn Nông thôn mới năm 2022; làm việc với huyện Yên Khánh về công tác xây dựng Nông thôn mới nâng cao.

        - Công tác bảo trì đường bộ: Thẩm định phê duyệt hồ sơ mời thầu, phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu các gói sửa chữa bảo dưỡng các tuyến đường tỉnh, các tuyến Quốc lộ ủy thác do Sở làm chủ đầu tư.

       Trong 6 tháng đầu năm, có 22 công trình sửa chữa định kỳ (trong đó có 10 công trình quốc lộ, 12 công trình đường tỉnh) và 03 công trình sửa chữa nhỏ.

       10 dự án quốc lộ; 09/10 dự án đang tổ chức triển khai thi công; 01 dự án đang chờ kế hoạch vốn để phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu.

       12 dự án đường tỉnh: 04 dự án đang trình sở Kế hoạch đầu tư phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu; 04 dự án đang trình UBND phê duyệt báo cáo kinh tế kỹ thuật: 03 dự án đang thẩm định báo cáo kinh tế kỹ thuật; 01 dự án đang trình lại nhiệm vụ dự toán kinh phí.

       03 dự án sửa chữa nhỏ: 02/03 dự án đã có kết quả lựa chọn nhà thầu xây lắp; 01 dự án đã có quyết định phê duyệt phương án khảo sát.

       - Công tác quản lý nhà nước về đường thủy nội địa: Phê duyệt hồ sơ mời thầu Gói thầu: Quản lý, bảo dưỡng thường xuyên luồng (tuyến) đường thủy nội địa địa phương 9 tháng cuối năm 2023.

        Công bố mở luồng đường thủy nội địa địa phương các tuyến sông Vân, sông Luồng trên địa bàn tỉnh Ninh Bình.

       Làm việc với Cục Đường thủy nội địa tiến hành các thủ tục để tiếp nhận sông Hoàng Long, sông Vạc và tham mưu cho UBND tỉnh tổ chức quản lý, bảo trì theo quy định.

       Tăng cường kiểm tra, bảo đảm trật tự , an toàn giao thông đường thủy, phục vụ tốt nhu cầu đi lại của nhân dân.

       3. Công tác quản lý xây dựng

        - Công tác Quản lý nhà nước về đầu tư xây dựng

       Phối hợp với các sở, ban, ngành       liên quan rà soát, báo cáo, tham mưu các nội dung liên quan đến dự án cao tốc Ninh Bình – Hải Phòng theo yêu cầu của Bộ GTVT và UBND tỉnh.

       Phối hợp với các chủ đầu tư trong công tác thẩm định dự án; Phối hợp với các địa phương trong công tác triển khai thực hiện các dự án.

       Trong 6 tháng đầu năm, Sở đã tiếp nhận và giải quyết 09 hồ sơ thẩm định; đã lập kế hoạch kiểm tra nghiệm thu 18 công trình; đã thực hiện kiểm tra hiện trường và thông báo kết quả nghiệm thu 15 công trình  (08 công trình đang trong giai đoạn thi công, 07 công trình đã hoàn thành).

  • Công tác chủ đầu tư

         Đối với các dự án: dự án Kết nối cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình với QL1, dự án Cao tốc Cao Bồ - Mai Sơn và dự án QL1 đoạn tránh thành phố Ninh Bình, Sở GTVT đã thường xuyên đôn đốc các nhà thầu khắc phục các tồn tại hiện trường và làm việc với các đơn vị tiếp nhận, quản lý để sớm bàn giao được dự án.

        Đối với các dự án đang triển khai thi công, Sở GTVT thường xuyên kiểm tra hiện trường, chấn chỉnh công tác quản lý chất lượng của các dự án, đôn đốc các đơn vị đẩy nhanh tiến độ thi công để đảm bảo kế hoạch giải ngân được giao, đồng thời nắm bắt những thuận lợi, khó khăn, vướng mắc để kịp thời xử lý. Hiện tại tiến độ các dự án như sau:

       Dự án mở rộng ĐT.477( đoạn Km0+00 – Km1+500): Đôn đốc, yêu cầu nhà thầu thi công hoàn thiện đầy đủ hồ sơ để phục vụ công tác quyết toán công trình. Trình UBND tỉnh phê duyệt điều chỉnh thiết kế cơ sở phần vòm trang trí.

