Hội nghị trực tuyến sơ kết công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông 6 tháng đầu năm 2019

Thứ tư, 24/07/2019 Đã xem: 393 | Nhận xét: 0
  • Đánh giá cho bài viết:
  • 0 điểm ( 0 đánh giá )

          Ngày 22/7/2019, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia tổ chức hội nghị trực tuyến sơ kết công tác đảm bảo trật tự, an toàn giao thông 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2019. Đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị,Thủ tướng Chính phủ chủ trì hội nghị. Tham dự Hội nghị còn có đồng chí Trương Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, lãnh đạo các bộ, ngành và 63 tỉnh, thành phố tại các đầu cầu truyền hình trực tuyến. Tại điểm cầu Ninh Bình, dự hội nghị có đồng chí Nguyễn Ngọc Thạch, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng ban Thường trực Ban An toàn giao thông tỉnh; đồng chí Lê Trọng Thành, TUV, Giám đốc Sở Giao thông vận tải, Phó Trưởng ban An toàn giao thông tỉnh; đồng chí Vũ Anh Thiều, Phó Giám đốc Công an tỉnh, Phó Trưởng ban An toàn giao thông tỉnh cùng các đồng chí Ủy viên Ban An toàn giao thông tỉnh.

(Các đại biểu dự hội nghị tại Ninh Bình)

          Hội nghị đã nghe đồng chí Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia trình bày báo cáo công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông 6 tháng đầu năm 2019. Theo đó, trong 6 tháng đầu năm 2019 công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông đã được Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia quan tâm, chỉ đạo quyết liệt, được các bộ, ngành, đoàn thể chính trị xã hội và địa phương tích cực vào cuộc, triển khai thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, mặc dù 06 tháng đầu năm 2019 là thời gian tập trung nhiều đợt cao điểm về trật tự an toàn giao thông, đặc biệt, dịp cao điểm Tết Nguyên đán 2019, nhân dân cả nước được nghỉ nhiều hơn 02 ngày (09 ngày nghỉ) và cao điểm nghỉ lễ 30/4, 1/5/2019 nghỉ nhiều hơn 01 ngày (05 ngày) so với mọi năm, ngoài ra còn có nhiều sự kiện chính trị quan trọng, song tình hình trật tự an toàn giao thông tiếp tục có những chuyển biến rất tích cực, TNGT giảm cả 03 tiêu chí, giảm sâu nhất trong nhiều năm; dịch vụ vận tải cơ bản đã đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân trong các dịp cao điểm. Đặc biệt, việc Bộ Công an ra quân thực hiện cao điểm kiểm tra, xử lý vi phạm về ma tuý, nồng độ cồn đối với lái xe kinh doanh vận tải, xử lý vi phạm về mũ bảo hiểm đối với người đi mô tô, xe máy…; ngành Giao thông vận tải cả nước cũng thực hiện nghiêm chỉ đạo nâng cao an toàn kết cấu hạ tầng, xử lý điểm đen, điểm tiềm ẩn TNGT và siết chặt quản lý an toàn  đối với hoạt động vận tải; yêu cầu các đơn vị kinh doanh vận tải khám sức khoẻ đối với toàn bộ các lái xe, phát hiện và chấm dứt hợp đồng với lái xe dương tính với ma tuý; Công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến quy định pháp luật xây dựng văn hoá giao thông được thực hiện đồng bộ, cả chiều rộng và chiều sâu với sự vào cuộc mạnh mẽ của các Bộ, ngành, địa phương, đoàn thể, các cơ quan báo chí và cả cộng đồng mạng xã hội. Nổi bật là sự kiện đi bộ kêu gọi hành động “Đã uống rượu bia, không lái xe” với sự tham dự của hơn 10.000 người và tham gia truyền thông mạnh mẽ của các cơ quan báo chí cả nước đã tạo sức lan toả rất lớn, được dư luận xã hội ủng hộ, tạo dư luận đồng tình cao để Quốc hội khoá XIV thông qua Luật Phòng chống tác hại của rượu bia tại kỳ họp thứ 7 vừa qua.

          Cụ thể tình hình tai nạn giao thông trong 6 tháng đầu năm 2019 (tính từ ngày 15/12/2018 đến 14/6/2019), toàn quốc xảy ra 8.385 vụ tai nạn giao thông, làm chết 3.810 người, bị thương 6.358 người. So với 6 tháng đầu năm 2018, số vụ TNGT giảm 641 vụ (-7,1%), số người chết giảm 311 người (-7,55%), số người bị thương giảm 679 người (-9,65%). Có 47 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có số người chết do TNGT giảm so với cùng kỳ năm 2018 11 địa phương có số người chết do TNGT tăng so với cùng kỳ 2018. Xảy ra 19 vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng, làm chết 73 người, bị thương 87 người. Trong đó có 47 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có số người chết do TNGT giảm so với cùng kỳ năm 2018, trong đó 14 địa phương giảm trên 20% số người chết là: Tây Ninh, Bến Tre, Kiên Giang, Phú Yên, Bạc Liêu, Sơn La, Bắc Kạn, An Giang, Ninh Thuận, Quảng Bình, Tuyên Quang, Trà Vinh, Quảng Ninh, Lai Châu. Đặc biệt: Tây Ninh, Bến Tre, Kiên Giang giảm trên 40% số người chết do TNGT. Tuy nhiên, vẫn còn 11 địa phương có số người chết do TNGT tăng so với cùng kỳ 2018, trong đó 06 tỉnh tăng trên 10% là: Đà Nẵng, Cần Thơ, Thừa Thiên – Huế, Khánh Hòa, Thanh Hóa, Vĩnh Phúc, trong đó, có 02 tỉnh có số người chết tăng từ 50% trở lên là: Thanh Hóa và Vĩnh Phúc. Về Ùn tắc giao thông, cả nước xảy ra 46 vụ; so với cùng kỳ năm 2018, tăng 08 vụ (+17,4%). Nguyên nhân do tai nạn giao thông: 33 vụ (71,7%), lưu lượng phương tiện đông: 07 vụ (15,2%), nguyên nhân khác (sự cố phương tiện, cháy nổ, sạt lở…): 06 vụ (13,04%). Ngoài ra, tình hình ùn, ứ giao thông xảy ra khá thường xuyên tại các đoạn tuyến có các công trình giao thông thi công kéo dài, tổ chức giao thông bất hợp lý; tình trạng vư­ợt đèn đỏ, đi vào đường cấm, lấn chiếm vỉa hè, lòng đường để kinh doanh, trông giữ phương tiện, đỗ xe trái phép... cũng là nguyên nhân gây ra ùn, ứ giao thông trong các đô thị.

