Kết nối giao thông, phát triển liên vùng

Thứ sáu, 11/01/2019 Đã xem: 451 | Nhận xét: 0
  • Đánh giá cho bài viết:
  • 0 điểm ( 0 đánh giá )

             Trong ngày 9-10/9, tại các buổi làm việc với tỉnh Thanh Hóa, Nam Định, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể đều nhấn mạnh Bộ sẽ sát cánh cùng địa phương phát huy các lợi thế kết nối giao thông, phát triển liên vùng.

(Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể làm việc tại Cảng tổng hợp quốc tế Nghi Sơn ngày 9/9)

           Kết nối cảng biển, sân bay giúp Thanh Hóa tăng tốc

         Sau khi thực tế tại CHK Thọ Xuân và cảng Nghi Sơn, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, Bí thư tỉnh Thanh Hoá Trịnh Văn Chiến cùng Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá Nguyễn Đình Xứng đã chủ trì buổi làm việc giữa đoàn công tác Bộ GTVT và  tỉnh Thanh Hoá.

         Theo thống kê sơ bộ của tỉnh Thanh Hóa, đợt mưa lũ vừa qua đã cuốn trôi nhiều công trình tài sản của người dân trong tỉnh, ước tính thiệt hại khoảng 2.000 tỷ đồng.

          Nhằm sớm khắc phục hậu quả, ổn định cuộc sống và sản xuất cho nhân dân, tỉnh Thanh Hóa đề nghị T.Ư hỗ trợ 900 tỷ đồng khắc phục xử lý cấp bách các công trình thủy lợi, giao thông, giáo dục và di dời khẩn cấp dân ở vùng có nguy cơ sạt lở cao, xây dựng lại nhà ở cho nhân dân (trong đó, tiền khắc phục giao thông hơn 850 tỷ đồng). Đồng thời, hỗ trợ 1.000 tấn gạo cứu đói cho nhân dân vùng thiệt hại do mưa lũ gây ra...

          Tại buổi làm việc, Bộ trưởng ghi nhận và chia sẻ với những thiệt hại do mưa lũ mà Thanh Hoá đang phải gồng mình khắc phục và giao các cơ quan thuộc Bộ ưu tiên số 1 cho việc khắc phục hậu quả mưa lũ từ bố trí kinh phí đến tăng cường kiểm tra giám sát. Về lâu dài phải thuê tư vấn, giao các cơ quan liên quan nghiên cứu 1 số vị trí xung yếu thường xảy ra sụt trượt để có phương án lâu dài, bền vững. 

           Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể giao Thứ trưởng Lê Đình Thọ, Tổng cục Đường bộ Việt Nam chỉ đạo các đơn vị liên quan phối hợp với chính quyền địa phương tập trung khắc phục hệ thống giao thông sau mưa lũ. Đặc biệt, phải ưu tiên thông tuyến đường 15C sớm nhất đưa huyện Mường Lát thoát khỏi cô lập. Sau khi thông tuyến bước 1 phải tiến hành xử lý, khắc phục sửa chữa hư hỏng các tuyến đường đảm bảo giao thông và phải theo đúng các bước trình tự, quy trình thực hiện.

          Về các đề xuất giao thông khác, Bộ trưởng ghi nhận và thống nhất sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất để Thanh Hoá phát huy các lợi thế về GTVT. Với đề xuất tiếp tục đầu tư xây dựng các bến cảng và nạo vét luồng tàu đi các bến tiếp theo tại cảng biển Nghi Sơn, Bộ trưởng đồng tình việc cần khảo sát kỹ lượng hàng ra vào cảng để có kế hoạch phát triển tiếp theo; cần ưu tiên việc mở rộng luồng để nâng cao năng lực khai thác. Cảng Nghi Sơn là cửa ngõ phát triển của các tỉnh miền Trung, có nhiều tiềm năng phát triển để thu hút lưu lượng vận chuyển, tạo công ăn việc làm. Do đó, cần thiết phải có một cầu cảng container ở đây và cần một kho bãi logistics để phục vụ hậu cần cảng, khai thác tốt nhất các ưu thế của cảng Nghi Sơn.

          Về đề xuất nâng cấp CHK Thọ Xuân thành sân bay quốc tế và nâng cấp đường kết nối giữa CHK Thọ Xuân và cảng biển Nghi Sơn thành quốc lộ, Bộ trưởng đồng tình bởi sự kết nối giữa CHK Thọ Xuân và cảng biển Nghi Sơn là điều kiện để Khu kinh tế Nghi Sơn phát triển, tạo bước đột phá để thu hút nhà đầu tư.

         Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ lưu ý, để phát triển cảng biển Nghi Sơn, địa phương phải phối hợp cùng Bộ GTVT nghiên cứu, dự báo lượng hàng hoá về cảng bằng cách khảo sát kỹ chân hàng, chú ý đất dành cho hậu cần cảng - vấn đề sống còn của cảng. Trong điều kiện khó khăn về vốn, cần vận dụng cơ chế, cố gắng tạo luồng tàu để đáp ứng nhu cầu khai thác cảng biển, chưa vội đầu tư cảng biển. Bởi bài học từ cảng Hải Phòng, khi đã có luồng, nhà đầu tư tranh nhau đầu tư cảng.

         Về đề nghị của tỉnh Thanh Hóa cải dịch QL217B đoạn qua khu di tích Lăng miếu Triệu Tường (xã Hà Long, huyện Hà Trung), Bộ trưởng đồng ý và cho biết, Bộ đã trình Chính phủ phê duyệt điều chỉnh quy hoạch đoạn tuyến này để bảo tồn theo quy định của Luật Di sản. Với dự án tuyến đường bộ ven biển đi qua Thanh Hoá, Bộ trưởng đề nghị địa phương bám sát chủ trương của Chính phủ, vướng ở đâu cùng phối hợp để đề xuất, giải quyết để sớm triển khai.

           Làm cao tốc, đường ven biển kết nối liên vùng

          Chiều 10/9, báo cáo với đoàn công tác Bộ GTVT, ông Phạm Đình Nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định đề nghị Bộ cùng với các Bộ, ngành quan tâm chỉ đạo, thẩm định, sớm trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư xây dựng đường cao tốc Ninh Bình - Nam Định - Thái Bình và đường bộ ven biển đoạn qua tỉnh Nam Định; Cho tỉnh Nam Định được sử dụng nguồn vốn dư của Dự án cầu Thịnh Long để đầu tư xây dựng cầu Ninh Cường vượt sông Ninh Cơ; sớm bố trí nguồn vốn xây dựng cầu Đống Cao trên QL37B, xây dựng cầu Bến Mới trên QL38B; sớm triển khai nâng cấp 14 đường ngang phòng vệ bằng biển báo trên tuyến đường sắt Bắc - Nam lên đường ngang lắp đặt cần chắn tự động; xây dựng các đường gom dân sinh dọc đường sắt...

           Bộ trưởng Bộ GTVT cơ bản đồng ý với các đề xuất của địa phương và cho biết, Bộ đang xin chủ trương đầu tư cao tốc Ninh Bình - Thái Bình - Nam Định, giao Vụ Kế hoạch - Đầu tư phối hợp với các địa phương chuẩn bị các điều kiện nội dung. Khi Chính phủ đồng ý chủ trương sẽ sớm có dự án trình Chính phủ, Quốc hội. Với tuyến đường ven biển, Bộ trưởng thống nhất với ý kiến của Bí thư Tỉnh uỷ Nam Định Đoàn Hồng Phong, đây là con đường sẽ mở ra phát triển KT-XH vùng ven biển giàu tiềm năng. “Cao tốc Bắc - Nam và đường ven biển đều có tính kết nối cao, có vai trò quyết định, đột phá cho khu vực, trong đó có Nam Định”, Bộ trưởng nhìn nhận.

          Về đề xuất sử dụng nguồn vốn dư của Dự án cầu Thịnh Long để đầu tư xây dựng cầu Ninh Cường vượt sông Ninh Cơ, Bộ trưởng chỉ đạo các cơ quan chuyên môn thuộc Bộ, chủ đầu tư, nhà thầu tổ chức thi công cầu Thịnh Long đảm bảo chất lượng, cố gắng rút ngắn thời gian càng nhiều càng tốt để khai thác. Cầu Ninh Cường nằm trên QL37B và cầu Thịnh Long nằm trên tuyến đường ven biển nên cũng không thuộc danh mục sử dụng vốn dư cầu Thịnh Long, nên phải làm 1 dự án khác. Bộ trưởng giao Vụ Kế hoạch - Đầu tư, Ban QLDA Thăng Long phối hợp với Sở GTVT Nam Định chuẩn bị, khi cầu Thịnh Long đạt 75% kế hoạch, có điều kiện là tìm nguồn vốn cho dự án.

          Tại buổi làm việc, ông Khuất Việt Hùng, Phó chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia cho biết, cả Thanh Hoá và Nam Định là những địa phương có kết quả đảm bảo TTATGT tốt, nhưng tình hình trật tự ATGT đường sắt còn diễn biến rất phức tạp. Do đó, đề nghị địa phương cùng ngành Đường sắt rà soát, tăng cường cảnh báo cảnh giới đường ngang và đóng những điểm có thể đóng; giải toả hành lang giao thông đường bộ; tăng cường TTKS, xử lý vi phạm giao thông… để kéo giảm TNGT trên địa bàn.

                                                                                                                  Nguồn: Baogiaothong.vn

Ý kiến bạn đọc