       Dự án đường tỉnh ĐT.482: đôn đốc việc triển khai công tác giải phóng mặt bằng để triển khai dự án; hoàn thiện kết quả thẩm định hồ sơ điều chỉnh giá. Hiện đang thi công nền móng, mặt đường và phần cầu các tuyến.

       Dự án cầu sông Vân: Hiện dự án đang thi công cọc khoan nhồi và cọc bê tông thép mố M1, M2.

  1. Công tác bảo đảm TTATGT, thanh tra giao thông

       Chỉ đạo lực lượng tuần tra, kiểm soát, phát hiện, ngăn chặn và xử lý vi phạm hành chính đối với các tổ chức, cá nhân trong việc chấp hành các quy định của pháp luật về quản lý, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông, điều kiện an toàn kỹ thuật của phương tiện cơ giới đường bộ, hoạt động  vận tải và dịch vụ hỗ trợ vận tải tại cơ sở kinh doanh vận tải, trên các tuyến lộ, các đầu mối giao thông và các địa bàn trọng điểm trên địa bàn tỉnh, đặc biệt tăng cường đảm bảo trật tự ATGT trong dịp tết Nguyên đán năm 2023. Tiến hành xử lý các trường hợp vi phạm theo quy định.

        Kết quả từ đầu năm đến nay qua công tác tuần tra kiểm soát đã phát hiện, lập biên bản xử lý vi phạm hành chính đối với 178 trường hợp vi phạm với số tiền phạt là 448.200.000 đồng, tước 11 giấy phép lái xe, 11 phù hiệu vận tải, 05 giấy chứng nhận kiểm định và tem kiểm định.

       Hoàn thành báo cáo theo yêu cầu của Đoàn thanh tra Chính phủ. Kiểm tra việc chấp hành quy định của pháp luật trong công tác đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe trên địa bàn tỉnh theo chỉ đạo tại Kế hoạch sô 954/KH-BGTVT ngày 03/02/2023 của Bộ Giao thông vận tải. Tiếp tục thực hiện Kế hoạch số 36/KH-SGTVT ngày 13/12/2022 kế hoạch kiểm tra xử lý vi phạm trong hoạt động kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô trên địa bàn tỉnh.

       Tăng cường kiểm soát phương tiện vận chuyển lưu thông qua địa bàn tỉnh, các tổ cân xách tay tăng cường kiểm tra tại các mỏ, bến hàng hóa; xử lý nghiêm các phương tiện chở quá tải trọng, cơi nới kích thước thành thùng, không che phủ bạt và làm vật liệu rơi vãi ra đường gây ô nhiễm môi trường tại các Khu Công nghiệp. Kết quả đã lập biên bản đối với 47 trường hợp vi phạm với tổng số tiền phạt là 216.400.000 đồng, tước giấy phép lái xe 03 trường hợp.

  1. Công tác Quản lý cảng vụ đường thủy nội địa

       Thực hiện khảo sát thực trạng hoạt động các bến thủy nội địa trên sông Vạc và sông  Hoàng Long.

       Thường xuyên theo dõi, giám sát việc xếp dỡ hàng hóa lên, xuống phương tiện thủy trong vùng đất, vùng nước bến thủy nội địa; phối hợp với các Cảng vụ đường thủy nội địa, Cảng vụ hàng hải trên toàn quốc xử lý các phương tiện thủy vi phạm hành chính.

       Từ đầu năm đến nay, thực hiện 21 đợt kiểm tra việc chấp hành các quy định về ATGT đường thủy nội địa tại các cảng, bến thủy nội địa trên địa bàn; tiếp nhận 356 lượt hồ sơ phương tiện thủy đề nghị cấp giấy phép vào, rời bến và đã cấp giấy phép cho 320 phương tiện vào bến, rời bến an toàn với trọng tải toàn phần 379.046 tấn, tổng sản lượng hành hóa được thông qua là 185.209 tấn (34 lượt không được cấp giấy phép do không đủ điều kiện an toàn kỹ thuật)./.

 

Ý kiến bạn đọc