          Mặc dù đạt được những kết quả nổi bật, nhưng tình hình TTATGT vẫn diễn biến phức tạp, còn xảy ra 19 vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng, làm chết 73 người, bị thương 87 người, gây bức xúc trong dư luận xã hội, nhất là tai nạn liên quan đến xe chở khách, xe tải nặng, tai nạn do lái xe vi phạm nồng độ cồn, sử dụng ma túy gây nên; gần đây nhất là 03 vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng xảy ra tại Tây Ninh và Hòa Bình, Nghệ An làm 10 người chết và 51 người bị thương; trong khi việc kiểm tra, phát hiện, xử lý hầu như chỉ phụ thuộc vào hoạt động tuần tra, kiểm soát của CSGT và các đợt khám sức khoẻ bắt buộc tập trung do ngành GTVT, Y tế thực hiện, tỷ lệ còn thấp so với thực tế; vai trò chủ động phát hiện, ngăn ngừa lái xe sử dụng ma tuý, chất kích thích của chủ xe, chủ doanh nghiệp vận tải còn rất hạn chế. Tình hình TTATGT trên các tuyến vận tải ven biển cũng diễn biến ngày càng phức tạp với sự gia tăng nhanh chóng của đội tàu sông pha biển, ngày 29/6/2019 đã xảy ra vụ tai nạn giữa tàu Pacific 01 với tàu cá làm chết 1 người và 9 người đang mất tích; tình trạng “xe dù, bến cóc” tăng mạnh, gây mất TTATGT, cạnh tranh bất bình đẳng với xe khách tuyến cố định.

          Tại Ninh Bình, 6 tháng đầu năm 2019 công tác bảo đảm TTATGT được các cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm và có chuyển biến tích cực trên cả 3 lĩnh vực đường bộ, đường sắt và đường thủy. Công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật về TTATGT được thực hiện dưới nhiều hình thức đa dạng, phong phú, góp phần nâng cao nhận thức của người tham gia giao thông. Trong 6 tháng đầu năm 2019 toàn tỉnh xảy ra 73 vụ TNGT, làm chết 15 người, bị thương 58 người. So với cùng kỳ năm 2018, giảm 3 vụ (giảm 3,95%), giảm 01 người chết (giảm 6,25%), giảm 03 người bị thương (giảm 4,92%). rên địa bàn tỉnh không xảy ra tình trạng ùn tắc kéo dài trên các tuyến giao thông, đặc biệt là trong những ngày nghỉ Tết Nguyên đán Kỷ Hợi và dịp Lễ hội Xuân 2019.

          Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ đã biểu dương, nghi nhận những nỗ lực cố gắng của các bộ, ngành và các địa phương trong công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông trong 6 tháng đầu năm 2019. Để công tác ATGT năm 2019 đạt được mục tiêu, yêu cầu đề ra, đồng chí chỉ đạo các ngành, địa phương, tiếp tục thực hiện tốt công tác tuyên truyền về TTATGT; tuyên truyền, phổ biến Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia. Hoàn thiện hệ thống pháp luật về TTATGT. Nâng cao hiệu quả công tác, chất lượng, hiệu quả quản lý Nhà nước về giao thông vận tải. Xây dựng tốt nếp sống văn hóa giao thông. Có giải pháp khắc phục tình trạng ùn tắc giao thông cục bộ đang xảy ra ở các địa phương. Xửlý nghiêm tình trạng uống rượu, bia gây TNGT. Tăng cường công tác an toàn giao thông đường sắt, đường hàng không. Đẩy mạnh công tác đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông; ứng dụng công nghệ thông tin vào giám sát và điều hành giao thông; xử lý dứt điểm tình trạng mất TTATGT tại các trạm thu phí BOT. Hoàn thành kế hoạch xử lý các điểm đen, điểm tiềm ẩn TNGT. Đổi mới nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm về TTATGT. Hạn chế phương tiện cá nhân tham gia giao thông. Siết chặt các quy định về bảo đảm ATGT đối với phương tiện và người lái, công tác sát hạch cấp giấy phép lái xe. Nâng cao trách nhiệm của người lái xe đối với cộng đồng xã hội. Yêu cầu đóng cửa các cơ sở cấp phép lái xe không đạt yêu cầu. Tổ chức điều tra, xử lý nghiêm các vụ TNGT nghiêm trọng xảy ra. Tập trung triển khai đảm bảo đảm tiến độ, chất lượng các dự án xây dựng công trình giao thông; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra trên các lĩnh vực giao thông vận tải….

                                                                                                                                      Đại Nghĩa

Ý kiến bạn đọc