Nghị định số 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ và những điểm mới trong xử lý vi phạm hành chính lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt

Thứ năm, 05/03/2020 Đã xem: 915 | Nhận xét: 0
  • Đánh giá cho bài viết:
  • 0 điểm ( 0 đánh giá )

             Để đảm bảo phù hợp với một số quy định của Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia 2019 có hiệu lực từ ngày 01-01-2020, ngày 30/12/2019, Chính phủ ban hành Nghị định số 100/2019/NĐ-CP với những điểm mới về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt.

 

 

             Nghị định số 100/2019/NĐ-CP được ban hành với thủ tục rút gọn, thay thế Nghị định số 46/2016/NĐ-CP, ngày 26/5/2016 của Chính phủ ban hành trước đó. Theo đó, Nghị định số 100/2019/NĐ-CP đã có những thay đổi phù hợp. Cụ thể:

             Một là, bổ sung quy định rõ đối tượng áp dụng là tổ chức bị xử phạt (tại khoản 2, Điều 2 Nghị định); bổ sung quy định rõ đối tượng hộ kinh doanh, hộ gia đình, tổ hợp tác thực hiện hành vi vi phạm hành chính tại Nghị định này bị xử phạt như đối với cá nhân vi phạm (tại khoản 3, Điều 2 Nghị định).

             Theo đó, tổ chức có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt bị xử phạt gồm: Cơ quan nhà nước có hành vi vi phạm mà hành vi đó không thuộc nhiệm vụ quản lý nhà nước được giao; đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân; Đơn vị sự nghiệp công lập; Cơ quan Đảng Cộng sản Việt Nam; Tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp; Tổ chức kinh tế được thành lập theo quy định của Luật Doanh nghiệp gồm: Doanh nghiệp tư nhân, công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh và các đơn vị phụ thuộc doanh nghiệp (chi nhánh, văn phòng đại diện); Tổ chức kinh tế được thành lập theo quy định của Luật Hợp tác xã gồm: Hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã; Tổ chức được thành lập theo quy định của Luật Đầu tư gồm: Nhà đầu tư trong nước, nhà đầu tư nước ngoài và tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài; chi nhánh, văn phòng đại diện của thương nhân, doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam; văn phòng đại diện của tổ chức xúc tiến thương mại nước ngoài tại Việt Nam; Các tổ chức khác được thành lập theo quy định của pháp luật.

             Hai là, điều chỉnh tăng mức xử phạt đối với một số hành vi và nhóm hành vi của Nghị định quy định về xử phạt trong lĩnh vực giao thông đường bộ, như: 218 hành vi, nhóm hành vi về quy tắc giao thông; 18 hành vi, nhóm hành vi vi phạm quy định về phương tiện, người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ; 29 hành vi, nhóm hành vi vi phạm quy định về vận tải đường bộ; 22 hành vi, nhóm hành vi vi phạm trách nhiệm của chủ phương tiện, đăng kiểm phương tiện… Đặc biệt, đối với hành vi vi phạm quy định về nồng độ cồn, mức xử phạt cao nhất đối với người điều khiển xe ôtô từ 30-40 triệu đồng, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 22-24 tháng; đối với người điều khiển xe môtô từ 6-8 triệu đồng, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 22-24 tháng; người điều khiển xe đạp, xe thô sơ từ 400-600 nghìn đồng nhằm đảm bảo tính răn đe, nâng cao hiệu quả việc chấp hành quy định của pháp luật về giao thông đường bộ.

             Ba là, bổ sung hình thức tịch thu phương tiện đối với các hành vi tự ý đục số khung, số máy của phương tiện, đưa phương tiện quá niên hạn sử dụng tham gia giao thông, đưa phương tiện ra tham gia giao thông không có giấy đăng ý xe hoặc sử dụng giấy đăng ký xe không do cơ quan có thẩm quyền cấp, không đúng số khung, số máy của xe hoặc bị tẩy xóa (kể cả rơ moóc và sơ mi rơ moóc) mà không chứng minh được nguồn gốc, xuất xứ của phương tiện (không có giấy tờ, chứng từ chuyển quyền sở hữu xe hoặc giấy tờ, nguồn gốc xe hợp pháp).

             Bốn là, sửa đổi quy định về phân định thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt của Cảnh sát giao thông cho phù hợp với quy định của Luật Giao thông đường bộ, chức năng, nhiệm vụ của lực lượng Cảnh sát giao thông và đáp ứng yêu cầu thực tiễn của công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông. Theo đó, quy định thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của lực lượng Cảnh sát giao thông đối với từng hành vi (nhóm hành vi) vi phạm được quy định cụ thể tại từng điểm, khoản, điều của Chương II và Chương III Nghị định (tại khoản 2, Điều 74 Nghị định).

             Những điểm mới trong quy định của Nghị định số 100/2019/NĐ-CP tác động mạnh mẽ đến đời sống tiễn hằng ngày của quần chúng nhân dân; tạo hiệu ứng lan truyền điều chỉnh hành vi và nâng cao ý thức của người dân chấp hành các quy định của luật giao thông đường bộ, tạo tính răn đe, nghiêm minh của pháp luật đảm bảo trật tự an toàn giao thông trên những tuyến đường.

                                                                                                                                                                                    Đại Nghĩa

Ý kiến bạn đọc